Người tiêu dùng đã ưu tiên chọn hàng Việt…
Thực hiện chủ trương của Trung ương và của tỉnh; Mặt trận, các đoàn thể, các sở, ngành, địa phương và các cơ quan thông tin đại chúng trong tỉnh đã tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” bằng nhiều hình thức đa dạng, thông qua hệ thống truyền thanh ở cơ sở, các buổi sinh hoạt nhân dân ở thôn, khu phố, thông qua đội ngũ tuyên truyền viên, cộng tác viên, các vị nhân sỹ, trí thức, các chức sắc tôn giáo, những cá nhân tiêu biểu trong cộng đồng dân cư… đã góp phần tuyên truyền rộng rãi về mục đích, ý nghĩa, nội dung của cuộc vận động đến mọi tầng lớp nhân dân. Điển hình như Hội Cựu chiến binh tỉnh đã lồng ghép, quán triệt trong các buổi sinh hoạt định kỳ cho hơn 12.645 hội viên; Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các cấp Hội thực hiện công tác tuyên truyền cuộc vận động thông qua các buổi sinh hoạt các chi, tổ hội, xây dựng 02 tổ phụ nữ “Ưu tiên sử dụng hàng Việt” ở thị trấn Ma Lâm, xã Hồng Sơn (huyện Hàm Thuận Bắc); Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm cho 100 hội viên nông dân sản xuất thanh long, sản xuất bánh tránh, chế biến hải sản nhằm cung cấp kiến thức cho nông dân trong việc sản xuất sản phẩm sạch, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh cũng đã tổ chức quán triệt trong cán bộ, công chức, viên chức và người lao về mục đích, ý nghĩa của cuộc vận động. Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Thuận đã thực hiện trên 1.500 tin, bài phát trên sóng phát thanh và truyền hình về quảng bá các sản phẩm được sản xuất tại Bình Thuận như: thanh long, mủ trôm, các giống lúa mới, cá tầm, nước khoáng, các sản phẩm trang trí nội thất…. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức và nhân dân trong việc ưu tiên mua sắm, sử dụng các sản phẩm, hàng hóa do Việt Nam sản xuất, chống các sản phẩm, hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng.
Đặc biệt, các doanh nghiệp trong tỉnh đã quan tâm, ý thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, xây dựng mối quan hệ hợp tác bền vững trong sản xuất, kinh doanh, khai thác tối đa thị trường nội địa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đã tổ chức các chương trình giới thiệu, quảng bá sản phẩm, hàng hóa, tổ chức các đợt khuyến mãi, bán hàng giảm giá, bán hàng kèm quà tặng, tăng diện tích trưng bày hàng hóa Việt Nam tại các điểm bán hàng… nhằm tuyên truyền, quảng bá sản phẩm hàng hóa trong nước, thu hút sự quan tâm, chú ý của người tiêu dùng đối với các sản phẩm, hàng hóa mang thương hiệu Việt. Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh Bình Thuận, từ đầu năm 2010 đến nay, các doanh nghiệp trong tỉnh đã tổ chức khuyến mãi hàng Việt Nam với tổng trị giá trên 414 triệu đồng. Thực hiện chủ trương “đưa hàng Việt về nông thôn”, các doanh nghiệp đã chủ động phối hợp với các địa phương tổ chức các đợt bán hàng lưu động để phục vụ nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh, với tổng doanh số bán hàng trên 1,4 tỷ đồng. Đồng thời, Siêu thị Co.op Mart Phan Thiết cũng đã tổ chức 04 đợt bán hàng tại các huyện: Tuy Phong, Đức Linh, Tánh Linh và thị xã La Gi, phục vụ cho trên 1.700 khách hàng, doanh số đạt trên 588 triệu đồng.
Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường cũng được các sở, ngành chức năng tăng cường. Sở Công thương thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả hàng hóa trên thị trường, kiểm tra việc thực hiện niêm yết giá và bán hàng theo giá niêm yết, kịp thời xử lý các trường hợp lợi dụng chủ trương điều chỉnh giá của Nhà nước để đẩy giá hàng hóa, dịch vụ lên cao… góp phần bình ổn giá cả thị trường, kiềm chế lạm phát. Chi cục Quản lý thị trường tỉnh đã phối hợp với các cơ quan chức năng và các địa phương tiến hành kiểm tra, kiểm soát thị trường, nhất là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa nhằm quản lý chặt chẽ chất lượng sản phẩm, hàng hóa lưu thông trên thị trường, xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng đã hết hạn sử dụng… Qua kiểm tra đã phát hiện 154 vụ vi phạm, xử phạt và nộp ngân sách Nhà nước trên 437 triệu đồng; góp phần bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng và củng cố thêm niềm tin của người tiêu dùng đối với các sản phẩm mang thương hiệu Việt.
Cần sự chung tay góp sức từ nhiều phía…
Để tiếp tục đưa cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại Bình Thuận đi vào chiều sâu; thiết nghĩ các cấp, các ngành, Mặt trận, đoàn thể và các địa phương trong tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia cuộc vận động; đặc biệt, coi trọng công tác tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có lợi thế cạnh tranh của tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng để vận động người tiêu dùng ưu tiên mua sắm, sử dụng.
Các doanh nghiệp trong tỉnh cần chủ động, tích cực tham gia cuộc vận động; liên kết hợp tác sử dụng, tiêu thụ sản phẩm của nhau, khai thác có hiệu quả các nguồn nguyên liệu có lợi thế của địa phương để phát triển sản xuất kinh doanh; đồng thời, tranh thủ các nguồn vốn để đầu tư đổi mới công nghệ, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật để sản xuất ra những sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao, mẫu mã đa dạng, giá cả hợp lý, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đủ sức cạnh tranh để chiếm lĩnh thị trường trong nước, thu hút người tiêu dùng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tiếp tục đưa hàng hóa Việt Nam về tiêu thụ ở khu vực nông thôn; mở rộng mạng lưới tiêu thụ tại miền núi, vùng cao, hải đảo để quảng bá, vận động nhân dân có thói quen tiêu dùng hàng Việt.
Các cơ quan chức năng cần thường xuyên tổ chức kiểm tra chất lượng hàng hóa, kiểm soát giá cả thị trường, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi mua bán hàng giả, hàng kém chất lượng và các hành vi gian lận thương mại, góp phần bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người tiêu dùng, củng cố thêm niềm tin của người tiêu dùng đối với các sản phẩm, hàng hóa do Việt Nam sản xuất.