TIN MỚI NHẤT

Bình Thuận: Kết quả 10 năm thi hành pháp lệnh chống mại dâm

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh hiện có 1.523 cơ sở kinh doanh dịch vụ, trong đó 1.042 cơ sở nhà nghỉ, khách sạn, nhà cho thuê; 170 điểm karaoke, 217 cơ sở cà phê đèn mờ, 94 cơ sở massage, vũ trường, quán bar với khoảng hơn 900 lao động phục vụ tại các cơ sở này. 

Trong những năm qua, Bình Thuận được xem là một trong những trung tâm du lịch đã và đang phát triển trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Mỗi năm thu hút trên ba triệu lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng tại các khu du lịch của tỉnh. Theo đó, nhiều loại hình dịch vụ ăn uống, giải trí, lưu trú như nhà hàng, khách sạn, nhà trọ, nhà nghỉ, quán bar, karaoke, massage, hớt tóc máy lạnh… cũng phát triển rất nhanh để phục vụ du khách. Tình hình trên đã tạo điều kiện cho việc giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhưng đó cũng là môi trường thuận lợi để các loại tệ nạn xã hội hoạt động, phát triển, nhất là tệ nạn mại dâm.

Hiện nay, tình hình mại dâm trên địa bàn tỉnh có chiều hướng gia tăng, địa bàn hoạt động rộng, hình thức hoạt động ngày càng tinh vi, xảo trá gây không ít khó khăn cho các lực lượng chức năng trong việc triệt phá, quản lý địa bàn, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và gây bức xúc trong dư luận xã hội. Đặc biệt, tệ nạn mại dâm tập trung dọc tuyến quốc lộ 1A xã Vĩnh Tân, Vĩnh Hảo – Tuy Phong; khu vực giáp ranh các phường Tân An, Tân Thiện – La Gi và nhất là khu vực giáp ranh các phường Xuân An, Phong Nẫm, Phú Tài, Tiến Lợi thành phố Phan Thiết và có xu hướng lan đến các vùng nông thôn, vùng cao thuộc các huyện Đức Linh, Tánh Linh, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc. Trước thực trạng tình hình trên đòi hỏi các ngành chức năng và cấp ủy, chính quyền địa phương phải có những giải pháp đồng bộ, phù hợp với thực tế để đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả, đẩy lùi tội phạm, các tệ nạn mại dâm trên địa bàn toàn tỉnh.

Thực hiện Pháp lệnh phòng, chống mại dâm; các Nghị định của Chính phủ triển khai thực hiện Pháp lệnh; Quyết định số 679/QĐ-TTg ngày 10 tháng 5 năm 2011 của Thủ tướng Chính Phủ về việc Phê duyệt Chương trình hành động phòng, chống mại dâm giai đoạn 2011-2015. Các cấp ủy và chính quyền các cấp trong tỉnh xác định công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần cho việc phát triển kinh tế xã hội một cách ổn định và bền vững; từ đó hằng năm đã có Nghị quyết chuyên đề lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền phối hợp cùng với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức đoàn thể xây dựng chương trình, kế hoạch, tổ chức hội nghị mở rộng triển khai thực hiện  nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác đấu tranh, phòng chống, ngăn chặn tệ nạn mại dâm gắn với xây dựng xã, phường lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. 

10 năm qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo điều hành công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm như: Công văn số 1756/UBND ngày 11/5/2006 về việc cho phép thành lập Đội hoạt động xã hội tình nguyện cấp xã theo Thông tư số 27; Công văn số 4884/UBND-VX ngày 25/9/2009 về việc chỉ đạo tăng cường công tác phòng chống tệ nạn mại dâm trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 3577/KH-UBND ngày 29/7/2011 triển khai công tác phòng chống tệ nạn mại dâm giai đoạn 2011-2015; củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng chống tệ nạn mại dâm tỉnh giúp UBND tỉnh chỉ đạo điều hành công tác phòng, chống HIV/AIDS; phòng chống ma túy, phòng chống mại dâm trong toàn tỉnh….

