Những “viên gạch” đầu tiên
Ngày 02/9/1945, tại quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Bản tuyên ngôn độc lập, tuyên bố hùng hồn với thế giới về sự ra đời của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tuy nhiên, lúc bấy giờ, nước ta chưa thiết lập quan hệ ngoại giao với bất kỳ quốc gia nào.
Chỉ hơn một tháng sau đó, vào ngày 17/10/1945, Người đã chỉ đạo thành lập Hội Việt - Mỹ thân hữu. Đến năm 1946, cho ra đời Hội Việt - Trung hữu hảo; năm 1950 hình thành Hội hữu nghị Việt - Xô; đồng thời, đề ra những đối sách đoàn kết, liên minh với hai nước Lào, Campuchia láng giềng và các nước xã hội chủ nghĩa khác. Bên cạnh đó, Người đã chỉ đạo các đoàn thể gia nhập Liên hiệp Công đoàn thế giới (WFTU), Liên đoàn Thanh niên Dân chủ thế giới (WFDY), Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ quốc tế (WIDF), Hội Luật gia Dân chủ quốc tế (IADL), Hội đồng Hòa bình thế giới (WPC),…
Người chủ trương tích cực, chủ động đoàn kết, hợp tác quốc tế trên cơ sở độc lập, tự chủ, tôn trọng lẫn nhau; thực hiện phương châm “thêm bạn, bớt thù”, “giúp bạn là tự giúp mình”, “hữu nghị, hòa bình với nhân dân toàn thế giới”. Người phát huy nghệ thuật “ngoại giao tâm công” (đánh vào lòng người), khai thác triệt để những giá trị tốt đẹp của dân tộc, lòng yêu chuộng tự do, bình đẳng, bác ái, từ đó khơi gợi tinh thần cách mạng, lương tri dân tộc của các quốc gia.
Với những đối sách khéo léo, tranh thủ tối đa sự đồng thuận, quan tâm, giúp đỡ của các quốc gia và bạn bè quốc tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt những “viên gạch” đầu tiên cho công tác đối ngoại nhân dân của Việt Nam.
Chặng đường phát triển về lý luận
Vận dụng sáng tạo các tư tưởng “kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại”, “tấn công vào lòng người, chinh phục bằng đạo lý, chuyển hóa bằng nhân tình, thuyết phục lòng người để nhân lên sức mạnh của chính nghĩa”, trong quá trình xây dựng và phát triển, Đảng ta đã từng bước phát triển lý luận về đối ngoại nhân dân.
Đại hội Đảng lần thứ II (năm 1951) đã xác định nhiệm vụ “mở rộng ngoại giao nhân dân”, nhấn mạnh việc “phát triển ngoại giao nhân dân rộng rãi, đặc biệt chú trọng tham gia các cuộc vận động lớn trên thế giới và thắt chặt liên hệ tổ chức các hoạt động giữa những đoàn thể nhân dân Việt Nam với các đoàn thể nhân dân trên thế giới”. Sứ mệnh của đối ngoại nhân dân trong giai đoạn này là vận động, thuyết phục bạn bè, nhân dân các nước, các phong trào xã hội, phong trào hòa bình, phong trào cánh tả ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước.
Sau khi đất nước được thống nhất, Đảng ta tiếp tục phát triển quan điểm về đối ngoại nhân dân, đặt trong mối quan hệ chặt chẽ với đối ngoại đảng và ngoại giao Nhà nước. Đại hội Đảng lần thứ IV (năm 1976) xác định nhiệm vụ đối ngoại với từng nhóm đối tượng cụ thể, bao gồm nhóm “giai cấp công nhân và nhân dân lao động các nước tư bản chủ nghĩa”; nhóm “các nước xã hội chủ nghĩa anh em”, “các nước trong khu vực”, “tất cả các nước khác” và nhóm “nhân dân Lào và nhân dân Campuchia”, “nhân dân các nước Đông Nam châu Á”, “nhân dân các nước châu Á, châu Phi, Mỹ latinh”(2). Đây có thể coi là nền móng cho việc phát triển các chủ trương về đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân sau này.
Đại hội Đảng lần thứ VI (năm 1986) đã làm rõ các chủ thể của hoạt động đối ngoại, gồm “Đảng ta”, “Nhà nước ta” và “nhân dân Việt Nam”; bước đầu thể hiện sự phối hợp của ba chủ thể này trong một số chủ trương về đối ngoại như: “Đảng, Chính phủ và nhân dân ta”; “Đảng và Nhà nước ta”, “Chính phủ và nhân dân Việt Nam”(3).
