Thời gian qua, các ngành, các cấp trong tỉnh đã nỗ lực, cố gắng trong đấu tranh với loại tội phạm ma túy, triệt phá các đường dây vận chuyển, buôn bán ma túy, các tụ điểm, địa bàn phức tạp về ma túy; làm giảm dần tỷ lệ người nghiện, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác cai nghiện, phát hiện và xử lý kịp thời tình trạng tái trồng cây cần sa và các loại cây có chứa chất ma túy ở các địa bàn; kiểm soát chặt chẽ tiền chất ma túy, tạo môi trường lành mạnh để phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Các lực lượng chức năng đã triển khai quyết liệt các biện pháp phòng ngừa, kết hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy tập trung ở những địa bàn, tuyến trọng điểm phức tạp; theo dõi, quản lý chặt chẽ số đối tượng có biểu hiện nghi vấn liên quan đến ma túy, tăng cường lập hồ sơ đối tượng cai nghiện bắt buộc nên tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh từng bước được kiềm chế.
Đến nay, đã phát hiện, bắt giữ 236 vụ/320 đối tượng tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy, tăng 21 vụ so với cùng kỳ trước đó; thu giữ 401,5 viên estasy (thuốc lắc), 12 gói ketamin, 76 gram heroin, 70ml ma túy dạng nước biển, 530 gram Methamphetamin (ma túy đá), 350 gram cần sa khô, 01 khẩu súng cùng nhiều tang vật có liên quan. Trong đó, số vật chứng là thuốc lắc tăng 381,5 viên, ma túy đá tăng 100% so với cùng kỳ năm 2016. Lực lượng làm công tác phòng, chống ma túy thuộc lực lượng Bộ đội Biên phòng đã bắt, khởi tố 25 vụ/28 bị can phạm tội về ma túy. Ngoài ra, Công an các địa phương phối hợp với các Đồn Biên phòng trên địa bàn phát hiện 08 trường hợp trồng cây cần sa (Phan Thiết 03 vụ, Hàm Tân 03 vụ, Hàm Thuận Bắc 01 vụ, Bắc Bình 01 vụ), tiến hành thu, nhổ, tiêu hủy 3.825 cây cần sa và 19,4kg cây cần sa tươi, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 02 trường hợp với số tiền 5,5 triệu đồng, phạt cảnh cáo 01 trường hợp. Tòa án nhân dân các cấp thụ lý 206 vụ/274 bị cáo phạm tội về ma túy, đã giải quyết 194 vụ/261 bị cáo (xét xử 189 vụ/254 bị cáo)…
Tuy nhiên, tình hình hoạt động của tội phạm ma túy trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn biến phức tạp, thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn, số người nghiện tiếp tục tăng, tỷ lệ tái nghiện cao; tình trạng trồng cây có chứa chất ma túy nhất là cây cần sa vẫn còn tái diễn ở một số nơi nhưng chưa phát hiện để ngăn chặn kịp thời. Đáng chú ý, một bộ phận nhân dân chưa nhận thức đầy đủ về tác hại, hành vi vi phạm pháp luật của việc trồng, mua bán và sử dụng cây cần sa; trong khi đó công tác tuyên truyền về cây cần sa còn hạn chế nên nhiều người dân, cán bộ cơ sở không nhận thức được về hình thái và không hiểu những tác hại của cây cần sa; lực lượng chuyên trách còn quá mỏng, có nơi còn yếu nên việc phát hiện, xử lý các vụ trồng, tàng trữ, mua bán và sử dụng các chất ma tuý còn nhiều hạn chế; công tác cai nghiện tại cộng đồng và gia đình hiệu quả chưa cao; chưa có sự phân công cụ thể trong việc theo dõi, quản lý, giáo dục đối với số đối tượng nghiện và sau cai nghiện; điều kiện về việc làm để giúp cho số đối tượng này tái hoà nhập cộng đồng sau cai nghiện ổn định cuộc sống chưa được quan tâm đúng mức; việc đầu tư cho công tác phòng, chống ma túy còn nhiều yếu tố hạn chế.
Để công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy trong thời gian tới tiếp tục đạt hiệu quả cao hơn; Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp, các ngành, Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội phối hợp chặt chẽ, triển khai đồng bộ các biện pháp, phấn đấu thực hiện đạt được mục tiêu “Kiềm chế, đẩy lùi vi phạm, tội phạm ma túy” trong năm 2018, trước hết là tại 38 địa bàn phức tạp, trọng điểm về ma túy; trong đó, cần xác định công tác đấu tranh phòng, chống ma túy là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, không được khoán trắng cho lực lượng chức năng. Đồng thời, coi trọng đúng mức công tác phòng ngừa, đi đôi với phát hiện, triệt phá, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. Quá trình đó, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong công tác đấu tranh phòng, chống ma túy. Tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm mà Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã chỉ đạo trong thời gian qua. Tăng cường kiểm tra, giám sát các cấp ủy cơ sở, nhất là các địa bàn trọng điểm để kịp thời chỉ đạo nhắc nhở, chấn chỉnh. Tiếp tục lấy địa bàn thôn, khu phố làm địa bàn để đấu tranh phòng, chống ma túy. Tăng cường công tác tuyên truyền, phát động phong trào phòng, chống ma túy, tập trung vào các địa bàn trọng điểm, phức tạp và những đối tượng có nguy cơ cao. Phối hợp làm tốt công tác quản lý, giáo dục đối tượng bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Có giải pháp thiết thực hỗ trợ, giúp đỡ người đã chấp hành xong quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc... để tạo việc làm cho họ, góp phần giảm thiểu tối đa tình trạng tái nghiện. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” trong đấu tranh tố giác tội phạm, vi phạm. Tích cực vận động các nguồn lực xã hội phục vụ công tác phòng, chống ma túy, đi đôi với nâng cao trách nhiệm của gia đình trong việc chăm sóc, quản lý, giáo dục con em và người thân, không để các đối tượng xấu lôi kéo sử dụng, mua bán trái phép các chất ma túy. Phối hợp đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh các vụ án ma túy, góp phần nâng cao tính giáo dục, răn đe, trấn áp tội phạm. Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai khảo sát tình trạng học sinh, sinh viên sử dụng ma túy; tổ chức các chương trình tuyên truyền phòng, chống ma túy tại các cụm trường trung cấp nghề, cao đẳng, đại học trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh xã hội hóa các chương trình tuyên truyền, nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng, chống ma túy trong trường học. Các sở, ngành: Y tế, Tư pháp, Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an, Kiểm sát, Tòa án tiếp tục phối hợp với các địa phương làm tốt công tác lập hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đồng thời, đưa các đối tượng nghiện ma túy vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc. Sở Y tế có biện pháp đảm bảo bố trí y sĩ, bác sĩ có đủ điều kiện, thẩm quyền xác định tình trạng nghiện ma túy tại các huyện, thị xã, thành phố. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương hoàn thành việc đầu tư nâng cấp, mở rộng cơ sở điều trị nghiện ma túy của tỉnh; nghiên cứu thí điểm các mô hình điều trị, cai nghiện bằng thuốc Đông y do Việt Nam sản xuất; tiếp tục phối hợp với các địa phương triển khai có hiệu quả Đề án đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, giúp đỡ người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng. Thường xuyên rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các mô hình phòng, chống tội phạm về ma túy để nhân rộng mô hình, điển hình thật sự có hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng phong trào phòng, chống ma túy trong tình hình mới, góp phần phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tạo cuộc sống bình yên cho nhân dân.