TIN MỚI NHẤT

Bình Thuận tập trung cải cách thủ tục hành chính

  • Y.N
  • /
  • 25.6.2024 - 11:10

Trong 6 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ hài lòng trong tiếp nhận, giải quyết TTHC của người dân, doanh nghiệp được công khai trên Cổng dịch vụ công của tỉnh đạt 95,96%.

Với kết quả xếp hạng chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) năm 2023 chưa được như kỳ vọng, Bình Thuận tiếp tục xác định cải cách thủ tục hành chính (TTHC) là một trong những khâu đột phá, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thời gian qua, tỉnh Bình Thuận đã tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt các hoạt động, nhiệm vụ về kiểm soát thủ tục hành chính; triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương để thực hiện nhiều giải pháp cải cách TTHC; nhờ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân triển khai các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh góp phần tạo nên những điểm sáng trong bức tranh cải cách hành chính của tỉnh.

Nét nổi bật đáng ghi nhận là: Việc ban hành quy chế thực hiện thí điểm liên thông nhóm TTHC lĩnh vực môi trường, xây dựng, đầu tư, thành lập và hoạt động của doanh nghiệp, hộ kinh doanh và một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trên địa bàn tỉnh Bình Thuận; quy trình giải quyết nhóm TTHC liên thông được rút ngắn thời gian hơn so với khi tổ chức, cá nhân thực hiện từng TTHC riêng lẻ, giúp tiết kiệm thời gian, kinh phí của cá nhân, tổ chức, hạn chế tình trạng giải quyết hồ sơ trễ hạn. Đặc biệt là, các TTHC sau khi công bố đã kịp thời cập nhật đầy đủ vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC, tính đến thời điểm hiện tại đã cập nhật công khai trên cơ sở dữ liệu quốc gia và liên kết trang thông tin điện tử các cơ quan, địa phương với 1.838/1.838 TTHC, đạt tỷ lệ 100%; việc cập nhật thủ tục hành chính vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính kịp thời, đầy đủ, đúng quy định và được đồng bộ về chuyên trang cơ sở dữ liệu thủ tục hành chính của tỉnh đã đáp ứng nhu cầu tra cứu, tìm hiểu TTHC của cá nhân, doanh nghiệp; góp phần tạo điều kiện cho cá nhân, doanh nghiệp thực hiện việc giám sát nhiệm vụ công vụ của đội ngũ công chức, viên chức giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, các cơ quan, tổ chức tiếp tục duy trì thực hiện tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả TTHC cho tổ chức, cá nhân thông qua Trung tâm Hành chính công tỉnh và bộ phận một cửa cấp huyện, cấp xã. Bưu điện tỉnh đã phối hợp các cơ quan, địa phương để bố trí nhân viên bưu điện luân chuyển hồ sơ TTHC nội bộ giữa các cơ quan hành chính; tiếp nhận và trả kết quả TTHC tại quầy giao dịch của bưu điện và trả kết quả hồ sơ TTHC tại địa chỉ theo nhu cầu của tổ chức, cá nhân, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính đã từng bước khắc phục tình trạng chậm trễ, đùn đẩy, né tránh, giảm bớt phiền hà, tiêu cực, nhũng nhiễu trong quá trình giải quyết công việc cho tổ chức, cá nhân. Đa số hồ sơ của tổ chức và cá nhân được xem xét giải quyết trước hạn, đúng hạn . Trong 6 tháng đầu năm 2024, cấp tỉnh: Số hồ sơ đã giải quyết xong là 74.381 hồ sơ, trong đó: Đúng hạn là 74.243 hồ sơ, tỷ lệ 99,82%; trễ hạn là 138 hồ sơ, tỷ lệ 0,18%; cấp huyện: Số hồ sơ đã giải quyết xong là 43.451 hồ sơ, trong đó: Đúng hạn là 41.385 hồ sơ, tỷ lệ 95,25%; trễ hạn là 2.066 hồ sơ, tỷ lệ 4,75%; Cấp xã: Số hồ sơ đã giải quyết xong là 136.570 hồ sơ, trong đó: Đúng hạn là 131.723 hồ sơ, tỷ lệ 96,45%; trễ hạn là 4.847 hồ sơ, tỷ lệ 3,55%.

