TIN MỚI NHẤT

Tiếp tục huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư cho công tác giảm nghèo

  • /
  • 23.1.2014 - 9:25

Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tại Hội nghị tổng kết 10 năm (2003 - 2013) thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa X) và sơ kết 3 năm (2010 - 2013) thực hiện Kết luận số 94-KL/TU của Tỉnh ủy (khóa XI) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa X) về xóa đói, giảm nghèo, đầu tư cơ sở hạ tầng xã nghèo và hỗ trợ nhà ở cho người nghèo vừa được tổ chức vào ngày 21/01/2014.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, chủ trì Hội nghị

Chung tay, góp sức chăm lo giảm nghèo...

Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa X) và 03 năm thực hiện Kết luận số 94-KL/TU của Tỉnh ủy (khóa XI); các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể trong tỉnh đã có nhiều nỗ lực, cố gắng triển khai thực hiện đạt kết quả:

Xã hội hóa công tác giảm nghèo tiếp tục được đẩy mạnh; đã thu hút nhiều nguồn lực tham gia vào công tác xóa đói, giảm nghèo. Đến nay, toàn tỉnh đã giải quyết cho gần 130.000 lượt hộ nghèo vay hơn 980 tỷ đồng để phát triển sản xuất, 2.354 hộ nghèo vay gần 19 tỷ đồng để sửa chữa nhà ở; có trên 48.200 học sinh, sinh viên nghèo vay gần 307 tỷ đồng để học tập. Đa số hộ nghèo vay vốn đều sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả, tỷ lệ thu hồi vốn vay đạt 96%.

Thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa X), các địa phương trong tỉnh đã cấp gần  4.756 ha đất sản xuất cho 4.037 hộ đồng bào dân tộc thiểu số thuộc 17 xã thuần và 32 thôn dân tộc thiểu số xen ghép, bình quân 1,18 ha/hộ. Tiếp tục ổn định diện tích giao khoán trên 86.431 ha rừng cho 2.378 hộ đồng bào dân tộc thiểu số quản lý, bảo vệ (bình quân 36 ha/hộ) với mức giao khoán 200.000 đồng/ha/năm,  góp phần hạn chế nạn phá rừng làm rẫy.

Trong 10 năm qua, toàn tỉnh đã vận động xây dựng Quỹ “Vì người nghèo” được 130 tỷ đồng, hỗ trợ xây dựng 24.767 căn nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, với tổng kinh phí trên 360 tỷ đồng; giá trị xây dựng căn nhà phần lớn từ 15 - 30 triệu đồng; trong đó, ngoài phần hỗ trợ của Nhà nước, mỗi hộ đóng góp thêm từ 7 - 15 triệu đồng, rất nhiều hộ đã vận động đóng góp thêm từ 30 - 40 triệu đồng để xây dựng nhà ở kiên cố, khang trang hơn. Ngoài ra, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể các cấp đã trực tiếp vận động hỗ trợ xây dựng và sửa chữa hơn 3.500 căn nhà cho hộ nghèo, với tổng kinh phí trên 28 tỷ đồng. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh giúp xây dựng 20 căn nhà cho đồng bào dân tộc thiểu số xã Phan Dũng (huyện Tuy Phong); xây dựng Trạm xá quân dân y kết hợp tại xã Phan Dũng (huyện Tuy Phong), xã Phan Điền (huyện Bắc Bình).

