Tham dự Hội nghị tại điểm cầu của tỉnh có đồng chí Võ Thanh Bình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, đồng chí Nguyễn Thị Thuận Bích - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, đồng chí Nguyễn Minh - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh. Tại điểm cầu các huyện, thị, thành ủy có đại diện Thường trực các huyện, thị, thành ủy; lãnh đạo Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, lãnh đạo Ban Tuyên giáo, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các huyện, thị, thành ủy; đại diện lãnh đạo các phòng, ban, Chi hội Văn học nghệ thuật các huyện, thị xã, thành phố; Bí thư Đảng ủy và Trưởng Ban Tuyên giáo - Dân vận các xã, phường, thị trấn.
Qua hơn 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW và Chương trình hành động số 29-NQ/TU, ngày 11/7/2014 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XII) trên địa bàn tỉnh, đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nổi rõ là: Các giá trị văn hóa tốt đẹp của con người Việt Nam và của người Bình Thuận, trong đó, có lòng yêu nước, yêu quê hương, lòng tự hào dân tộc, sống chan hòa, nghĩa tình, tương thân, tương ái, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, truyền thống đoàn kết, gắn bó, vượt khó, tinh thần cần cù lao động… tiếp tục được giữ gìn, vun đắp và phát huy. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã triển khai thực hiện Nghị quyết 33 gắn với đẩy mạnh thực hiện việc Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện các Nghị quyết, Kết luận Hội nghị Trung ương 4 về xây dựng và chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh, các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phong trào “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và các phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn tỉnh. Nhiều tấm gương trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong các phong trào thi đua được xây dựng, tuyên dương, nhân rộng, lan tỏa rộng rãi trong đời sống xã hội. Việc phát huy vai trò gương mẫu của ông, bà, cha mẹ trong giáo dục con, cháu tiếp tục được chú trọng; công tác giáo dục đạo đức, nhân cách, lòng yêu nước cho thế hệ trẻ được chú tâm; văn hóa công sở ở các cơ quan, đơn vị, địa phương, nếp sống văn minh được tập trung xây dựng, lan tỏa mạnh, rộng rãi, đáp ứng yêu cầu đổi mới. Các giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn tỉnh được gìn giữ và phát huy, cùng với đó, những thói hư, tật xấu từng bước bị đẩy lùi. Các hoạt động lễ hội văn hóa tiêu biểu của tỉnh được duy trì, phát huy theo hướng nâng cao chất lượng, phù hợp với phong tục, văn hóa truyền thống của địa phương. Đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ tiếp tục có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng. Hoạt động văn hóa, nghệ thuật, mỹ thuật, biểu diễn, triển lãm, văn nghệ quần chúng ở cơ sở diễn ra ngày càng đa dạng; hoạt động giao lưu văn hóa từng bước được đẩy mạnh, góp phần cổ vũ tích cực việc xây dựng, hoàn thiện giá trị, nhân cách con người Việt Nam và Bình Thuận thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế.
Tỉnh Bình Thuận có 35 dân tộc anh em, mỗi dân tộc có một đặc trưng văn hóa riêng và rất đa dạng, phong phú. Đây là một thế mạnh rất lớn để tỉnh Bình Thuận xây dựng văn hóa, xây dựng con người Bình Thuận phù hợp với chuẩn mực các giá trị truyền thống tốt đẹp của Việt Nam và tiến cùng thời đại, hội nhập sâu rộng với thế giới. Với tinh thần đó, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các cấp ủy, chính quyền, các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh quan tâm thực hiện tốt những nhiệm vụ, giải pháp sau: Một là, tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến, quán triệt sâu kỹ, đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về văn hóa và xây dựng, phát triển văn hóa; nâng cao hơn nữa nhận thức của cán bộ, đảng viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền; vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên trong quá trình triển khai thực hiện. Hai là, tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với triển khai có hiệu quả các cuộc vận động, phong trào văn hóa, nâng chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” gắn liền với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Đẩy mạnh các hoạt động giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống trong gia đình, nhà trường và xã hội; bồi dưỡng, nâng cao ý thức, ứng xử và hành vi chuẩn mực văn hóa để xây dựng môi trường văn hóa thực sự lành mạnh trên địa bàn tỉnh. Ba là, làm tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa lịch sử, cách mạng truyền thống. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường văn hóa phát triển tương xứng với tiềm năng trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong tổ chức quảng bá, giới thiệu các giá trị văn hóa, nghệ thuật, hình ảnh quê hương và con người Bình Thuận trong toàn quốc và ra thế giới. Bốn là, phát huy tốt hơn nữa vai trò của đội ngũ làm công tác văn hóa các cấp, bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Năm là, thực hiện có hiệu quả giải pháp ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức, lối sống gắn với đẩy mạnh công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, đẩy lùi tiêu cực xã hội; chủ động đấu tranh loại trừ các sản phẩm văn hóa độc hại; lối sống vị kỷ, thực dụng; các hành vi mê tín dị đoan, trái thuần phong mỹ tục của dân tộc, vi phạm pháp luật, ảnh hưởng xấu đến xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam.