TIN MỚI NHẤT

Tín dụng chính sách xã hội góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội tại tỉnh Bình Thuận

  • DT
  • /
  • 29.7.2024 - 8:29

Triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (viết tắt là Chỉ thị số 40-CT/TW) và Kết luận số 06-KL/TW, ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW (viết tắt là Kết luận số 06-KL/TW), các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp xây dựng kế hoạch, đề ra nhiệm vụ và triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, góp phần tích cực trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương.

Nhiều kết quả rất đáng trân trọng, nổi bật

Cấp ủy, chính quyền các cấp đã nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương. Hàng năm, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố quan tâm chỉ đạo chuyển nguồn vốn từ ngân sách ủy thác sang Ngân hàng chính sách xã hội để cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn; đã đưa nội dung chỉ đạo, triển khai, đánh giá kết quả sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội vào kế hoạch, chương trình công tác; điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách; phân công Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện Hội đồng quản trị; hỗ trợ phương tiện, trang thiết bị, trụ sở làm việc,.... Hiện nay, Ngân hàng chính sách xã hội tổ chức giao dịch tại 124/124 trụ sở UBND các xã, phường, thị trấn; quản lý trên 2.300 Tổ Tiết kiệm và vay vốn hoạt động tại thôn, khu phố, góp phần công khai các chính sách tín dụng của Nhà nước và các quy trình, thủ tục cho vay của Ngân hàng chính sách xã hội; người vay giao dịch trực tiếp với Ngân hàng chính sách xã hội vào ngày cố định hàng tháng để vay vốn, trả nợ, gửi tiền tiết kiệm, trước sự chứng kiến của đại diện các tổ chức chính trị - xã hội, Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn, chính quyền địa phương.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã quan tâm hơn đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, phối hợp tốt với Ngân hàng chính sách xã hội trong việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội; củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, chất lượng hoạt động của các Tổ Tiết kiệm và vay vốn. Ngoài ra, hoạt động nhận ủy thác từ Ngân hàng chính sách xã hội đã tạo điều kiện cho các tổ chức chính trị - xã hội tập hợp lực lượng, củng cố, nâng cao về số lượng, chất lượng các hoạt động phong trào, tiếp cận các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao khoa học kỹ thuật, nâng cao dân trí cho người dân, góp phần củng cố hệ thống chính trị cơ sở.

Năng lực và hiệu quả hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, cấp huyện ngày càng được nâng lên. Công tác phối hợp giữa hoạt động tín dụng chính sách xã hội với các hoạt động huấn luyện kỹ thuật, đào tạo nghề, chuyển giao công nghệ được quan tâm đẩy mạnh. Quy mô các chương trình tín dụng chính sách ngày càng được mở rộng, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội được đưa đến 100% các thôn, khu phố trong toàn tỉnh, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách. Từ 12 chương trình thực hiện vào năm 2014, đến nay tỉnh Bình Thuận đang triển khai thực hiện 22 chương trình tín dụng chính sách, với tổng doanh số cho vay giai đoạn 2015 - 2024 đạt 9.004 tỷ đồng, với gần 300 ngàn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, góp phần giúp gần 30 ngàn hộ nghèo vượt qua ngưỡng nghèo; tạo việc làm cho trên 36 ngàn lao động; gần 19,4 ngàn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; hỗ trợ xây mới và cải tạo 273 ngàn công trình nước sạch vệ sinh môi trường; hỗ trợ xây dựng gần 700 ngôi nhà cho hộ nghèo, người có thu nhập thấp,...) góp phần quan trọng thực hiện chủ trương giảm nghèo, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì việc phối hợp, lồng ghép hoạt động tín dụng chính sách với các chương trình, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ ở một số nơi chưa thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Nguồn vốn cho vay chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm tuy đã được quan tâm bổ sung hàng năm nhưng còn hạn chế so với nhu cầu thực tế của người dân; một số đoàn thể ở một số nơi chưa bao quát các nhiệm vụ được uỷ thác, nhất là việc kiểm tra, giám sát hoạt động của Tổ Tiết kiệm và vay vốn; chất lượng hoạt động của một số tổ vay vốn, khả năng quản lý vốn chưa cao. Hiện nay, chưa có chính sách cho vay đối với hộ cận nghèo ở khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để xây dựng, sửa chữa nhà ở, trong khi nhà ở là một tiêu chí đánh giá việc tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản khi điều tra, phân loại hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tín dụng chính sách xã hội trong thời gian tới

Để phát huy hơn nữa hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội, đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân và ngày càng đi vào cuộc sống; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, đảm bảo công bằng, tiến bộ, giảm nghèo bền vững và góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp cần quan tâm thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục quán triệt sâu kỹ chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội để cán bộ, đảng viên và Nhân dân thấy được ý nghĩa, tầm quan trọng và tính nhân văn sâu sắc của chủ trương này. Đồng thời, cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo thực hiện tín dụng chính sách xã hội gắn với các chương trình, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm; tiếp tục tập trung huy động các nguồn lực để thực hiện tốt tín dụng chính sách xã hội, nhất là từ nguồn vốn hỗ trợ từ Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam và việc bố trí ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội; nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân tham gia gửi tiết kiệm tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Chú trọng nhân rộng các điển hình tiên tiến, cách làm hay, mô hình hiệu quả.

Hai là, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn các đối tượng chính sách sử dụng vốn vay đúng mục đích, phát huy hiệu quả, cải thiện đời sống và có nguồn để trả nợ vay. Tăng cường giám sát, phản biện xã hội đối với các hoạt động tín dụng chính sách xã hội và việc thực hiện các chủ trương, chính sách về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Ba là, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng chính sách xã hội đặc thù; duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của các Điểm giao dịch xã. Kịp thời củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban đại diện Hội đồng quản trị các cấp; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị theo chương trình kế hoạch hàng năm gắn với chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng năng lực, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ làm công tác tín dụng chính sách xã hội. Nghiên cứu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ nhằm nâng cao chất lượng công tác quản lý và hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn, chất lượng hoạt động các điểm giao dịch xã để người nghèo dễ dàng tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ của Ngân hàng chính sách xã hội, tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện chủ trương giảm nghèo, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội.

Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đảm bảo nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng. Đồng thời, chủ động, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền để chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác tín dụng chính sách xã hội./.


  • DT
  • |
  • 559
  • |

Các tin khác

 

TIN NỔI BẬT

SỐ LƯỢT TRUY CẬP