TIN MỚI NHẤT

MỘT SỐ KẾT QUẢ NỔI BẬT VỀ CÔNG TÁC XÂY DỰNG ĐẢNG TỪ ĐẦU NHIỆM KỲ ĐẾN NAY

Với tinh thần “Đoàn kết - Dân chủ - Trí tuệ - Đổi mới – Phát triển”, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Thuận đã kế thừa và phát huy thành tựu, kinh nghiệm được tích lũy trong các nhiệm kỳ trước, thực hiện nghiêm túc, sáng tạo, tập trung lãnh đạo, tổ chức thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra và đạt được nhiều kết quả quan trọng, trong đó nổi bật là những kết quả trên lĩnh vực xây dựng Đảng.

Những kết quả nổi bật

Từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các cấp ủy, tổ chức Đảng trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, đổi mới phương pháp, lề lối làm việc, thực hiện các nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng đạt kết quả tích cực. Nổi bật qua các mặt công tác trọng tâm lớn như:

Công tác chính trị, tư tưởng, xây dựng đạo đức, văn hóa trong tổ chức Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng cao. Việc triển khai tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nghị quyết, kết luận các Hội nghị Trung ương và các chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã bảo đảm nghiêm túc, kịp thời; nội dung, phương pháp, hình thức học tập có nhiều đổi mới, như được kết hợp bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến, bảo đảm nâng cao chất lượng, tiết kiệm thời gian, kinh phí tổ chức. Bên cạnh đó, tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức đợt sinh hoạt chính trị với chủ đề “Giữ trọn lời thề đảng viên” ở các cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và đảng viên trong toàn tỉnh, trọng tâm là tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt, sinh hoạt Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) và tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. Thông qua đợt sinh hoạt chính trị, giúp mỗi cá nhân nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn về niềm vinh dự, tự hào, danh dự và trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên đối với lời tuyên thệ trước cờ Đảng, lời hứa trước tổ chức và nhân dân, góp phần nâng cao ý thức tự giác rèn luyện, tự soi, tự sửa, phòng chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên; xây dựng Đảng, hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tiếp tục được triển khai sâu rộng, lan tỏa trong xã hội, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình điểm, điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực.

Tọa đàm sinh hoạt "Giữ trọn lời thề đảng viên" tại Đảng bộ Trường Chính trị tỉnh
Tọa đàm sinh hoạt "Giữ trọn lời thề đảng viên" tại Đảng bộ Trường Chính trị tỉnh

Trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác những quan điểm lệch lạc, sai trái trên địa bàn tỉnh cũng đạt nhiều kết quả tích cực. Thể hiện rõ nhất là việc ngăn chặn, vô hiệu hóa các trang web, fanpage (trang), group (nhóm), mạng xã hội đăng tải thông tin sai trái; thu thập thông tin, củng cố chứng cứ phục vụ công tác đấu tranh, xử lý. Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phòng chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch. Chỉ đạo các địa phương, đơn vị tăng cường theo dõi tình hình dư luận, các trang, mạng xã hội; đồng thời, định hướng các cơ quan tuyên truyền, cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và tầng lớp nhân dân đăng tải, chia sẻ những thông tin chính thống tạo sự lan tỏa trong cộng đồng. Các cấp ủy đảng đã kịp thời phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018, Quy định số 85-QĐ/TW, ngày 07/10/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảngvà các nghị quyết, chỉ thị của Đảng trong cán bộ, đảng viên, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm, sức “đề kháng” cho cán bộ, đảng viên trong ứng xử, tranh luận, phản biện trên không gian mạng.

