TIN MỚI NHẤT

MỘT SỐ CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH TRONG NGHỊ ĐỊNH SỐ 32 CỦA CHÍNH PHỦ DÀNH CHO NGƯỜI LÀM CÔNG TÁC CƠ YẾU

  • /
  • 30.9.2013 - 9:20

Ngày 16 tháng 4 năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 32/2013/NĐ-CP về Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Cơ yếu về chế độ, chính sách đối với người làm công tác cơ yếu

      Ngày 16 tháng 4 năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 32/2013/NĐ-CP về Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Cơ yếu về chế độ, chính sách đối với người làm công tác cơ yếu. Trong đó, bao gồm: Tiêu chuẩn ăn, tiêu chuẩn trang phục, tiêu chuẩn vật chất y tế, tiêu chuẩn diện tích nhà ở tập thể, chế độ chăm sóc y tế, chế độ nghỉ, chế độ, chính sách đối với người làm công tác cơ yếu nghỉ hưu, chuyển ngành, chế độ phụ cấp đặc thù,…
    Theo đó, người làm công tác cơ yếu được hưởng một số chế độ chính sách như: (1) Về tiêu chuẩn tiền ăn của người làm công tác cơ yếu đảm nhiệm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì được tính cao hơn so với tiêu chuẩn ăn của hạ sĩ quan, chiến sĩ thuộc Quân đội nhân dân từ 1,3 đến 1,5 lần; (2) Chế độ phụ cấp đặc thù được tính theo 3 mức: 10%, 15%, và 25% so với mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có); (3) Về nhà ở, trường hợp chưa được hưởng chính sách nhà ở, đất ở của Nhà nước thì được ưu tiên hưởng chế độ, chính sách về nhà ở, đất ở theo quy định của pháp luật về nhà ở, đất ở; (4) Chế độ nghỉ, ngoài chế độ nghỉ phép hàng năm, người làm công tác cơ yếu còn được nghỉ phép đặc biệt, nghỉ các ngày lễ, tết trong năm. (5) Về tuyển dụng,  Nghị định cũng quy định cụ thể: người được tuyển dụng vào làm công tác cơ yếu chưa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, có học vị Thạc sĩ được xếp lương lần đầu là bậc 2 của bảng lương đối với người làm công tác cơ yếu, có học vị Tiến sĩ, học hàm Giáo sư, Phó Giáo sư được xếp lương lần đầu là bậc 3 của bảng lương đối với người làm công tác cơ yếu. (6) Về chế độ, chính sách đối với người làm công tác cơ yếu nghỉ hưu: Người làm công tác cơ yếu nghỉ hưu được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; đối với người làm công tác cơ yếu nghỉ hưu trước hạn tuổi theo quy định tại Điều 27 Luật Cơ yếu thì được hưởng trợ cấp một lần gồm: được trợ cấp 03 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi; được trợ cấp 05 tháng tiền lương cho 20 năm đầu công tác, từ năm thứ 21 trở đi cứ mỗi năm công tác được trợ cấp bằng  1/2  (một nửa) tháng tiền lương.
    Các chế độ, chính sách dành cho người làm công tác cơ yếu được Chính phủ quy định trong Nghị định số 32/2013/NĐ-CP, ngày 16/4/2013 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 6 năm 2013.
    Khoản 2 Điều 25 Nghị số 32/2013/NĐ-CP cũng đã chỉ đạo bãi bỏ các Nghị định ban hành trước đây về chế độ, chính sách dành cho người làm công tác cơ yếu: Nghị định số 211/2004/NĐ-CP, ngày 22/12/2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Cơ yếu về tiêu chuẩn trang phục; chế độ nghỉ và thực hiện nghĩa vụ lao động công ích hàng năm đối với người làm công tác cơ yếu; Nghị định số 153/2006/NĐ-CP, ngày 22/12/2006 của Chính phủ quy định về khám bệnh, chữa bệnh và tiêu chuẩn  vật chất y tế đối với người đang làm công tác cơ yếu; thực hiện bảo hiểm y tế bắt buộc đối với thân nhân người đang làm công tác cơ yếu; Nghị định số 01/2009/NĐ-CP, ngày 02/01/2009 của Chính phủ quy định tiêu chuẩn vật chất hậu cần đối với người đang làm công tác cơ yếu; Nghị định số 41/2011/NĐ-CP, ngày 08/6/2011 của Chính phủ quy định chế độ, chính sách đối với người làm công tác cơ yếu nghỉ hưu, chuyển ngành, thôi việc, hy sinh, từ trần hoặc chuyển sang làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu./.

                                                                                                                                         MINH TUNG


  • |
  • 2862
  • |

Các tin khác

 

TIN NỔI BẬT

SỐ LƯỢT TRUY CẬP