Cùng với nâng cao chất lượng giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, tỉnh đã tập trung đẩy mạnh thực hiện TTHC trên môi trường điện tử giúp người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện dịch vụ ở mọi lúc, mọi nơi, trên các phương tiện khác nhau. Đến nay tỉnh đã đầu tư và triển khai sử dụng dịch vụ công trực tuyến cho các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh  gồm 17/19 đơn vị, 10/10 đơn vị cấp huyện và 124/124 đơn vị cấp xã. Tổng số dịch vụ công trực tuyến là 1.004 dịch vụ công gồm 733 dịch vụ công trực tuyến toàn trình; 271 dịch vụ công trực tuyến một phần; tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia 771/1.004 dịch vụ công trực tuyến một phần và toàn trình, đạt 76,79%.

Song song đó, tỉnh cũng đẩy mạnh công tác thực hiện số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính được quan tâm triển khai thực hiện; hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh đã được nâng cấp, phát triển chức năng số hóa thành phần hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC, phát triển dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia và tái sử dụng trong quá trình giải quyết hồ sơ TTHC.

Phấn khởi trước những tín hiệu đáng mừng đó thì trong thực tế vẫn phải còn trăn trở với không ít tồn tại, hạn chế như việc rà soát, đề xuất phương án đơn giản hóa TTHC nội bộ theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ còn chậm, việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC, nhất là việc kết nối, chia sẻ, tái sử dụng kết quả số hóa có hiệu quả chưa cao; một số nhiệm vụ về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh chưa hoàn thành theo đúng tiến độ, kế hoạch đã đề ra; phát triển dữ liệu số, nền tảng số còn hạn chế. Công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân tham gia và sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến tại một số cơ quan, đơn vị chưa đa dạng. Nhận diện được những nguyên nhân chủ yếu của tồn tại, hạn chế nêu trên là do một số sở, ngành, địa phương vẫn chưa quyết liệt trong chỉ đạo và triển khai thực hiện công tác cải cách TTHC; một số bộ phận, cán bộ, công chức, viên chức chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm trong thực thi công vụ; công tác phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương còn thiếu chủ động, chưa chặt chẽ, kịp thời.

Thiết nghĩ, các cấp, các ngành địa phương trong tỉnh cần quan tâm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính quyết liệt hơn nữa để gỡ bỏ những rào cản về thủ tục hành chính đối với môi trường kinh doanh và đời sống của người dân, giúp cắt giảm chi phí, thời gian và rủi ro cho người dân, doanh nghiệp trong việc thực hiện thủ tục hành chính, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng thông thoáng, thu hút được những nhà đầu tư lớn, nhất là đầu tư phát triển ba trụ cột kinh tế của tỉnh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống của Nhân dân.

Để thực hiện đạt kết quả cao nhất chủ đề năm 2024 là: “Nâng cao năng lực cạnh tranh và sự hài lòng của người dân doanh nghiệp”, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi những mục tiêu quan trọng mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đề ra; trong thời gian tới, công tác cải cách thủ tục hành chính cần phải được thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau: 

Trước hết, cần triển khai có hiệu quả các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác kiểm soát TTHC như: Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC, Cổng dịch vụ công quốc gia, hệ thống tiếp nhận xử lý phản ánh kiến nghị theo đúng hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ. Triển khai việc thanh toán trực tuyến các TTHC được giải quyết trên Cổng dịch vụ công quốc gia và hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh.

Hai là, thực hiện tốt công tác cải cách TTHC, tổ chức thực hiện nghiêm các quy trình nội bộ giải quyết TTHC đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt; tổ chức công khai, minh bạch các quy định, thông tin để người dân, doanh nghiệp biết với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, dễ tiếp cận tìm hiểu, thực hiện.

Ba là, tập trung thực hiện cải cách TTHC gắn với việc thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó cần tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện số hóa các giấy tờ, TTHC, ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu đất đai, hộ tịch, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến... trong quản lý và giải quyết TTHC, góp phần giảm giấy tờ hành chính, chi phí thời gian, chi phí không chính thức của người dân, doanh nghiệp.

Bốn là, tiếp tục triển khai thực hiện tốt Quyết định số 1085/QĐ-TTg ngày 15/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành kế hoạch rà soát, đơn giản hóa TTHC nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước giai đoạn 2022 - 2025.

Năm là, tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động của Trung tâm Hành chính công tỉnh, bộ phận một cửa cấp huyện, cấp xã.

Sáu là, triển khai các nhiệm vụ, kế hoạch trong năm 2024: Kế hoạch kiểm soát thủ tục hành chính; kế hoạch kiểm tra công tác kiểm soát thủ tục hành chính; kế hoạch tập huấn nghiệp vụ kiểm soát thủ tục hành chính; kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh, sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp và cải thiện các chỉ số: PCI, PAPI, PAR Index, SIPAS./.


Các tin khác

TIN NỔI BẬT

SỐ LƯỢT TRUY CẬP