TIN MỚI NHẤT

Kết quả 05 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về “tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”

  • /
  • 25.9.2012 - 15:24

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về “tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”; Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XI) đã tổ chức quán triệt tinh thần Nghị quyết cho cán bộ chủ chốt và xây dựng Chương trình hành động số 21-NQ/TU, ngày 22/9/2008 để triển khai thực hiện; đồng thời, chỉ đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị quán triệt Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp và đội ngũ cán bộ quản lý trực tiếp lĩnh vực văn học, nghệ thuật, phóng viên báo, đài, văn nghệ sĩ của tỉnh

Thông qua học tập, quán triệt các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh, cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý trên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và đội ngũ phóng viên báo, đài, văn nghệ sĩ trong tỉnh đã nhận thức đầy đủ hơn các quan điểm chỉ đạo, tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật phát triển phù hợp với tình hình mới, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhiệm vụ chính trị của địa phương và nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân.

Song song đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động văn hóa, nghệ thuật trên địa bàn tỉnh; hàng năm, theo định kỳ, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đến gặp gỡ, giao lưu, đối thoại với đội ngũ cán bộ, đoàn viên Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, đội ngũ trí thức và văn nghệ sĩ trong tỉnh. UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo và hỗ trợ kinh phí cho hoạt động văn hóa, nghệ thuật được thuận lợi; thường xuyên quan tâm xây dựng tổ chức bộ máy các cấp Hội Văn học - Nghệ thuật; đầu tư hỗ trợ sáng tạo để động viên người sáng tác; duy trì việc xét chọn trao giải thưởng Văn nghệ Dục Thanh; hỗ trợ động viên các văn nghệ sĩ có tác phẩm được tặng giải thưởng qua tham gia các cuộc thi, liên hoan, triển lãm trong tỉnh, khu vực và toàn quốc hàng năm; chỉ đạo các sở, ngành liên quan chủ động phối hợp với Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh đẩy mạnh hoạt động gắn với nâng cao chất lượng phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng phục vụ các ngày lễ, tết; tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ tham gia các hoạt động giao lưu, đi thực tế sáng tác; giới thiệu, công bố tác phẩm, đã góp phần động viên, khuyến khích văn nghệ sĩ yên tâm đầu tư sáng tác, từng bước nâng cao chất lượng và hiệu quả phong trào văn hóa, văn nghệ của địa phương, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.

Đồng thời, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông thường xuyên tăng cường công tác quản lý nhà nước về các hoạt động liên quan đến văn hóa, nghệ thuật. Nhờ đó, đã hướng các hoạt động văn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp, hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng và các lễ hội... thực hiện đúng pháp luật, đạt hiệu quả; chấn chỉnh kịp thời sai sót, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc xuất bản, lưu hành những sản phẩm văn hóa, nghệ thuật có nội dung không phù hợp việc xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa hoặc các vi phạm trong hoạt động kinh doanh trên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.

Các địa phương, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh cũng thực hiện tốt việc tổ chức và quản lý hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Đặc biệt, phong trào văn nghệ quần chúng ở các ngành, đoàn thể được tỉnh tạo điều kiện phát triển rất mạnh, góp phần cổ vũ, động viên quần chúng sáng tạo, khai thác, truyền bá các giá trị nghệ thuật cổ truyền, nâng cao đời sống tinh thần cho cán bộ, nhân dân.

Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh là tổ chức nồng cốt trong hoạt động văn học nghệ thuật, tiếp tục giữ vững định hướng chính trị, tập hợp, đoàn kết, phát triển đội ngũ, đẩy mạnh hoạt động sáng tạo đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân và sự nghiệp văn học, nghệ thuật của tỉnh. Công tác đào tạo, phát hiện, bồi dưỡng đội ngũ văn nghệ sĩ kế cận được quan tâm nên lực lượng văn nghệ sĩ của tỉnh ngày càng được tăng cường, trẻ hóa, từ 188 hội viên (năm 2008) đã tăng lên 201 hội viên (5/2012), với 6 chuyên ngành: văn học, âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và nghệ thuật múa biểu diễn. Hội luôn quan tâm tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ tham gia các hoạt động giao lưu, đi thực tế sáng tác; giới thiệu, công bố tác phẩm (trưng bày triển lãm, biểu diễn, xuất bản các tập sách, các tuyển tập văn học, nghệ thuật, phát hành Tạp chí Văn nghệ Bình Thuận...). Các văn nghệ sĩ cũng đã bám sát thực tiễn của địa phương nên nhiều tác phẩm ở các thể loại đã phản ảnh sinh động đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của tỉnh, tạo tác động tích cực hướng con người vươn tới chân thiện mỹ, góp phần xây dựng, quảng bá hình ảnh Bình Thuận trong, ngoài nước và đáp ứng tốt nhu cầu văn hóa - tinh thần của nhân dân. Trong đó, lĩnh vực mỹ thuật và nhiếp ảnh phát triển đạt được kết quả đáng khích lệ, giành nhiều giải thưởng của khu vực Miền Đông Nam bộ, trong nước và một số ảnh dự thi đạt giải quốc tế. Hiện nay, phong trào sáng tác thơ văn ở nhiều địa phương phát triển mạnh mẽ, thu hút nhiều thành phần nhân dân tham gia, như thành phố Phan Thiết, thị xã La Gi, huyện Hàm Thuận Bắc. Riêng lĩnh vực sâu khấu không chuyên, hoạt động văn nghệ quần chúng luôn được duy trì và khuyến khích phát triển. Đây là mảnh đất tốt để các nghệ sĩ phát huy tài năng sáng tạo, quần chúng mọi thành phần trong xã hội có điều kiện tham gia sáng tạo nghệ thuật, lồng ghép truyền bá cái đẹp trong đời sống chính trị, xã hội, truyền bá các giá trị văn hóa, văn nghệ truyền thống của dân tộc. Đồng thời, tạo điều kiện cho Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh phát hiện, bồi dưỡng, tạo nguồn kế cận theo hướng trẻ hóa văn nghệ sĩ của tỉnh.

