Theo thống kế, đến nay toàn tỉnh đã có 20.136 ha thanh long, tăng 3,5 lần, sản lượng đạt gần 400.000 tấn, tăng gấp 4 lần so với năm 2005. Theo tính toán sơ bộ, hiệu quả kinh tế của người trồng thanh long khá rõ; doanh thu bình quân cho một ha thanh long mỗi năm hơn 300 triệu đồng, lợi nhuận đạt từ 150 đến 180 triệu đồng, hơn hẳn sản xuất lúa và các loại cây trồng khác. Đến nay, chỉ tính cây thanh long cũng đã đóng góp vào giá trị sản xuất nông nghiệp gần 4.300 tỷ đồng, chiếm gần 67% tổng giá trị sản xuất của cây lâu năm, chiếm hơn 33,5% giá trị ngành trồng trọt của tỉnh. Việc nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sản xuất thanh long sạch được các nhà vườn chú ý. Diện tích thanh long được cấp giấy chứng nhận VietGap gần 7.000 ha, chiếm 35% tổng diện tích thanh long hiện có, 23 cơ sở thu mua, chế biến, kinh doanh thanh long được cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm trong sơ chế, đóng gói xuất khẩu. Toàn tỉnh hiện có 206 cơ sở thu mua, sơ chế, đóng gói thanh long; có nhà máy xử lý nhiệt bằng hơi nóng của Công ty trách nhiệm hữu hạn Hồng Ân (Bắc Bình) đáp ứng yêu cầu kiểm dịch xuất khẩu thanh long sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc; có 8 doanh nghiệp xuất khẩu chính ngạch sang 14 quốc gia, với kim ngạch xuất khẩu hàng năm trên 21 triệu USD, còn lại chủ yếu xuất khẩu tiểu ngạch, “mậu biên” sang thị trường Trung Quốc.
Để thanh long Bình Thuận phát triển bền vững; trong thời gian tới các cấp, các ngành cần tăng cường hướng dẫn nông dân tập trung thâm canh, nâng chất lượng, sản xuất thanh long sạch VietGAP, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm; khuyến cáo nông dân không nên mở rộng thêm diện tích mà tập trung đầu tư chiều sâu; không chong đèn thanh long trái vụ nhiều lần trong năm, “vắt cạn” sức sống thanh long, làm giảm hiệu quả, rút ngắn chu kỳ kinh tế vòng đời thanh long. Tăng cường chuyển giao, ứng dụng rộng rãi tiến bộ khoa học – công nghệ, chú ý công tác giống, phòng trừ sâu bệnh, nhất là bệnh nấm tắc kè, đốm trắng… giúp nông dân yên tâm sản xuất thanh long hiệu quả. Quan tâm quảng bá, tiếp thị, giữ vững thị trường truyền thống; đồng thời mở rộng thị trường tiềm năng, đặc biệt các thị trường lớn ở Châu Âu, Bắc Mỹ, thị trường Trung Đông, Bắc Phi; đẩy mạnh xúc tiến thương mại đưa thanh long Bình Thuận vào thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Myanmar. Tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng (điện, đường, thuỷ lợi) cho vùng trồng thanh long… Thiết nghĩ, chỉ có tiến hành đồng bộ các giải pháp như vậy thì thanh long Bình Thuận mới có điều kiện tiếp tục vươn cao, bay xa, góp phần phát triển kinh tế nông thôn tỉnh nhà trong những năm tới.