Theo báo cáo của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hồng Ân, Công ty được Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận đầu tư dự án vào năm 2010, với quy mô diện tích 87 ha trồng thanh long và lắp đặt nhà máy gia nhiệt quả tươi thanh long (toàn bộ thiết bị nhà máy được sản xuất tại Nhật Bản) tại Cụm Công nghiệp xã Hải Ninh, huyện Bắc Bình; công suất từ 4.200 tấn/năm (nếu nhà máy chỉ hoạt động 1 ca/ngày; thời gian mỗi ca là 4 giờ) đến 10.000 tấn/năm (nếu nhà máy hoạt động 3 ca/ngày); chính thức đi vào hoạt động từ tháng 12/2012; đã được Cục Bảo vệ thực vật cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề xử lý hơi nước để xuất khẩu trái cây tươi sang Hàn Quốc và Công ty cũng đã xuất khẩu một số Container quả thanh long gia nhiệt vào thị trường Hàn Quốc. Song, hiện nay Công ty còn một số khó khăn, trước hết sản phẩm gia nhiệt quả thanh long chưa được xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản, kết cấu hạ tầng kỹ thuật (nước phục vụ sản xuất, điện chiếu sáng cộng cộng, đường giao thông) ngoài tường rào Cụm Công nghiệp chưa được đầu tư;....
Tại buổi làm việc, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đã ghi nhận sự nỗ lực vượt khó của Công ty, sớm đầu tư và đưa nhà máy gia nhiệt quả tươi thanh long đi vào hoạt động, góp phần mở rộng thị tưường xuất khẩu thanh long và giải quyết thêm việc làm cho lao động tại địa phương, đồng thời chia sẻ những khó khăn hiện nay của Công ty. Trong thời gian tới, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy sẽ lưu ý và quan tâm lãnh đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều cho công ty phát triển mạnh hơn và bền vững hơn. Trước mắt, đề nghị lãnh đạo huyện Bắc Bình khẩn trương chỉ đạo giải quyết tình trạng lấn chiếm đất dự án của Công ty đã được phê duyệt; tiếp tục tháo gỡ những khó khăn về giao thông, điện, nước cho Công ty; tiếp tục kiến nghị với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giải quyết những vướng mắc liên quan đến việc xuất khẩu thanh long chiếu xạ sang thị trường Nhật Bản.
Theo báo cáo của Công ty TNHH Một Thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận: Dự án cấp nước Khu Lê Hồng Phong có tổng mức đầu tư trên 395 tỷ đồng, có nhiệm vụ cung cấp nước sản xuất cho 1.000 ha đất canh tác nông nghiệp, hạn chế sa mạc hóa và cấp nước sinh hoạt chưa qua xử lý phục vụ dân sinh và phát triển du lịch tuyến Hòa Thắng - Hồng Phong (Bắc Bình) và Long Sơn – Suối Nước (Phan Thiết); đến nay, đã thi công 700 mét đường ống, đang thi công Trạm bơm cấp 1 và một số hạng mục khác; ... Về khó khăn, vướng mắc, Công ty mong muốn sớm hoàn thành việc đền bù, giải tỏa, thu hồi đất của 07 hộ dân (hiện còn) và tỉnh quan tâm bố trí vốn xây dựng cơ bản năm 2014 để công ty thực hiện dự án theo tiến độ đã đề ra.
Đoàn công tác của tỉnh đi thực địa kiểm tra tiến độ thi công dự án cấp nước Khu Lê Hồng Phong
Tại thực địa, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đã ghi nhận sự nỗ lực của Công ty trong thời gian qua và chia sẻ một số vướng mắc hiện nay, đồng thời lưu ý trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo trong thời gian tới; trước mắt, đề nghị lãnh đạo huyện Bắc Bình khẩn trương chỉ đạo hoàn thành việc đền bù 7 hộ dân còn lại và hoàn thành, bàn giao mặt bằng cho Công ty chậm nhất vào ngày 30/11/2013 để tiếp tục thi công công trình theo đúng tiến độ.
HMT