Theo đó, đối tượng áp dụng là các tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài và các chủ thể khác theo quy định của pháp luật dân sự có các hoạt động liên quan đến việc quản lý, sử dụng CDĐL “Bình Thuận” dùng cho sản phẩm quả thanh long.
Từ phân công trách nhiệm quản lý…
UBND tỉnh phân công Sở Khoa học và Công nghệ là cơ quan quản lý CDĐL "Bình Thuận" dùng cho sản phẩm quả thanh long. Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản phục vụ quản lý, sử dụng và phát triển CDĐL "Bình Thuận" dùng cho sản phẩm quả thanh long. Cấp, cấp đổi, cấp lại, gia hạn hiệu lực Giấy chứng nhận quyền sử dụng CDĐL "Bình Thuận" dùng cho sản phẩm quả thanh long theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT…
Sở Nông nghiệp và PTNT là cơ quan chủ trì quản lý bên ngoài đối với sản phẩm quả thanh long mang CDĐL "Bình Thuận"; chịu trách nhiệm quản lý chất lượng sản phẩm quả thanh long mang CDĐL "Bình Thuận" trong sản xuất, lưu thông tiêu thụ sản phẩm trên thị trường theo quy định của pháp luật; hướng dẫn điều kiện kỹ thuật bắt buộc trong sản xuất, bảo quản quả thanh long cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thanh long trên địa bàn tỉnh nhằm giữ tính đặc thù và phát triển chất lượng của thanh long mang CDĐL "Bình Thuận"…
Sở Công thương chịu trách nhiệm khai thác thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu cho thanh long mang CDĐL "Bình Thuận"…
UBND các huyện, thành phố, thị xã trong vùng mang CDĐL "Bình Thuận" dùng cho sản phẩm quả thanh long tổ chức các hoạt động quản lý, sử dụng CDĐL "Bình Thuận" dùng cho sản phẩm quả thanh long tại địa bàn; thực hiện chức năng thực thi bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp đối với CDĐL được bảo hộ theo quy định của pháp luật…
Các cơ quan thực thi quyền sở hữu công nghiệp trên địa bàn tỉnh (Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ, Chi cục Quản lý thị trường, UBND các huyện, thành phố, thị xã và các cơ quan liên quan) trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao chủ động, phối hợp tiến hành kiểm tra, kiểm soát phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với CDĐL "Bình Thuận" dùng cho sản phẩm quả thanh long theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và các quy định của pháp luật có liên quan.
Hiệp hội Thanh long Bình Thuận chịu trách nhiệm quản lý việc sử dụng tem CDĐL "Bình Thuận" dùng cho sản phẩm quả thanh long; xây dựng và tổ chức thực hiện quy chế quản lý nội bộ việc sử dụng CDĐL "Bình Thuận" dùng cho sản phẩm quả thanh long; quy chế kiểm soát, giám sát việc thực hiện các tiêu chí bắt buộc trong quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm thanh long mang CDĐL “Bình Thuận”; tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, khai thác thị trường, xây dựng kênh tiêu thụ sản phẩm quả thanh long mang CDĐL "Bình Thuận" của các thành viên thuộc Hiệp hội; vận động thành lập các hội, chi hội sản xuất, kinh doanh thanh long Bình Thuận, các tổ nhóm liên kết, hợp tác giữa người sản xuất thanh long mang CDĐL "Bình Thuận" và nhà thương mại để tăng cường quản lý nội bộ và tiêu thụ sản phẩm quả thanh long mang CDĐL "Bình Thuận"…
Tổ chức tập thể của các nhà sản xuất, kinh doanh quả thanh long trên địa bàn tỉnh được quyền đứng tên là chủ thể đại diện các thành viên của tổ chức để được cấp quyền sử dụng CDĐL "Bình Thuận" dùng cho sản phẩm quả thanh long; xây dựng và tổ chức thực hiện quy chế nội bộ quản lý và sử dụng CDĐL "Bình Thuận" dùng cho sản phẩm quả thanh long của tổ chức và các thành viên trong tổ chức; áp dụng những thành tựu khoa học - công nghệ, thực hiện tốt tiêu chuẩn GAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) trong sản xuất, chế biến, đóng gói nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và duy trì tính đặc thù, đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm quả thanh long mang CDĐL “Bình Thuận”…
Đến sử dụng CDĐL “Bình Thuận” cho quả thanh long
Các tổ chức, cá nhân được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng CDĐL theo quy định tại Quy chế này được sử dụng CDĐL "Bình Thuận" dùng cho sản phẩm quả thanh long và được bảo hộ theo các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ, đồng thời được gắn logo lên hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, giấy tờ giao dịch trong hoạt động kinh doanh quả thanh long; lưu thông, chào bán, quảng cáo nhằm để bán, trữ để bán thanh long mang CDĐL "Bình Thuận"; được tham gia các chương trình tập huấn, đào tạo về quản lý, sử dụng CDĐL và hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, phát triển danh tiếng cho sản phẩm quả thanh long mang CDĐL “Bình Thuận"; được hưởng các chính sách hiện hành của Nhà nước về hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ, hỗ trợ sử dụng và phát triển sản phẩm mang CDĐL.
