TIN MỚI NHẤT

Chủ tịch UBND tỉnh: Chỉ thị triển khai thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm

  • /
  • 21.4.2011 - 0:0

UBND tỉnh vừa ban hành Chỉ thị số 12/CT-UBND về việc triển khai thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 365/CT-TTg, ngày 14/3/2011 về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; để chủ động tăng cường công tác phòng chống dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh ở heo, ngăn chặn dịch tái phát, với mục tiêu quyết tâm không để dịch bệnh xảy ra trên đàn gia súc, gia cầm tại tỉnh ta, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ thị:

1. Thủ trưởng đơn vị các Sở, ngành có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố phải thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các yêu cầu tại Chỉ thị số 365/CT-TTg ngày 14/3/2011 về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; các đơn vị chức năng, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố phải xem đây là nhiệm vụ quan trọng, đột xuất hiện nay để tổ chức, triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh dịch gia súc, gia cầm.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn và giúp UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm:

- UBND các huyện, thành phố, thị xã tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch để tổ chức tốt công tác phòng trừ dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm tại từng địa bàn mình quản lý. Duy trì, củng cố Ban Chỉ đạo phòng chống dịch gia súc, gia cầm các cấp và tổ chức họp giao ban định kỳ; tuyệt đối không được lơ là, chủ quan để xảy ra dịch bệnh.

          - UBND các huyện thành lập đội kiểm soát liên ngành gồm lực lượng công an, quản lý thị trường, thú y để kiểm soát vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm nhập vào địa phương; tiêu hủy và xử phạt trường hợp vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm trái phép, không rõ nguồn gốc. UBND các địa phương phải chuẩn bị đầy đủ các điều kiện: hố tiêu hủy, thuốc sát trùng, tiêu độc, lực lượng tham gia để chủ động trong công tác tiêu huỷ gia súc, gia cầm mắc bệnh. 

- UBND các huyện, thành phố, thị xã giao trách nhiệm giám sát, phát hiện và báo bệnh cho chính quyền cấp xã, phường, thị trấn để theo dõi sát diễn biến dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm tới từng hộ chăn nuôi; thiết lập thông tin liên lạc giữa thôn, xóm, xã, huyện để phản ảnh, thông tin kịp thời tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Khi phát hiện có dịch bệnh phải công bố công khai, đồng thời bao vây ổ dịch, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm mắc bệnh ra khỏi ổ dịch và thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch khác theo hướng dẫn của cơ quan thú y nhằm xử lý nhanh khi dịch xảy ra, không để lây lan ra diện rộng.

- Tổ chức tập huấn, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi. Chuồng trại phải được tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng sạch sẽ trước khi đưa con giống vào chăn nuôi. Con giống nhập về phải rõ nguồn gốc, được kiểm dịch, xuất phát từ những vùng, những trại không có dịch.

- Tập trung đẩy mạnh công tác quản lý hoạt động giết mổ, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm tại địa phương mình theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 6103/UBND-KT ngày 17/12/2010 về việc triển khai công tác quản lý hoạt động giết mổ, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Thành lập đoàn kiểm tra, thanh tra, đôn đốc, hướng dẫn công tác phòng chống dịch tại các địa phương và báo cáo kịp thời UBND tỉnh về kết quả triển khai công tác phòng chống dịch.

- Chỉ đạo lực lượng tại hai chốt kiểm soát động vật trên Quốc lộ IA hiện đang hoạt động cần phải thực hiện nghiêm công tác kiểm dịch vận chuyển động vật vào địa phương; xử lý triệt để các trường hợp vi phạm, tiêu hủy gia cầm và sản phẩm gia cầm vận chuyển không có giấy chứng nhận kiểm dịch.

-  Xây dựng kế hoạch chi tiết phòng chống dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng ở gia súc và tai xanh ở heo từ nay đến hết năm 2011 nhằm chủ động công tác phòng, chống dịch trong mọi tình huống khi có dịch xảy ra.

 - Chỉ đạo Chi cục Thú y tỉnh củng cố hệ thống giám sát, thông tin dịch bệnh, nhằm phát hiện sớm và xử lý kịp thời gia súc, gia cầm mắc bệnh, không để dịch lan rộng. Thiết lập bộ phận thường trực và có đường dây nóng để kịp thời nhận và xử lý các thông tin của nhân dân về dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.

- Chỉ đạo Chi cục Thú y tỉnh phối hợp chặt chẽ và thường xuyên liên hệ với UBND các địa phương, các cơ quan: Quản lý thị trường, Công an trong việc bố trí lực lượng tham gia để tăng cường công tác kiểm soát vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia súc, gia cầm và sản phẩm chăn nuôi; chỉ đạo các Trạm thú y tăng cường công tác giám sát phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm tại các địa phương; thường xuyên kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ công tác kiểm soát giết mổ ngay tại các cơ sở giết mổ, nhất là tại thành phố Phan Thiết, thị xã La Gi, đảm bảo chỉ buôn bán, sử dụng gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm có nguồn gốc xuất xứ, đã được kiểm soát của cơ quan thú y.

4. Sở Tài chính ưu tiên cân đối nguồn ngân sách để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm cho các đơn vị một cách kịp thời và có hiệu quả khi có yêu cầu.

5. Công an tỉnh chỉ đạo cơ quan công an địa phương có trách nhiệm phối hợp với cơ quan thú y bố trí lực lượng tham gia tại các chốt kiểm soát, các tổ kiểm tra, kiểm soát lưu động để kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm trái phép nhập vào tỉnh.

6. Sở Công thương chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường phối hợp với Chi cục Thú y tỉnh, UBND các huyện thành lập tổ kiểm tra liên ngành để kiểm tra, kiểm soát sản phẩm thịt heo tại các lò giết mổ gia súc, tại các chợ buôn bán trên địa bàn tỉnh để tăng cường phòng, chống dịch.

7.  Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, các cơ quan thông tin đại chúng: Đài Phát thanh truyền hình Bình Thuận, Báo Bình Thuận phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp chống dịch; biểu dương các điển hình tốt; phát hiện, phê phán kịp thời các địa phương, đơn vị, cá nhân có thái độ chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch.

8. Định kỳ vào ngày thứ 5 hàng tuần, UBND các huyện, thị xã, thành phố, Chi cục Thú y tỉnh báo cáo tình hình triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh theo dõi, chỉ đạo.

                                                         Minh Hòa


  • |
  • 1346
  • |

Các tin khác

TIN NỔI BẬT

SỐ LƯỢT TRUY CẬP