Thông qua việc lồng ghép thực hiện nhiều chương trình, dự án; hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là về giao thông, thủy lợi…. tại các xã nghèo tiếp tục được đầu tư xây dựng, nâng cấp, đáp ứng tốt hơn nhu cầu sản xuất, sinh hoạt cho nhân dân, góp phần thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong 10 năm qua, ngân sách tỉnh và Trung ương đầu tư trên 930 tỷ đồng xây dựng 960 công trình hạ tầng thiết yếu tại 39 xã và 32 thôn đồng bào dân tộc thiểu số xen ghép. Trong đó, Trung ương hỗ trợ 80 tỷ đồng đầu tư xây dựng 181 công trình ở 09 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, 3 xã hải đảo; ngân sách tỉnh đã hỗ trợ gần 49 tỷ đồng xây dựng 61 công trình hạ tầng thiết yếu ở 10 xã nghèo; từ nguồn vốn thuộc Chương trình 134, 135, 174 của Chính phủ và nguồn vốn ngân sách tỉnh đã tập trung đầu tư hơn 805 tỷ đồng xây dựng 718 công trình hạ tầng thiết yếu ở 17 xã thuần và 32 thôn xen ghép đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, 100% xã miền núi, vùng cao, xã thuần đồng bào dân tộc thiếu số, xã bãi ngang ven biển đã có trụ sở làm việc kiên cố, đường ô tô đến trung tâm xã và các thôn; có điện sinh hoạt, trạm y tế, có đủ trường lớp từ mầm non đến trung học cơ sở... Nhiều đập, hồ chứa nước, trạm bơm, kênh mương thủy lợi ở các xã vùng cao đã được đầu tư nâng cấp, phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho nhân dân.  

Nhiều biện pháp giảm nghèo, chăm lo đời sống cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và xã nghèo tiếp tục được triển khai tích cực với nhiều hình thức phù hợp. Các hoạt động hỗ trợ người nghèo tiếp cận tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất, gắn với tổng kết, nhân rộng những kinh nghiệm, mô hình tiên tiến vào sản xuất được đẩy mạnh; đã thực hiện 46 đề án khuyến công với tổng kinh phí hỗ trợ trên 03 tỷ đồng, giúp cho các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, thu hút lao động. Đã thực hiện 53 mô hình kinh tế với trên 6.300 hộ nghèo tham gia và 57 mô hình chuyển giao kỹ thuật về trồng thâm canh cây lúa, bắp lai, cây trôm, chăn nuôi dê bách thảo, gà thả vườn, nuôi trồng thủy sản với 1.565 hộ nghèo tham gia với tổng kinh phí Trung ương hỗ trợ trên 4,5 tỷ đồng; tổ chức các lớp tập huấn khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư cho 42.000 lượt người nghèo với kinh phí trên 9,1 tỷ đồng. Đã đầu tư gần 3,8 tỷ đồng để đào tạo nghề cho trên 5.700 lao động, tập trung vào các nghề như: dệt thổ cẩm, sản xuất gốm, điêu khắc, thêu tranh, đan lát, chế biến nhân hạt điều, may công nghiệp…

Thông qua sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng xã hội, nhiều hộ nghèo đã nỗ lực vươn lên thoát nghèo bền vững; tinh thần tương thân, tương ái, tương trợ lẫn nhau trong các tầng lớp nhân dân được nâng lên. Đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo tiếp tục được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo qua từng giai đoạn giảm đáng kể. Thông qua nhiều giải pháp tích cực, trong 10 năm qua (2003 - 2013), tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 20,79% (43.876 hộ nghèo), bình quân mỗi năm giảm 2,08% (4.388 hộ). Trong đó: Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giai đoạn 2003 - 2005, giảm bình quân 1,98%/năm, cuối năm 2005 giảm còn 4,57% (chỉ tiêu Nghị quyết số 14-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa X) đề ra còn dưới 5%); giai đoạn 2006 - 2010, giảm bình quân 2,06%/năm, cuối năm 2010 giảm còn 4% và giai đoạn 2011 - 2013, giảm bình quân 1,51%/năm, đạt chỉ tiêu đề ra.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, kinh tế - xã hội các xã nghèo, vùng nghèo, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xã bãi ngang ven biển nhìn chung phát triển còn chậm, tỷ lệ hộ nghèo còn cao so với bình quân chung toàn tỉnh. Kết quả giảm nghèo chưa vững chắc, nguy cơ tái nghèo còn cao, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bãi ngang ven biển, vùng thường xuyên bị thiên tai, dịch bệnh. Kết cấu hạ tầng các xã nghèo, vùng nghèo tuy đã được quan tâm đầu tư tập trung hơn và nhiều hơn so với trước, nhưng vẫn còn thiếu và chưa đồng bộ, nhất là hệ thống giao thông nông thôn, các công trình thủy lợi nhỏ, các thiết chế văn hóa ở cơ sở… chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Việc triển khai các biện pháp, các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ xã nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo có nơi chưa kịp thời.

