Đồng chí Hồ Dũng Nhật - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã đến dự và chủ trì Hội nghị.
Được biết, mục tiêu chủ yếu của Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1956 là đào tạo hơn 11 triệu lao động nông thôn, trung bình mỗi năm hơn 1 triệu lao động, trong đó có 100.000 cán bộ, công chức xã, khoảng 70 - 80% lao động qua đào tạo sẽ có việc làm. Phạm vi của đề án tác động đến hầu hết lực lượng lao động ở nông thôn Việt Nam, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị.
Tổng kinh phí thực hiện đề án là 25.980 tỷ đồng, chủ yếu từ nguồn ngân sách Nhà nước; trong đó, kinh phí dạy nghề lao động nông thôn là 24.694 tỷ đồng; kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã khoảng 1.286 tỷ đồng.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Hồ Dũng Nhật - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh nhấn mạnh sự phát triển bền vững của nông nghiệp và nông thôn, nâng cao mức sống và trình độ dân trí của nông dân là một nhiệm vụ lớn và có vai trò rất quan trọng, góp phần tạo nên tính ổn định và bền vững lâu dài trên các mặt: kính tế, chính trị, xã hội. Đối với Bình Thuận, trong 5 năm tới, cần khắc phục tình trạng lao động không qua đào tạo chiếm tỉ lệ cao; đồng thời, phát triển đội ngũ giáo viên ở tất cả các ngành nghề, lĩnh vực để phục vụ tốt công tác đào tạo. Nếu triển khai thực hiện tốt đề án sẽ góp phần đào tạo lưc lượng lao động có trình độ cao, nhất là lực lượng lao động ở nông thôn, góp phần phục vụ tốt yêu cầu phát triển nền nông nghiệp bền vững, cải thiện bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống nhân dân.
Tin: Quốc Triều. Ảnh: Minh Hòa