Logo (biểu tượng) Chỉ dẫn địa lý "Bình Thuận” dùng cho sản phẩm quả thanh long
Các tổ chức, cá nhân được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng CDĐL "Bình Thuận" dùng cho sản phẩm quả thanh long có trách nhiệm lưu giữ Giấy chứng nhận quyền sử dụng CDĐL, xuất trình cho các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền khi có yêu cầu; thực hiện nghiêm túc các quy trình sản xuất bắt buộc; sản xuất theo GAP; đảm bảo chất lượng, tính đặc thù của thanh long mang CDĐL “Bình Thuận”; đảm bảo yêu cầu vệ sinh, an toàn thực phẩm khi đưa sản phẩm ra thị trường; không được chuyển giao quyền sử dụng CDĐL "Bình Thuận" dùng cho sản phẩm quả thanh long cho tổ chức, cá nhân khác; thực hiện nghiêm các quy chế, quy định, các hướng dẫn về quản lý, sử dụng CDĐL “Bình Thuận” dùng cho sản phẩm quả thanh long do các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ban hành; thường xuyên tự kiểm soát, giám sát việc sử dụng CDĐL trong nội bộ của tổ chức, đơn vị; cử người có thẩm quyền làm việc với đoàn kiểm tra, kiểm soát CDĐL; cung cấp thông tin, tài liệu, báo cáo kịp thời theo yêu cầu của đoàn kiểm tra, kiểm soát và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những thông tin, tài liệu, báo cáo đã cung cấp.
Để sản phẩm quả thanh long được mang CDĐL "Bình Thuận” cần đáp ứng đủ các điều kiện: Tổ chức, cá nhân có Giấy chứng nhận quyền sử dụng CDĐL còn hiệu lực; sản phẩm quả thanh long đưa ra thị trường được sản xuất trong vùng đăng bạ CDĐL, có chất lượng đáp ứng điều kiện bảo hộ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, về ngoại quan đạt tiêu chuẩn loại đặc biệt, hạng 1, hạng 2 của Tiêu chuẩn Việt Nam đối với quả thanh long (TCVN 7523:2005).
Tiêu chí để được đánh giá đủ điều kiện sử dụng CDĐL “Bình Thuận” dùng cho sản phẩm quả thanh long gồm: Sản phẩm quả thanh long đạt yêu cầu vệ sinh, an toàn thực phẩm và tiêu chuẩn đặc thù về chất lượng theo Quyết định số 786/QĐ-SHTT ngày 15/11/2006 của Cục Sở hữu trí tuệ về việc Đăng bạ tên gọi xuất xứ hàng hóa; được thành lập và hoạt động hợp pháp (nếu là tổ chức); vườn sản xuất thanh long trong vùng đăng bạ CDĐL, hoặc kinh doanh thương mại quả thanh long được sản xuất từ vùng địa lý được đăng bạ CDĐL "Bình Thuận" dùng cho sản phẩm quả thanh long; việc sản xuất, kinh doanh thanh long thực hiện đúng quy trình theo GAP.
Giấy chứng nhận quyền sử dụng CDĐL “Bình Thuận” cho quả thanh long có hiệu lực 5 năm kể từ ngày ký quyết định cấp, được gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần gia hạn 5 năm kể từ ngày ký quyết định gia hạn.
Giấy chứng nhận quyền sử dụng CDĐL bị chấm dứt hiệu lực trong các trường hợp: Tổ chức, cá nhân được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng CDĐL có văn bản thông báo từ bỏ quyền sử dụng hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng CDĐL "Bình Thuận" dùng cho sản phẩm quả thanh long đã hết thời hạn hiệu lực mà không có nhu cầu gia hạn hoặc không đạt điều kiện để được gia hạn hiệu lực. Tổ chức, cá nhân được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng CDĐL không còn tồn tại hoặc không còn hoạt động sản xuất, kinh doanh quả thanh long. Tổ chức, cá nhân được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng CDĐL là tổ chức tập thể không kiểm soát hoặc kiểm soát không có hiệu quả việc sử dụng CDĐL của các thành viên. Tổ chức, cá nhân không còn được chứng nhận sản xuất, kinh doanh theo GAP. Các điều kiện địa lý tạo nên tính đặc thù chất lượng của thanh long mang CDĐL “Bình Thuận” bị thay đổi, sản phẩm không còn đáp ứng điều kiện bảo hộ…
UBND tỉnh Bình Thuận giao nhiệm vụ cho Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT và các sở, ngành liên quan theo dõi tình hình thực hiện Quy chế quản lý và sử dụng CDĐL Bình Thuận dùng cho sản phẩm quả thanh long.
Minh Hồng