Vì mục tiêu giảm nghèo bền vững...

Trong thời gian tới, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng tiếp tục lãnh đạo quán triệt và tổ chức thực hiện đầy đủ các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu đã được xác định trong Kết luận số 94-KL/TU của Tỉnh ủy (khóa XI); trên cơ sở đó, tăng cường lãnh đạo và tổ chức thực hiện đạt kết quả trong thời gian tới. Phấn đấu đến năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1,5%/năm; hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 1.000 hộ nghèo và hoàn thành mục tiêu hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo.

Quang cảnh Hội nghị

Quá trình đó, các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể trong tỉnh tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu kỹ các chủ trương của Đảng, các chế độ, chính sách của Nhà nước về giảm nghèo, đầu tư kết cấu hạ tầng xã nghèo, vùng nghèo, hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo để nâng cao nhận thức và phát huy trách nhiệm của cộng đồng, tích cực thực hiện mục tiêu giảm nghèo của tỉnh đã đề ra.

Từng địa phương nắm chắc số hộ nghèo trên địa bàn và phân tích sâu, kỹ nguyên nhân chủ yếu của từng hộ nghèo, từng đối tượng nghèo để có biện pháp chủ động hỗ trợ phù hợp thông qua phát triển sản xuất, thực hiện tốt chương trình tín dụng ưu đãi, đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, hướng dẫn cách làm ăn, tạo điều kiện phát triển ngành nghề, hỗ trợ dạy nghề và giải quyết việc làm cho người nghèo, ổn định cuộc sống, tạo điều kiện để hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.

Tiếp tục lồng ghép nhiều chương trình, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực do Nhà nước đầu tư; đồng thời, huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư cho công tác giảm nghèo. Tiếp tục đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, nhất là kết cấu hạ tầng kỹ thuật thiết yếu cho vùng nghèo, xã nghèo. Riêng đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tiếp tục thực hiện tốt Kết luận số 123-KL/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XII) về đánh giá 08 năm thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa X) về xây dựng và phát triển toàn diện dân sinh, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội của Chính phủ và của tỉnh đối với người nghèo, hộ nghèo và hộ cận nghèo, nhất là các chính sách về giáo dục, y tế. Tiếp tục nghiên cứu, bổ sung chính sách hỗ trợ về đất ở cho những hộ nghèo không có đất ở theo quy định; có biện pháp nâng cao trình độ dân trí, làm tốt công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình tại các xã nghèo, vùng nghèo. Chú ý tạo điều kiện cho những hộ mới thoát nghèo được tiếp tục thụ hưởng các chính sách trợ giúp phát triển sản xuất, ổn định đời sống trong những năm tiếp theo để có điều kiện thoát nghèo bền vững.

Thông qua phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, thường xuyên quan tâm chăm lo đời sống cho nhân dân các vùng nghèo, xã nghèo. Từng địa phương phải chủ động vận động, đóng góp xây dựng Quỹ “Vì người nghèo” để có điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo trên địa bàn.

Tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo ở cơ sở, nhất là ở các xã có tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo và nguy cơ tái nghèo cao để tổ chức thực hiện tốt các mục tiêu giảm nghèo đã đề ra.

Quan tâm xây dựng, nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế, giảm nghèo có hiệu quả, phù hợp với từng vùng, từng địa phương.

Tiếp tục rà soát, củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo giảm nghèo các cấp và tổ chuyên viên giúp việc theo hướng tinh gọn, bảo đảm thực hiện có hiệu quả Chương trình giảm nghèo ở địa phương, cơ sở.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình giảm nghèo ở từng cấp, từng ngành; xem đây là thước đo hiệu quả hoạt động của từng cấp, từng ngành, từng địa phương, cơ sở, nhất là người đứng đầu.

Bài, ảnh: Minh Hòa


  • |
  • 1551
  • |

Các tin khác

TIN NỔI BẬT

SỐ LƯỢT TRUY CẬP