Đại hội Đảng lần thứ VII (1991) nhấn mạnh chủ trương “đoàn kết với các lực lượng đấu tranh cho hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội…”. Đây là một tư duy mới, tạo ra bước đột phá cho công tác đối ngoại nhân dân thời kỳ Đổi Mới. Đặc biệt, Hội nghị Trung ương 3 khóa VII (năm 1992) đã xác định “Mở rộng và đổi mới hoạt động đối ngoại nhân dân nhằm giữ vững hòa bình, mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác tạo điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời góp phần vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội, theo tinh thần Việt Nam muốn là bạn của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phần đầu vì hòa bình độc lập và phát triển”. Đây là lần đầu tiên, cụm từ “đối ngoại nhân dân” được đề cập chính thức trong một nghị quyết của Đảng.
Kế thừa quan điểm nêu trên về đối ngoại nhân dân, các kỳ Đại hội Đảng lần thứ VIII (năm 1996), lần thứ IX (năm 2001), lần thứ X (năm 2006), lần thứ XI (năm 2011), lần thứ XII (năm 2016) đã tiếp tục làm rõ hơn, sâu sắc hơn nội hàm của khái niệm đối ngoại nhân dân và các nhiệm vụ cụ thể để triển khai công tác này trên thực tế.
Như vậy, kể từ sau khi đất nước hoàn toàn độc lập, Bắc - Nam sum họp một nhà, đối ngoại nhân dân, cùng với đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước, đã tích cực “đi trước mở đường”, khai phá, mở rộng quan hệ hợp tác với các nước, vận động nhân dân thế giới hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh, phá thế bao vây, cấm vận, tăng cường hữu nghị, thúc đẩy bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác quan trọng, từng bước đổi mới, tái thiết đất nước.
Đại hội Đảng lần thứ XIII (năm 2021) đã xác định: “Tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước. Xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân”(4). Đây là lần đầu tiên, đối ngoại nhân dân được Đảng ta xác định là một trong ba trụ cột của đối ngoại, là dấu mốc quan trọng trong nhận thức và tư duy lý luận của Đảng về vai trò chiến lược của đối ngoại nhân dân trong nền ngoại giao nước nhà.
Trên cơ sở Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; đúc kết kinh nghiệm triển khai thực hiện Chỉ thị số 44-CT/TW của Ban Bí thư (khóa VII) và Chỉ thị số 04-CT/TW của Ban Bí thư (khóa XI), ngày 05/01/2022, Ban Bí thư (khóa XIII) đã ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả đối ngoại nhân dân trong tình hình mới. Chỉ thị số 12-CT/TW đã đưa ra quan điểm định hướng, tầm nhìn, nâng cao nhận thức, xác định nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị đối với việc phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của đối ngoại nhân dân, gắn kết chặt chẽ hơn giữa đối ngoại nhân dân với đối ngoại đảng và ngoại giao nhà nước, qua đó nâng cao sức mạnh tổng hợp của nền ngoại giao Việt Nam, góp phần xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Một số thành tựu quan trọng
Dọc theo chiều dài lịch sử xây dựng và phát triển đất nước, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta, công tác đối ngoại nhân dân đã có những thành tựu nổi bật, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của nền ngoại giao Việt Nam nói riêng, của sự phát triển của quốc gia nói chung.
Với phương châm “chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả”, thời gian qua, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã phát huy nòng cốt trong công tác đối ngoại nhân dân, ngày càng lớn mạnh về hệ thống tổ chức, giúp trụ cột thứ ba của nền ngoại giao đạt được nhiều kết quả rất nổi bật.
Tính đến đầu năm 2024, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã có 119 tổ chức thành viên (trong đó có 67 tổ chức hội hữu nghị ở Trung ương và 52 Liên hiệp hữu nghị ở địa phương) hoạt động trên 04 nhiệm vụ chính là hòa bình, đoàn kết, hữu nghị; phi chính phủ nước ngoài; nghiên cứu, tham mưu và thông tin, tuyên truyền đối ngoại, là cầu nối vững chắc giữa nhân dân Việt Nam với bạn bè quốc tế thông qua việc thiết lập quan hệ với hàng nghìn tổ chức và cá nhân từ các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Theo thống kê của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, trong nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII vừa qua, Liên hiệp và các tổ chức thành viên đã tổ chức gần 1.000 hoạt động đối ngoại nhân dân với nhiều hình thức, quy mô đa dạng, phong phú trên tất cả các lĩnh vực và ngày càng đi vào chiều sâu.
