Kết quả nổi rõ nhất là tổ chức Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp trong tỉnh tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho Hội viên, ngày càng tích cực công tác quản lý công tác Nhà nước, tích cực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng các chỉ tiêu Nghị quyết thông qua tại các kỳ họp Hội đồng nhân dân các cấp, góp ý các dự thảo sửa đổi Hiến pháp, Bộ Luật Lao động, Luật đất đai sửa đổi, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đồng thời, chủ động nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị các biện pháp, chính sách liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trẻ em, gia đình và bình đẳng giới… đa số ý kiến của các cấp Hội đều được ghi nhận và đánh giá cao. Tổ chức Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp đã phối hợp với Ủy ban nhân dân cùng cấp và các ngành có liên quan xây dựng và triển khai thực hiện Quy chế phối hợp, nhất là trong việc vận động hội viên, phụ nữ đăng ký thực hiện 03 tiêu chuẩn trong phong trào thi đua “phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, các tiêu chí xây dựng gia đình “no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và nâng cao trách nhiệm, chấn chỉnh tác phong, giờ giấc làm việc theo Chỉ thị số 27-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp phát huy tốt thành viên chính thức trong các tổ chức phối hợp liên ngành của tỉnh như: Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh và cấp huyện; Ban Chỉ đạo Đề án “giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt tỉnh Bình Thuận”, Ban Chỉ đạo Đề án “giáo dục phẩm chất phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước”. Qua đó, góp phần tham gia các hoạt động quản lý Nhà nước trên địa bàn; động viên cán bộ, hội viên các cấp khơi dậy tính năng động, sáng tạo và tích cực tham gia các hoạt động góp phần xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác triển khai thực hiện Nghị định số 56/NĐ-CP của Chính phủ trên địa bàn tỉnh có nơi còn chậm, nhất là ở cơ sở; lãnh đạo một số địa phương chưa đảm bảo chế độ làm việc với Hội Liên hiệp Phụ nữ cùng cấp theo định kỳ 06 tháng/01 lần; việc tạo điều kiện hỗ trợ các nguồn lực cho Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp huyện và cơ sở ở một số nơi còn khó khăn, hạn chế, nhất là việc hỗ trợ kinh phí chi thường xuyên, kinh phí để thực hiện các chương trình, dự án của Hội; việc thực hiện quy chế phối hợp giữa tổ chức Hội Liên hiệp Phụ nữ với ủy ban nhân dân cùng cấp và các ngành có liên quan có lúc, có việc còn lúng túng, kết quả đạt được chưa cao.
Thiết nghĩ, để tổ chức Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp tham gia tốt hơn nữa vào công tác quản lý Nhà nước, cần chú ý đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền Nghị định 56/NĐ/CP của Chính phủ để nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên nhất là hội viên, phụ nữ về vai trò, ý nghĩa của việc tổ chức Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp tham gia công tác quản lý Nhà nước; cấp ủy, chính quyền các địa phương cần tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ các nguồn lực cho Hội Liên hiệp Phụ nữ tham gia công tác quản lý Nhà nước, nhất là kinh phí hoạt động, kinh phí thực hiện các chương trình, đề án; phát huy tốt hơn nữa vai trò của đại diện lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp trong việc tham gia vào các chương trình, đề án có liên quan đến công tác phụ nữ. Điều quan trọng nhất là, tổ chức Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp và bản thân cán bộ, hội viên, phụ nữ cần chủ động, tích cực và mạnh dạn hơn, phát huy tốt hơn vai trò của mình trong công tác quản lý Nhà nước để đạt được những kết quả cao hơn nữa, góp phần đưa Nghị định số 56-NĐ/CP của Chính phủ đi vào cuộc sống.