Nhiều nội dung hỗ trợ của Dự án đã đến được tay hộ nghèo
Trong 5 năm (2006 - 2010), với tổng kinh phí thực hiện Dự án là 8.595 triệu đồng (gồm vốn Trung ương hỗ trợ 7.576 triệu đồng, số còn lại do nhân dân đóng góp), tỉnh đã tập trung đầu tư hỗ trợ cho 7.652 hộ nghèo thuộc đối tượng hưởng lợi từ Dự án tại 12 xã và 9 thôn xen ghép đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh, góp phần tạo điều kiện cho nhiều hộ nghèo nỗ lực, cố gắng vươn lên trong sản xuất, tạo thu nhập ổn định, từng bước cải thiện chất lượng cuộc sống. Thông qua nguồn kinh phí của Dự án, tỉnh đã đầu tư hỗ trợ cho các hộ nghèo mua 344 máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp như: máy xới, máy cày, máy bơm nước, máy gặt lúa bằng tay, máy tuốt lúa, bắp….; hỗ trợ hộ nghèo mua giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, thuốc trừ sâu phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp. Các đơn vị chức năng cũng đã tổ chức 160 lớp tập huấn kỹ thuật cho hơn 5.028 lượt nông dân, trong đó có hơn 4.842 lượt người dân tộc thiểu số.
Trồng cao su kết hợp chăn nuôi bò tại xã La Dạ, huyện Hàm Thuận Bắc
Đồng thời, xây dựng, hướng dẫn hộ nghèo thực hiện các mô hình về khuyến nông, khuyến lâm như: thâm canh lúa nước, trồng bắp cao sản, trồng tre lấy măng, thâm canh vườn điều, trồng cỏ nuôi bò, nuôi cá nước ngọt, gà thả vườn, heo đen, nuôi bò sinh sản... Ngoài ra, tỉnh còn thực hiện lồng ghép với các nguồn vốn thuộc các chương trình, dự án khác để sắp xếp, bố trí chổ ở ổn định cho 192 hộ nghèo tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Nhờ đó, qua 5 năm triển khai thực hiện Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135, tình hình kinh tế - xã hội tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh đã có nhiều khởi sắc; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn căn bản được giữ vững, đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện hơn so với trước; tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước trong một bộ phận hộ nghèo từng bước được khắc phục dần, góp phần củng cố niềm tin của đồng bào đối với Đảng và Nhà nước...
Tiếp tục phát huy những thành quả đạt được
Nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135 tại Bình Thuận trong giai đoạn 2011 - 2015, thiết nghĩ các cấp, các ngành tiến hành rà soát diện tích đất nông nghiệp tại các xã, thôn được hưởng lợi từ Dự án để có định hướng tổ chức sản xuất phù hợp, đạt hiệu quả kinh tế cao. Tiếp tục đầu tư hỗ trợ các loại giống cây trồng phù hợp, ưu tiên hỗ trợ các giống cây lương thực, cây lâu năm qua thực tiễn sản xuất đã thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của từng vùng; hỗ trợ giống gia súc nhằm từng bước cải tạo chất lượng đàn gia súc theo hướng sản xuất hàng hóa. Tăng cường chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, hướng dẫn kinh nghiệm làm ăn, nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, phù hợp với từng thôn, xã; phổ biến đến từng hộ gia đình theo kiểu “cầm tay chỉ việc” để hộ nghèo biết cách ứng dụng vào sản xuất, đạt hiệu quả cao.
Các mô hình chăn nuôi đạt hiệu quả xuất hiện ngày càng nhiều
Tiếp tục đầu tư hỗ trợ vốn cho hộ nghèo mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp nhằm tăng năng suất, giảm sức lao động, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Có chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản tại các vùng nguyên liệu tập trung của tỉnh gắn với đẩy mạnh tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, tạo thu nhập ổn định, giúp cho hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững. Nhà nước cần quan tâm đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống thủy lợi, giao thông nông thôn, nhất là giao thông nội đồng để phục vụ việc đi lại, sản xuất và vận chuyển nông sản hàng hóa cho nông dân… Có như vậy, mới thực hiện đạt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn trong tỉnh đến cuối năm 2015 còn dưới 20%, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XII (nhiệm kỳ 2010 - 2015) đã đề ra...
Bài, ảnh: Minh Hòa