Thực trạng....
Trong giai đoạn 2011 - 2015, các cấp, các ngành, các địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã triển khai nhiều biện pháp, chính sách để giảm nghèo, chăm lo đời sống cho người nghèo, hộ nghèo, xã nghèo với nhiều hình thức đa dạng. Nhiều chương trình, dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thiết yếu cho xã nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất, chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo gắn với công tác khuyến nông, khuyến công, thực hiện các chính sách về bảo hiểm y tế, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, học nghề… được tập trung triển khai thực hiện đạt kết quả tích cực. Tình hình kinh tế - xã hội tại các xã miền núi, vùng sâu, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xã nghèo, xã bãi ngang ven biển khó khăn và huyện đảo Phú Quý có bước chuyển biến đáng kể, góp phần quan trọng vào việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Nhờ vậy, trong 5 năm (2011 - 2015) toàn tỉnh đã giảm 18.713 hộ nghèo, bình quân mỗi năm giảm 3.742 hộ, đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 9,09% đầu năm 2011, giảm xuống còn 2,53% vào cuối năm 2015.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Chương trình giảm nghèo vẫn còn một số hạn chế, đáng lưu ý là: Cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa thực sự quan tâm đúng mức đến các giải pháp căn cơ để giảm nghèo bền vững. Việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ xã nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo tại một số địa phương còn khó khăn, nhất là việc giải quyết đất sản xuất, đất ở, đào tạo nghề, giải quyết việc làm; kết cấu hạ tầng tại các xã nghèo, vùng nghèo tuy được quan tâm đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển. Kết quả giảm nghèo nhìn chung chưa thật bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao.
Giải pháp…
Để thực hiện tốt mục tiêu “Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm bình quân hàng năm từ 1 - 1,2% theo chuẩn nghèo quốc gia đa chiều trong giai đoạn 2016 - 2020”, thiết nghĩ, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh cần nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa và nắm vững nội dung Chương trình giảm nghèo bền vững theo chuẩn đa chiều để từ đó nâng cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình giảm nghèo bền vững tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2016 - 2020. Đồng thời, phải làm tốt công tác tuyên truyền về Chương trình giảm nghèo bền vững trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là những hộ nghèo, hộ cận nghèo biết để thấy rõ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước về Chương trình giảm nghèo bền vững, từ đó tích cực tham gia thực hiện tốt các dự án, chương trình giảm nghèo và từng hộ nghèo cần phải nỗ lực phấn đấu vươn lên trong lao động, sản xuất, sớm thoát nghèo bền vững, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Cùng với đó, các cấp, các ngành, các địa phương cần tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, khuyến khích mở mang nhiều ngành nghề, dịch vụ, tạo sinh kế cho hộ nghèo và hộ cận nghèo; trong đó, cần đặc biệt chú trọng tăng cường hoạt động chuyển giao, hướng dẫn ứng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi để tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho hộ nghèo và hộ cận nghèo.
Ngoài ra, cần phát huy tốt hơn nữa vai trò lãnh đạo của cấp ủy, sự quản lý, điều hành của chính quyền và công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong việc tổ chức, triển khai thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững, nhất là cấp cơ sở. Mặt khác, phải kịp thời củng cố, kiện toàn, phát huy đúng mức vai trò, trách nhiệm của Ban Chỉ đạo giảm nghèo bền vững ở các cấp để thực hiện tốt các chương trình, dự án giảm nghèo tại địa phương, cơ sở...