Dự hội nghị có đồng chí Vũ Xuân Thủy - Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam; đồng chí Nguyễn Ngọc Trung - Phó trưởng Ban Tổ chức, Tổng Liên đoàn Liên đoàn lao động Việt Nam. Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.
Báo cáo tại hội nghị nêu rõ: Trên địa bàn tỉnh hiện nay, lực lượng lao động khai thác trên biển làm việc trên các tàu cá chiếm trên 15% lao động nghề cá với khoảng 31.380 lao động, đây là lực lượng lao động có vai trò rất quan trọng, vừa ngày đêm bám biển, bám ngư trường, đảm bảo khai thác bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên, vừa phối hợp với các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên các vùng biển. Sau một thởi gian khảo sát và vận động; ngày 11/11/2011, Ban vận động tỉnh đã quyết định chọn Tổ hợp tác sản xuất trên biển số 3 của phường Bình Hưng, thành phố Phan Thiết để thí điểm thành lập nghiệp đoàn khai thác hải sản Bình Hưng 3 và chính thức được thành lập với 121 đoàn viên của 05 tàu có công suất trên 300 CV chuyên khai thác tại ngư trường Trường Sa. Phát huy kết quả đạt được từ việc vận động và thành lập nghiệp đoàn nghề cá Bình Hưng 3 (thành phố Phan Thiết); Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục chỉ đạo thí điểm thành lập nghiệp đoàn nghề cá ở các huyện Tuy Phong, Phú Quý và thị xã La Gi. Tháng 7/2012, đã vận động và thành lập thêm 03 nghiệp đoàn nghề cá ở 03 huyện, thị xã trọng điểm nghề cá nói trên. Tính đến nay, trên toàn địa bàn tỉnh đã có 04 nghiệp đoàn nghề cá với tổng số 54 tàu và 600 đoàn viên.
Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đã đánh giá cao sự cố gắng của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể các cấp trong tỉnh tập trung lãnh đạo triển khai nghiêm túc và kịp thời đến cán bộ, đảng viên và nhân dân về chủ trương thí điểm thành lập Nghiệp đoàn nghề cá; tạo sự thống nhất, đồng tình với chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tích cực phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để các nghiệp đoàn nghề cá đi vào hoạt động, phát huy hiệu quả việc quản lý lao động và tổ chức sản xuất trên biển, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Có thể nói, việc ra đời và hoạt động của các nghiệp đoàn nghề cá trên địa bàn tỉnh là nhiệm vụ rất cần thiết để có một tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, hỗ trợ, giúp đỡ cho ngư dân ra khơi, bám biển, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, góp phần thực hiện các mục tiêu của Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, qua 02 năm triển khai thực hiện vẫn còn những khó khăn, hạn chế nhất định; đó là: Công tác tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện thành lập Nghiệp đoàn nghề cá ở một số cấp ủy chưa được tập trung lãnh đạo. Nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan, ban, ngành và một bộ phận cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên về sự cần thiết và tính bức xúc của việc thành lập và hoạt động các Nghiệp đoàn nghề cá trên địa bàn tỉnh chưa sâu sát. Sự phối hợp giữa cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội với Liên đoàn Lao động các cấp trong việc triển khai thực hiện thành lập Nghiệp đoàn nghề cá ở địa phương có mặt chưa chặt chẽ và đồng bộ, hiệu quả còn hạn chế. Công tác tuyên truyền, giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cán bộ nghiệp đoàn và ngư dân có lúc có nơi chưa được chú trọng, hình thức chưa phong phú, đa dạng. Việc giúp đỡ, hỗ trợ các phương tiện cần thiết cho chủ tàu và ngư dân chưa đáp ứng được yêu cầu. Công tác thông tin phục vụ tàu thuyền của nghiệp đoàn còn hạn chế do thiếu phương tiện thông tin liên lạc.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu cần tập trung trọng điểm vào việc mở rộng, phát triển đoàn viên trong lao động nghề cá hoạt động tại các ngư trường thường xảy ra tranh chấp và có nhiều rủi ro. Tiếp tục khẳng định vai trò của tổ chức Công đoàn trong việc tham gia tuyên truyền, góp phần bảo vệ biển, đảo; củng cố và phát triển các Nghiệp đoàn nghề cá để hỗ trợ các ngư dân trên biển. Phấn đấu đến cuối năm 2015, các huyện trọng điểm nghề cá trong tỉnh trên cơ sở tự nguyện có từ 6 - 7 nghiệp đoàn nghề cá với 1.000 đoàn viên.
Với yêu cầu đó, Liên đoàn Lao động các cấp cần tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, đa dạng hóa các hình thức vận động, tập hợp ngư dân, phát triển đoàn viên các nghiệp đoàn nghề cá tiến tới phát triển mạnh về số lượng, bảo đảm về chất lượng hoạt động để các nghiệp đoàn nghề cá trên địa bàn tỉnh góp phần bảo vệ nền quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân trên biển.
Nhân dịp này, UBND tỉnh đã tặng Bằng khen cho 03 tập thể và 05 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong việc tổ chức triển khai thành lập các nghiệp đoàn nghề cá trong tỉnh (2011-2013), góp phần phát triển kinh tế, gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam.
THU THẢO