Trên cơ sở các chỉ thị, kế hoạch, văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ được phân công đã tiến hành xây dựng các kế hoạch phối hợp liên ngành để tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ Pháp lệnh phòng, chống mại dâm trên địa bàn tỉnh, nổi rõ là:

Liên ngành LĐTBXH- VHTT- CAT- UBMTTQVN có Hướng dẫn số 03/LT ngày 10/2/2006 về thực hiện quy định và nội dung hoạt động, phân loại đánh giá công tác xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn mại dâm, ma túy theo Nghị quyết liên tịch số 01/2005; Sở Lao động- TB&XH ra Quyết định số 38/2006/QĐ- LĐTBXH ngày 24/3/2006 về việc thành lập Tổ thường trực thực hiện Nghị quyết liên tịch số 01/2005; mở hội nghị triển khai công tác này với các sở, ngành, các huyện, thị xã, thành phố và các xã, phường, thị trấn có tệ nạn mại dâm, ma túy trong toàn tỉnh theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Sau  hội nghị, các Sở: Lao động – TB&XH, Văn hóa, Thể thao & Du lịch, Công an tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đều có văn bản chỉ đạo chuyên ngành triển khai thực hiện.

Qua 10 năm triển khai công tác phối hợp liên tịch (2003-2012) Sở Lao động – TB&XH chủ trì phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Phòng PV28, Phòng PC 45 – Công an tỉnh kiểm tra, đánh giá kết quả công tác xây dựng xã, phường lành mạnh không có tệ nạn xã hội hàng năm tại các xã, phường, thị trấn thuộc 10 huyện, thị xã, thành phố theo quy định tại Nghị quyết Liên tịch số 01/2005 và Nghị quyết Liên tịch số 01/2008/NQLT-BLĐTBXH-BCA-BVHTTDL-UBTUMTTQVN của Liên Bộ: Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về việc ban hành “Các tiêu chí phân loại, chấm điểm đánh giá và biểu thống kê báo cáo về công tác xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm”. Theo đó, qua từng giai đoạn thực hiện Pháp lệnh phòng, chống mại dâm 2003; Chương trình hành động phòng, chống mại dâm giai đoạn 2001-2005; 2006-2010; 2011-2015 các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố đã xây dựng các kế hoạch, chương trình để cùng triển khai thực hiện.

          Đặc biệt, trong 10 năm qua, Đoàn kiểm tra liên ngành 814 các cấp đã tiến hành kiểm tra 5.914 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ (gồm: các cơ sở hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ massage, karaoke; các cơ sở lưu trú, du lịch, nhà hàng, khách sạn…) phát hiện 1.336 cơ sở vi phạm (chiếm 22,6% số cơ sở được kiểm tra), đã xử lý bằng hình thức cảnh cáo và phạt tiền 1.059 trường hợp vi phạm với số tiền 1.366 triệu đồng,  đình chỉ, thu hồi giấy phép kinh doanh 30 cơ sở. 

Lực lượng Công an trong toàn tỉnh đã tăng cường công tác nắm tình hình, lập chuyên án triệt phá được 207 vụ mại dâm, bắt 807 đối tượng, gồm: 226 chủ chứa, môi giới, 325 gái mại dâm, 256 đối tượng mua dâm. Kết quả xử lý: đã lập hồ sơ đề nghị truy tố 136 vụ gồm 129 đối tượng (112 chủ chứa, 14 môi giới và 03 mua dâm người chưa thành niên); đưa 282 gái mại dâm vào Trung tâm CBGDLĐXH tỉnh. Xử phạt hành chính  và đưa vào diện giáo dục theo Nghị định 163/CP tại xã, phường, thị trấn 125 gái bán dâm với tổng số tiền phạt hơn 500 triệu đồng.

          Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện pháp lệnh phòng, chống mại dâm năm 2003 trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế như: Công tác tuyên truyền, phổ biến và học tập chủ trương, pháp luật về phòng, chống tệ nạn mại dâm chưa sâu kỹ, chưa rộng khắp và thường xuyên trong các tầng lớp nhân dân, các địa bàn trọng điểm, đặc biệt là ở các cơ sở kinh doanh dịch vụ như: nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ, karaoke, massage và trong các khu du lịch.- Một số địa phương chưa chủ động triển khai thực hiện Pháp lệnh phòng, chống mại dâm năm 2003, không có kế hoạch triển khai cụ thể mặc dù tệ nạn mại dâm trên địa bàn diễn biến khá phức tạp. Công tác kiểm tra, thanh tra, truy quét chưa thường xuyên, liên tục, chưa đánh trúng các ổ nhóm, đường dây hoạt động mại dâm lớn, các vụ triệt phá chỉ do Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) Công an tỉnh thực hiện còn các địa phương ít quan tâm chỉ đạo và tổ chức triệt phá. Luật xử lý vi phạm hành chính không áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường thị trấn và đưa vào cơ sở chữa bệnh đối với người bán dâm có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2013. Người có hành vi bán dâm chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật (quy định tại Điều 2, Nghị quyết 24/2012/QH13) nên chưa tác động trực tiếp vào nhận thức của người bán dâm. Việc xử lý của các ngành chức năng theo các Nghị định số 87/CP, Nghị định số 31/CP, Nghị định số 56/CP của Chính phủ còn mang tính hình thức, chủ yếu là cảnh cáo và phạt tiền ở mức thấp, rất ít cơ sở bị đình chỉ kinh doanh và thu hồi giấy phép kinh doanh theo quy định của pháp luật nên hiệu quả chưa cao. Nhiều cơ sở tái phạm nhiều lần thậm chí tổ chức mại dâm trá hình nhưng vẫn chỉ phạt tiền, vẫn để tồn tại hoặc thay tên đổi chủ tiếp tục hoạt động và lại vi phạm. Công tác thống kê, phân loại đối tượng nghi vấn hoạt động mại dâm, cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện dễ phát sinh tệ nạn mại dâm thiếu chính xác; công tác thông tin báo cáo của các ngành, đoàn thể, các cấp chính quyền địa phương chưa kịp thời đúng thời gian qui định, thậm chí có huyện, cơ quan, đơn vị, địa phương cả năm không có báo cáo hoặc báo cáo chỉ làm qua loa, đại khái.

Nguyên nhân: Nhận thức của cấp uỷ, chính quyền, các ngành, các đoàn thể các cấp về công tác phòng chống mại dâm chưa cao. Công tác tuyên truyền giáo dục còn nặng về hình thức. Đội ngũ cán bộ làm công tác phòng chống tệ nạn xã hội chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ cả về số lượng và chất lượng. Hầu hết cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội từ cấp huyện đến xã, phường, thị trấn đều là kiêm nhiệm nên không đáp ứng được yêu cầu công việc. Quy định của pháp luật còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ như quy định về  việc cấp và thu hồi giấy phép kinh doanh, đăng ký hợp đồng lao động, tạm trú, tạm vắng đã tạo điều kiện cho chủ cơ sở dễ dàng thay tên đổi chủ tiếp tục hoạt động mại dâm trá hình. Kinh phí phòng chống mại dâm được tỉnh phân bổ bình quân hằng năm chỉ bảo đảm chi cho công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát; điều tra triệt phá ổ nhóm và hỗ trợ một phần cho các xã, phường trọng điểm về tệ nạn mại dâm; còn lại, phần lớn các hoạt động triển khai công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm ở xã, phường, thị trấn chưa được địa phương quan tâm bố trí kinh phí.

Một số kiến nghị sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh: Đề nghị Trung ương kịp thời ban hành các văn bản quy phạm pháp luật (có thể là dự án Luật Phòng, chống mại dâm) để thay thế Pháp lệnh phòng, chống mại dâm. Sớm ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm trong tình hình hiện nay. Bổ sung các biện pháp xử lý đối với mại dâm đồng giới và một số hành vi liên quan đến mại dâm như: Khiêu dâm, kích dục, dụ dỗ, ép buộc người tham gia hoạt động mại dâm...; bổ sung chế tài xử lý hình sự đối với các hành vi bảo kê, môi giới, tổ chức hoạt động mại dâm. Bổ sung các biện pháp giảm tác hại của mại dâm nhằm phòng ngừa sự lây truyền HIV/AIDS; ban hành các chính sách, dịch vụ hỗ trợ xã hội tại cộng đồng nhằm hỗ trợ người bán dâm trong việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế, phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS; các chính sách nhằm giúp người bán dâm hoàn lương như vay vốn tạo việc làm, học nghề, xuất khẩu lao động. Tăng cường nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước để bảo đảm cho các hoạt động phòng, chống mại dâm có hiệu quả, nhất là bổ sung ngân sách cấp xã, phường, thị trấn để triển khai thực hiện các mô hình phòng, chống mại dâm. Quy định chế độ thi đua khen thưởng để động viên kịp thời các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong phong trào toàn dân tham gia phòng, chống mại dâm./.


Các tin khác

TIN NỔI BẬT

SỐ LƯỢT TRUY CẬP