Tại buổi làm việc, sau khi nghe báo cáo, đồng chí Tổ trưởng Tổ khảo sát – Văn phòng Trung ương Đảng đã ghi nhận và nhấn mạnh: Những năm qua, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh đã tổ chức quán triệt nghiêm túc chủ trương của Đảng và Nhà nước về Chương trình xây dựng nông thôn mới; ban hành nhiều văn bản cụ thể để triển khai thực hiện; thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý và xây dựng quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ cụ thể từng thành viên, với quyết tâm chính trị cao và đề ra phương châm, phương thức hoạt động rõ ràng. Toàn tỉnh có 96 xã, tính đến cuối năm 2012, bình quân đạt 7,3 tiêu chí/xã, trong đó 21 xã điểm đạt bình quân 9,9 tiêu chí/xã, đặc biệt có những tiêu chí ở các tỉnh khác thực hiện rất khó khăn, nhưng tỉnh Bình Thuận vẫn đạt được. Mặt khác, bảo đảm tính công khai, dân chủ trong việc thực hiện các công trình, dự án; có cơ chế thu hút sự tham gia đóng góp có kết quả của người dân, với phương châm “nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”.
Đồng thời, lưu ý một số vấn đề trong thời gian tới, trọng tâm là: Tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền; tổ chức lại sản xuất – tiêu thụ sản phẩm hàng hóa để nâng cao thu nhập cho nhân dân; tăng cường công tác động viên (bằng những công trình, dự án) ở những nơi hoàn thành nhiều tiêu chí để góp phần khơi dậy phong trào; cần chú ý đẩy mạnh thực hiện những tiêu chí không cần kinh phú như xây dựng hệ thống chính trị,…; lấy hiệu quả xây dựng nông thôn mới làm tiêu chí đánh giá chất lượng cơ sở Đảng, các đoàn thể và cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên hàng năm; chú ý tiêu chí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới.
Sau cùng, đồng chí Tổ trưởng Tổ kháo sát đã ghi nhận những kiến nghị của tỉnh đề nghiên cứu, đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng lưu ý trong quá trình chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho các địa phương triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới đạt kết quả cao hơn.
Trần Tới