Điểm nổi bậc đầu tiên là, phong trào đang thu hút ngày càng nhiều hơn các hộ nông dân hăng hái tham gia, từ 68.466 hộ, năm 2012 đã tăng lên 87.341 hộ năm 2014; số lượng hộ nông dân được bình chọn đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp tiếp tục tăng lên, toàn tỉnh đã bình bầu được 43.272 hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp trong giai đoạn 2012 – 2014, tăng 12% so với giai đoạn 2010 -2014; đặc biệt, ngày càng có nhiều hơn số hộ có thu nhập cao, toàn tỉnh có 182 thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm, 620 hộ thu nhập từ 300 – 500 triệu đồng, 1.404 hộ thu nhập từ 200 – 300 triệu đồng. Phong trào thực sự đã lan tỏa trong mọi lĩnh vực, mọi ngành nghề ở khu vực nông thôn và ở từng lĩnh vực, ngành nghề đều có những mô hình rất tiêu biểu; nếu như trong lĩnh vực trồng trọt, có mô hình gia đình ông Bùi Ngọc Lê (Hàm Thuận Nam) canh tác thanh long, thu lại lợi nhuận hàng năm trên 500 triệu đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 lao động thì trên lĩnh vực chăn nuôi có hộ gia đình ông Trương Đình Đại với mô hình chăn nuôi heo nái, heo thịt, gà thả vườn thu lãi 500 triệu đồng/năm, hay mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng của nông dân Nguyễn Văn Côn (Bắc Bình) thu được lợi nhuận cao, hơn 4 tỷ đồng/năm, mô hình đánh bắt xa bờ gắn với bảo vệ biển đảo của gia đình ngư dân Nguyễn Ngọc Đãi (Phan Thiết) thu lại lợi nhuận hơn 300 triệu đồng/năm; trên các ngành nghề chế biến, dịch vụ cũng có nhiều mô hình kinh doanh rất hiệu quả, mà tiêu biểu là hộ ông Huỳnh Tám (Tuy Phong) đã mạnh dạn đầu tư, cải tạo phương thức sản xuất muôi, tăng mức lãi thu được hàng năm từ 300 triệu đồng lên đến 900 triệu đồng.Từ kết quả trên, có thể khẳng định rằng, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi của tỉnh trong những năm qua đã tạo động lực thúc đẩy kinh tế hộ, kinh tế trang trại gắn với tăng cường ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu ngành nghề mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Điều đáng trân trọng là, qua phong trào này, tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau giữa các hộ nông dân ngày càng bền chặt và tăng cường, các hộ nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi đã và đang tạo việc làm tại chỗ cho hơn 83.780 lao động, giúp đỡ vốn, cây, con giống và kinh nghiệm sản xuất cho hơn 43.700 lượt hộ nghèo, hỗ trợ giúp đỡ xây dựng nhà cho các hộ nông dân nghèo đang khó khăn về nhà ở, từ đó có nhiều hộ nông dân trước kia vốn khó khăn về vốn, trình độ hoặc thiếu kinh nghiệm trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nay đã từng bước vươn lên làm giàu. Qua đó, phong trào đã thực sự trở thành một trong những yếu tố rất quan trọng để thúc đẩy nông dân tỉnh nhà thi đua sản xuất, kinh doanh, tích cực, sáng tạo, đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà đại phương.
Tuy nhiên, vẫn còn một số trăn trở cần quan tâm: Phong trào vẫn chưa thực sự đồng đều giữa các vùng, các lĩnh vực, ngành nghề; những mô hình hộ nông dân tiêu biểu trong sản xuất, kinh doanh chậm được nhân rộng; công tác phối hợp giữa các ngành liên quan và các tổ chức, đoàn thể trong việc hỗ trợ phong trào thi đua của nông dân chưa đồng bộ; trên thực tế, vẫn còn nhiều hộ nông dân tỉnh nhà đang khó khăn trong cuộc sống, sản xuất chưa được bảo đảm.
Để hỗ trợ ngày càng tốt hơn cho lực lượng nông dân tỉnh nhà không ngừng kể cả chiều rộng và chiều sâu; thiết nghị, trong thời gian tới, điều cần thiết là phải tăng cường các biện pháp để đẩy mạnh hơn nữa phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi một cách thường xuyên, liên tục và đều khắp, thu hút ngày càng nhiều hộ nông dân tham gia trên các ngành, lĩnh vực sản xuất; tiếp tục hỗ trợ nông dân không ngừng sáng tạo, tìm tòi các mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả, gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; chú ý công tác tuyên truyền, quán triệt, nhất là đối với các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và những chủ trương của tỉnh liên quan đến nông nghiệp, nông dân và nông thôn để giúp nông dân nhanh chóng tiếp cận, nắm, hiểu và vận dụng vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh. Chú ý tăng cường các biện pháp phát hiện, xây dựng và nhân rộng những mô hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi để giúp nông dân học hỏi và vận dụng vào quá trình sản xuất, kinh doanh, thu được hiệu quả kinh tế cao, ổn định cuộc sống. Đồng thời, các cấp, các ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội cần hết sức quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ phong trào, tạo mọi điều kiện để nông dân tiếp cận chính sách pháp luật, vốn, khoa học - kỹ thuật để hăng hái và yên tâm thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi. Bản thân những hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi, nhất là những hộ đã được tuyên dương cần tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, tiếp tục hăng hái thi đua lao động sản xuất, kinh doanh giỏi gắn với tích cực tham gia các hoạt động xã hội tự thiện, giảm nghèo và các phong trào do địa phương phát động, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh./-