Có thể nói, Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) ra đời đã tạo được bước chuyển mới trong nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong toàn tỉnh về định hướng phát triển văn hóa, nghệ thuật. Trong lãnh đạo của cấp ủy đảng và công tác quản lý nhà nước của chính quyền các cấp đã chú ý tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích văn nghệ sĩ phát huy năng lực, tư duy sáng tạo, tự do sáng tạo. Phương thức hoạt động văn hóa và nghệ thuật ngày càng được tập trung theo hướng bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, bám sát thực tiễn đời sống xã hội, bám sát cơ sở, tích cực tuyên truyền, phổ biến, tôn vinh hành động tích cực để góp phần đẩy lùi tiêu cực. Nhiều tác phẩm văn hóa và nghệ thuật đã tập trung phản ánh về đời sống nông nghiệp, nông thôn và nông dân, gắn với miêu tả cuộc sống mới, con người mới; giới thiệu và biểu dương những tập thể và cá nhân tiêu biểu trong lao động, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; ca ngợi những gương chiến đấu, anh dũng hy sinh trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, nhằm góp phần giáo dục tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau; đề cao tinh thần cảnh giác cách mạng, chống lại các âm mưu phá hoại, “Diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa của các thế lực thù địch. Nhiều câu lạc bộ nhiếp ảnh, văn thơ, nhóm thơ ca, đờn ca tài tử... được hình thành, vừa góp phần cổ vũ, động viên quần chúng tham gia lao động nghệ thuật, khai thác, truyền bá các giá trị văn hóa, văn nghệ cổ truyền, vừa đa dạng hóa các phương thức hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ tốt hơn nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của nhân dân.

Tuy nhiên, hoạt động văn học, nghệ thuật của Bình Thuận vẫn còn một số hạn chế: Năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý của một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa theo kịp sự phát triển của văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới. Công tác bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ tham mưu, quản lý trên lĩnh vực này chưa được quan tâm đúng mức nên trình độ năng lực, sự am hiểu chuyên môn văn học, nghệ thuật của đội ngũ cán bộ này còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ tham mưu, quản lý hoạt động văn hóa, nghệ thuật của tỉnh. Hoạt động văn học, nghệ thuật chuyên nghiệp có bước phát triển mới nhưng chưa đồng bộ; hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng có phát triển nhưng chỉ tập trung trong dịp ngày lễ, ngày tết, chưa trở thành phong trào rộng rãi, thường xuyên của các đoàn thể, tổ chức kinh tế và các cộng đồng dân cư.

Từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về “tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” có thể rút được một số kinh nghiệm: Các cấp ủy, chính quyền phải có nhận thức sâu sắc và đầy đủ vai trò, vị trí, tầm quan trọng của văn học, nghệ thuật trong đời sống chính trị, xã hội, xác định trong phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa và nghệ thuật có vai trò to lớn nhằm khơi dậy, nhân lên mọi tiềm năng sáng tạo của con người, tạo ra nguồn lực nội sinh quyết định sự phát triển của đời sống xã hội; từ đó, luôn quan tâm, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động văn hóa, nghệ thuật phát triển. Các địa phương, ngành chức năng tăng cường phối hợp cùng các cấp Hội Văn học - Nghệ thuật xây dựng giải pháp phát triển văn hóa, nghệ thuật. Giới văn nghệ sĩ phải thể hiện cao vai trò là chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng - văn hóa trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật, bám sát thực tiễn sinh động của đời sống, kinh tế, chính trị, xã hội ở địa phương. Phải luôn luôn tôn trọng quyền tự do sáng tạo nghệ thuật của văn nghệ sĩ, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển mạnh mẽ, đa dạng về đề tài, nội dung, loại hình sáng tác văn học và nghệ thuật; khuyến khích văn nghệ sĩ bám sát thực tiễn đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của quê hương, cuộc sống và lao động của nhân dân để sáng tác nhằm khơi dậy, phát huy các giá trị chân - thiện - mỹ, phê phán kịp thời hành vi tiêu cực, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong xã hội.                                                                  

           NGUYỄN MINH


  • |
  • 5536
  • |

Các tin khác

TIN NỔI BẬT

SỐ LƯỢT TRUY CẬP