Đặc biệt, trong đại dịch Covid-19, đối ngoại nhân dân đã đóng góp không nhỏ vào quá trình chủ động, nhanh chóng, tích cực tham gia phòng, chống dịch của Việt Nam, từ quyên góp, hỗ trợ lực lượng tuyến đầu, hỗ trợ người Việt Nam định cư ở nước ngoài và nhân dân nước bạn, đến công tác “ngoại giao vaccine”, thể hiện rõ nét truyền thống nhân nghĩa, nhường cơm sẻ áo, giúp đỡ nhau lúc khó khăn của dân tộc Việt Nam từ nghìn đời này, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
Các tổ chức nhân dân của Việt Nam đã củng cố và phát triển quan hệ với hàng nghìn tổ chức, đối tác, ưu tiên quan hệ với các nước láng giềng, các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), các nước bạn bè truyền thống, các nước có vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Với chủ trương “nâng tầm đối ngoại đa phương”, một số tổ chức nhân dân của Việt Nam đã tham gia chủ động, tích cực phát huy vai trò, tiếng nói trong các cơ chế, diễn đàn nhân dân đa phương như: Hội đồng hòa bình thế giới, Liên đoàn Thanh niên dân chủ thế giới, Liên đoàn Phụ nữ dân chủ thế giới, Liên hiệp Công đoàn thế giới, các cơ chế khu vực như Diễn đàn nhân dân ASEAN, Diễn đàn nhân dân Á - Âu, các cơ chế quốc tế của Hội đồng Kinh tế - Xã hội Liên hợp quốc,… Bên cạnh đó, các tổ chức nhân dân Việt Nam đã chủ động nghiên cứu, gia nhập nhiều cơ chế hợp tác đa phương quốc tế và khu vực mới trên các lĩnh vực đa dạng như: Hiệp hội Cảng biển Việt Nam gia nhập Hiệp hội Cảng biển quốc tế, Hội Pháp luật Xây dựng Việt Nam gia nhập Hiệp hội Pháp luật Xây dựng quốc tế,...
Nhiều thỏa thuận hợp tác song phương đã được các tổ chức nhân dân của Việt Nam ký kết với các đối tác nhằm thúc đẩy hợp tác ngày càng có trọng tâm, thiết thực và hiệu quả. Các hoạt động hợp tác được triển khai với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, như trao đổi đoàn, giao lưu hữu nghị, thăm hỏi, chúc mừng nhân các dịp lễ, Tết, tọa đàm, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, hoạt động tình nguyện, nhân đạo, trao và nhận các hình thức khen thưởng, kỷ niệm các sự kiện lịch sử quan trọng trong quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với các nước.
Công tác vận động, tranh thủ các nguồn viện trợ nước ngoài phục vụ phát triển kinh tế - xã hội được thực hiện phù hợp với chủ trương, chỉ đạo liên quan của Đảng, Nhà nước và các quy định của pháp luật. Các đoàn thể, tổ chức nhân dân đã triển khai nhiều hoạt động thuộc các chương trình, dự án, phi dự án tiếp nhận từ các đối tác quốc tế, như các tổ chức nhân dân ở các nước, các cơ quan hợp tác phát triển nước ngoài, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài trên các lĩnh vực mà Việt Nam ưu tiên (như y tế, giáo dục, giải quyết hậu quả chiến tranh, phát triển kinh tế - xã hội, cứu trợ khẩn cấp, ứng phó với biến đổi khí hậu...), với giá trị trung bình trong 10 năm qua đạt khoảng 250 triệu USD/năm. Thông qua các hoạt động này, các tổ chức nhân dân Việt Nam không chỉ tranh thủ các nguồn lực tài chính của đối tác nước ngoài, mà còn tiếp cận, học hỏi thành tựu khoa học - công nghệ mới, mô hình và kinh nghiệm tổ chức triển khai thực hiện(5).
Công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài trong thời gian qua được các đoàn thể và tổ chức nhân dân được quan tâm đẩy mạnh. Hiện nay, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có khoảng 5,3 triệu người, sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong giai đoạn 2016 - 2021, tổng kiều hối đạt hơn 71 tỷ USD (tăng trưởng trung bình 6%/năm). Công tác người Việt Nam ở nước ngoài, bên cạnh việc huy động nguồn lực về mọi mặt cho phát triển kinh tế (vốn, công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao), còn tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Và thông qua người Việt Nam định cư ở nước ngoài, sẽ là cầu nối để Việt Nam tiếp tục thực hiện công tác đối ngoại nhân dân với các quốc gia trên thế giới.
