Điều thấy rõ nhất là, công tác tuyên truyền, giáo dục công tác phòng, chống tham nhũng được thường xuyên quan tâm với nhiều hình thức phong phú, đa dạng (toàn tỉnh đã tổ chức tập huấn cho 220 cán bộ chủ chốt và báo cáo viên cấp tỉnh và cấp huyện và 990 lớp cho 42.536 cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh về các nghị định của Chính phủ về phòng, chống tham nhũng; tổ chức 115 lớp bồi dưỡng kiến thức về phòng, chống tham nhũng cho 195.800 lượt cán bộ, công chức, viên chức; rà soát, ban hành mới 85 văn bản, sửa đổi 55 văn bản để triển khai thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn thi hành luật phòng, chống tham nhũng; biên soạn và phát hành 1.000 quyển sổ tay hệ thống hóa các văn bản vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng). Đã tiến hành rà soát các quy định trên các lĩnh vực nhạy cảm, nhất là lĩnh vực đất đai; đặc biệt, việc công khai, minh bạch các dự án, quy hoạch, chính sách liên quan đến đất đai, đấu giá, đầu thầu... được tiến hành rộng rãi. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát được tiến hành liên tục, có sự đổi mới cả về nội dung, phương pháp, đối tượng và có tác dụng tích cực trong công tác phòng, chống tham nhũng (toàn tỉnh đã triển khai 14 cuộc thanh tra, kiểm tra tại 34 đơn vị, qua công tác thanh tra, kiểm tra đã xử lý số tiền 3,835 tỷ đồng và qua công tác thẩm định quyết toán năm 2012 đối với các cơ quan hành chính, các đơn vị sự nghiệp và các đơn vị có sử dụng ngân sách nhà nước cấp tỉnh đã kiến nghị xuất toán thu hồi nộp ngân sách số tiền 76,594 triệu đồng)… Nhờ thực hiện các giải pháp tích cực và đồng bộ, nên tình hình tham nhũng trên thực tế đã được kiềm chế, từng bước có đẩy lùi, đặc biệt số vụ tham nhũng trên lĩnh vực đất đai giảm dần. Việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được tiến hành dưới các hình thức tích cực hơn, đặc biệt là các ngày lễ, kỷ niệm...
Tuy nhiên, kết quả phòng, chống tham nhũng thời gian qua có mặt đạt được chưa căn bản; các vụ việc tham nhũng được phát hiện không phải do cơ sở tự kiểm tra, mà do các cơ quan chức năng thanh tra, báo chí phản ảnh. Một số vụ việc phát hiện và xử lý còn chậm, tỷ lệ thu hồi tài sản do tham nhũng chưa cao.
Trong thời gian tới, để thực hiện mục tiêu là ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng tham nhũng, lãng phí hiện nay, cần xác định rõ công tác phòng, chống tham nhũng là trách nhiệm lãnh đạo của các cấp ủy đảng, mà trực tiếp là đồng chí Bí thư cấp ủy. Để đạt được mục tiêu, yêu cầu nêu trên, cần tiếp tục quán triệt sâu kỹ và thực hiện tốt kết luận số 21-KL/TW của ban Chấp hành Trung ương (khóa XI), Kế hoạch 45-KH/TU của Tỉnh ủy (khóa XII) về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Quá trình đó, phải kết hợp chặt chẽ giữa phòng với chống tham nhũng, đặc biệt coi trọng công tác phòng ngừa. Chống tham nhũng, lãng phí đi đôi với xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với người vi phạm, thu hồi đầy đủ tài sản do tham nhũng gây ra. Từng cấp ủy đảng, mỗi sở, ngành, đơn vị cần làm tốt công tác tự kiểm tra phòng, chống tham nhũng trong nội bộ. Làm tốt hơn nữa công tác giáo dục, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tiếp tục rà soát lại tất cả các quy định thuộc thẩm quyền của tỉnh liên quan đến các chủ trương, chính sách trên tất cả các lĩnh vực: đất đai, tài chính, xây dựng, cấp phép đầu tư, công tác cán bộ... Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cấp ủy, Mặt trận, các đoàn thể, hội đồng nhân dân các cấp, đặc biệt là cấp xã, phường, thị trấn, phát huy vai trò giám sát của nhân dân và báo chí trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Hải Văn