TIN MỚI NHẤT

PHÁT TRIỂN DU LỊCH BỀN VỮNG - THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP

Những năm qua, hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển. Chất lượng dịch vụ du lịch và hoạt động lữ hành tiếp tục nâng lên; toàn tỉnh có 43 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh lữ hành, trong đó có 05 doanh nghiệp lữ hành Quốc tế; các dịch vụ vui chơi giải trí như lướt ván bườm, lướt ván diều, mô tô nước, mô tô vượt địa hình, ... ngày càng có bước phát triển, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm, loại hình dịch vụ du lịch, thúc đẩy du lịch phát triển bền vững.

Hàng năm, nhờ duy trì tổ chức các lễ hội văn hóa truyền thống như Lễ hội Nghinh Ông, Lễ hội Trung Thu (Phan Thiết), Lễ hội Dinh Thầy Thím (La Gi), Tết Katê đồng bào Chăm theo đạo bàlamôn (Bắc Bình, Tuy Phong),... và các hoạt động thể thao như Giải đua thuyền rồng truyền thống tên sông Cà Ty, Giải chạy vượt đồi cát Mũi Né (Phan Thiết), Hội thi leo núi Tà Cú (Hàm Thuận Nam), Giải leo núi Linh Sơn Tự (Tuy Phong),... đã thu hút sự quan tâm của du khách Quốc tế và trong nước. Đồng thời, các cơ sở lưu trú không ngừng phát triển và ngày càng nâng chất lượng; toàn tỉnh hiện có 271 cơ sở lưu trú đang hoạt động kinh doanh, tăng 85 cơ sở lưu trú (trong đó có 60 nhà nghỉ), với tổng số hơn 10.300 phòng, tăng 2.764 phòng so với năm 2011. Đã có 171 cơ sở lưu trú/6.858 phòng được xếp hạng; trong đó, có 3 cơ sở/348 phòng xếp hạng 5 sao; 22 cơ sở/2.214 phòng xếp hạng 4 sao; 12 cơ sở/891 phòng xếp hạng 3 sao; 34 cơ sở/1.407 phòng xếp hạng 2 sao; 31 cơ sở/783 phòng xếp hạng 1 sao; 51 nhà nghỉ du lịch/973 phòng, ... Tổng cục Du lịch đánh giá và công nhận 6 cơ sở lưu trú đạt nhãn du lịch bền vững Bông sen xanh, trong đó có 01 cơ sở đạt 4 Bông và 5 cơ sở đạt 3 Bông. Nhờ đó, từ năm 2011 – 2013, lượng khách đến tham quan, du lịch toàn tỉnh tăng bình quân hơn 12%/năm, trong đó khách quốc tế tăng hơn 15%; doanh thu du lịch tăng bình quân gần 30%/năm, nâng tỷ trọng GRDP du lịch từ 5,7% (năm 2010) lên gần 8% (năm 2013) trong tổng GRDP của tỉnh. Riêng 6 tháng đầu năm 2014, toàn tỉnh có 1,83 triệu lượt du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tăng 9%; doanh thu du lịch đạt 3.185 tỷ đồng, tăng hơn 18% so với cùng kỳ năm trước; dự kiến doanh thu du lịch năm 2014 đạt 6.200 tỷ đồng, tăng gần 15,7% so với năm 2013. Hoạt động thu hút đầu tư du lịch được chú ý thực hiện đạt kết quả. Trong 3 năm qua, UBND tỉnh đã chấp thuận đầu tư 10 dự án, thu hồi 18 dự án; tính chung đến nay, toàn tỉnh hiện có 403 dự án du lịch được chấp thuận đầu tư còn hiệu lực, với vốn diện tích hơn 8.100 ha, tổng vốn đăng ký hơn 64 ngàn tỷ đồng, trong đó có 32 dự án đầu tư nước ngoài, với diện tích 3.100 ha và tổng vốn đăng ký tương đương 25,6 ngàn tỷ đồng; trong tổng số dự án du lịch, có 149 dự án đi vào hoạt động, 26 dự án vừa xây dựng, vừa kinh doanh, 93 dự án đang xây dựng, 84 dự án đang vướng đền bù, các dự án còn lại đang lập hồ sơ, thủ tục để xin cấp Giấy phép xây dựng. Môi trường du lịch và an ninh trật tự ở các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh cơ bản được giữ vững.

Tuy nhiên, các loại hình du lịch chưa phong phú, đa dạng; thiếu điểm vui chơi, giải trí và mua sắm hàng lưu niệm; chất lượng dịch vụ còn hạn chế; kết cấu hạ tầng du lịch, nhất là giao thông đối ngoại còn yếu kém và chưa đồng bộ. Hoạt động xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch Bình Thuận chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Nguồn nhân lực phục vụ ngành du lịch, nhất đội ngũ hướng dẫn viên, phục vụ,... trong các cơ sở du lịch, nhà hàng, khách sạn trên địa bàn tỉnh nhìn chung chưa mang tính chuyên nghiệp cao và chưa đáp ứng nhu cầu của du khách. Trong những năm gần đây, tỷ lệ thu hút du khách và doanh thu du lịch tăng chậm; còn nhiều dự án chưa đưa vào hoạt động.

Trong thời gian tới, để hoạt động dịch vụ - du lịch của tỉnh phát triển nhanh và bền vững hơn, bảo đảm số lượng du khách ngày càng tăng lên, tỷ lệ du khách quay trở lại ngày càng cao hơn, thời gian lưu trú dài hơn và mức tiêu dùng nhiều hơn; thiết nghĩ các cấp, các ngành, địa phương và các điểm, khu du lịch trong tỉnh cần thực hiện đồng bộ giải pháp, với quyết tâm cao nhất nhằm khai thác tối đa niềm năng, lợi thế có được về du lịch của tỉnh. Trong quá trình đó, bên cạnh việc đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng, tăng cường tổ chức các lễ hội truyền thống, các sự kiện mang tầm quốc gia và khu vực, giữ vững thương hiệu du lịch Hàm Tiến – Mũi Né – Hòn Rơm, liên kết phát triển các tour du lịch lữ hành trong nước và nước ngoài...; trước hết phải tập trung xây dựng và triển khai thực hiện Đề án Trung tâm Du lịch - Thể thao biển mang tầm quốc gia theo Kết luận số 76-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XI), xem đây là một trong những khâu đột phá trong các hoạt động xúc tiến, quảng bá tiềm năng du lịch của tỉnh đến với du khách trong nước và quốc tế nhiều hơn, khơi dậy và phát huy tốt hơn tiềm năng du lịch biển, đặc biệt là các môn thể thao biển, cùng với cảnh quang thiên nhiên tươi đẹp, đúng nghĩa “Biển Xanh, cát trắng, nắng vàng” của Bình Thuận thật kỳ thú, gắn với tập trung củng cố, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm dịch vụ du lịch; đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động dịch vụ du lịch; quan tâm đúng mức công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch, nhất là đội ngũ hướng dẫn viên và tiếp viên du lịch thật sự chuyên nghiệp, luôn đem đến sự hài lòng đối với du khách. Các cơ quan của Nhà nước hãy đồng hành cùng với doanh nghiệp, với chủ dự án du lịch trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi để triển khai thực hiện dự án và sớm đưa vào hoạt động..../.


Các tin khác

 

TIN NỔI BẬT

SỐ LƯỢT TRUY CẬP