Công tác thông tin đối ngoại được triển khai linh động, hiệu quả, tăng cường quảng bá về hình ảnh đất nước Việt Nam trên trường quốc tế bằng những hình thức đổi mới, sáng tạo, áp dụng công nghệ số. Công tác thông tin đối ngoại, đồng hành với các hoạt động ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa, đối ngoại quốc phòng, đã góp phần giới thiệu đến thế giới về một dân tộc Việt Nam với tinh thần đoàn kết, ý chí độc lập, tự cường, truyền thống anh dũng, bất khuất, sẵn sàng đấu tranh vì chính nghĩa, vì độc lập, tự do cho dân tộc, nhân ái, nghĩa tình, yêu chuộng hòa bình. Từ các hoạt động cụ thể, đối ngoại nhân dân đã giúp nhân dân thế giới hiểu hơn về đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta, về quan điểm “Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế”. Trong công tác đối ngoại nhân dân, mỗi người Việt Nam chính là một “đại sứ”, giúp gắn kết và vun đắp tình hữu nghị của người dân Việt Nam với nhân dân các nước, từ đó, tăng cường hợp tác, thu hút nguồn lực, sự đồng tình, ủng hộ của quốc tế đối với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Một số khó khăn, hạn chế còn tồn tại
Bên cạnh những thành tựu nổi bật, có ý nghĩa to lớn, công tác đối ngoại nhân dân trong thời gian ở nước ta trong thời gian qua vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như:
Công tác phối hợp liên ngành giữa các kênh đối ngoại, giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức nhân dân, giữa Trung ương và địa phương chưa thực sự chủ động, thường xuyên, chưa phát huy động được sức mạnh tổng hợp của các lực lượng làm đối ngoại nhân dân. Một số hoạt động đối ngoại nhân dân nội dung và hình thức chưa đổi mới, sáng tạo.
Nhiều tổ chức nhân dân còn thụ động, chưa tích cực kết nối, phát triển quan hệ với các đối tác truyền thống và nghiên cứu mở rộng hợp tác với đối tác mới. Chất lượng và hiệu quả trong quan hệ với một số đối tác chưa cao. Sự tham gia tại các cơ chế, diễn đàn nhân dân đa phương khu vực và quốc tế mới chỉ tập trung ở các lực lượng nòng cốt, năng lực có mặt chưa đồng đều.
Công tác vận động, tranh thủ nguồn lực hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ còn thiếu chủ động, sáng tạo, đột phá, chưa thiết lập được nhiều quan hệ đối tác mới có hiệu quả cao để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài còn một số hạn chế nhất định. Cách thức tuyên truyền, vận động còn đơn điệu, chưa có sức hút mạnh mẽ, dẫn đến kết quả vận động chưa tương xứng với tiềm năng, đặc biệt là trong các lĩnh vực như đầu tư, thương mại, chuyển giao công nghệ,…Chưa phát huy tốt vai trò của kiều bào trong việc nâng cao hình ảnh Việt Nam ở nước sở tại và thúc đẩy quan hệ Việt Nam với thế giới.
Hoạt động thông tin đối ngoại chưa có nhiều sản phẩm hấp dẫn, chưa đáp ứng tốt nhu cầu thông tin của các đối tượng, chưa khai thác hiệu quả các phương tiện truyền thông mới.
Nguồn lực cho đối ngoại nhân dân chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại nhân dân còn nhiều hạn chế cả về số lượng và chất lượng, nhiều tổ chức nhân dân không có bộ phận chuyên trách về đối ngoại. Năng lực nghiên cứu tham mưu chiến lược còn hạn chế. Một số tỉnh, thành phố chưa thành lập Liên hiệp các hội hữu nghị, phần nào gây khó khăn trong công tác tiếp cận, chia sẻ thông tin và triển khai các hoạt động đối ngoại nhân dân từ Trung ương đến địa phương.
(Kính mời xem tiếp Kỳ 2)
----------------------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t8, tr.276.
(2) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, t.37, tr.617 - 619.
(3) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t. 47, tr.432 - 443.
(4) https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-xiii/bao-cao-chinh-tri-cua-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-xii-tai-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-xiii-cua-3734.
(5) Nguyễn Thị Hoàng Vân: “Đối ngoại nhân dân phát huy vai trò trụ cột trong nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam”, https://tuyengiao.vn/doi-ngoai-nhan-dan-phat-huy-vai-tro-tru-cot-trong-nen-doi-ngoai-ngoai-giao-viet-nam-154324