Tổ chức bộ máy các cơ quan trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục được kiện toàn, tinh gọn bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả; khắc phục tình trạng trùng lắp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ theo tổ chức bộ máy mới sau sắp xếp. Công tác tinh giản biên chế đảm bảo thực hiện đúng đối tượng và đúng quy định. Công tác quy hoạch cán bộ, nhất là quy hoạch cấp ủy và các chức danh chủ chốt được thực hiện chặt chẽ và đúng quy định, đã kịp thời xây dựng, bổ sung quy hoạch đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, chú trọng tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ theo quy định với phương châm “động”“mở”. Công tác luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được quan tâm thực hiện. Công tác chính sách cán bộ được thực hiện kịp thời, đúng quy định. Công tác đánh giá, nhận xét cán bộ được chú trọng. Công tác bảo vệ chính trị nội bộ được thực hiện thận trọng, chặt chẽ. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng ngày càng được nâng lên. Chất lượng sinh hoạt chi bộ có nhiều chuyển biến tích cực. Kết quả phát triển đảng viên mới đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Chỉ đạo tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; đại hội chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở nhiệm kỳ 2022 - 2025. Việc kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp thực hiện nghiêm túc, ngày càng thực chất.

Đối với công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng được thực hiện đảm bảo theo chương trình, kế hoạch đề ra. Chất lượng các cuộc kiểm tra, giám sát tiếp tục được nâng lên, nội dung kiểm tra, giám sát có trọng tâm, trọng điểm. Kịp thời kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm. Công tác kiểm tra, giám sát trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương, đơn vị được chú trọng hơn. Đặc biệt, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung dồn sức chỉ đạo kiểm tra, giám sát những lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra tiêu cực; những nơi có vấn đề nổi cộm, bức xúc, dư luận xã hội quan tâm và chỉ đạo khắc phục một số khuyết điểm, sai phạm qua kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm theo chỉ đạo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Việc phối hợp giữa công tác kiểm tra, giám sát của Đảng với thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử ngày càng đồng bộ và hiệu quả hơn. Công tác giải quyết đơn, thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo được tập trung thực hiện đạt kết quả.

Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh. Các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, lãng phí được triển khai đồng bộ; thực hiện công khai minh bạch các hoạt động theo quy định; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đã tập trung vào các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, qua đó chấn chỉnh, khắc phục các thiếu sót hạn chế, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; tập trung xác minh, điều tra, xử lý nghiêm các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực, tích cực thu hồi tài sản bị thất thoát.

Công tác dân vận của hệ thống chính trị có bước đổi mới, hiệu quả được nâng lên; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành chuyển mạnh theo hướng gần dân, sát dân, vì dân phục vụ, lấy "người dân là trung tâm”; đẩy mạnh cải cách trong Đảng thông qua công khai, minh bạch, lấy ý kiến và tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân; quyết liệt trong đấu tranh, phòng chống tham nhũng, tiêu cực; tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân tham gia vào các hoạt động của Đảng, Nhà nước.

Hoạt động của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng đa dạng, gần dân, sát dân; phát huy ngày càng tốt hơn vai trò nòng cốt để nhân dân làm chủ, là cầu nối giữa "ý Đảng - lòng Dân"; nâng dần chất lượng giám sát, phản biện và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Các phong trào thi đua yêu nước, nhất là phong trào “Dân vận khéo” tiếp tục được phát động rộng khắp trên các lĩnh vực và đạt nhiều kết quả tích cực, trong đó có nhiều mô hình, điển hình tiêu biểu trong thực hiện công tác dân vận gắn với xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, tạo sự lan tỏa trong xã hội.

Một số bài học kinh nghiệm

Một là, phải luôn bảo đảm và phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng; kiện định, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với thực tiễn của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Giữ vững và thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng. Phát huy khối đoàn kết, thống nhất của hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân làm động lực để phấn đấu vươn lên.

Hai là, luôn chú trọng tuyên truyền, quán triệt, cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết của Trung ương, của tỉnh gắn với cụ thể hóa phù hợp với đặc điểm tình hình, điều kiện cụ thể của cơ quan, đơn vị, địa phương để triển khai thực hiện đạt yêu cầu, hiệu quả.

 Ba là, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong quản lý, điều hành. Quyết tâm đổi mới tư duy, nội dung, phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo theo hướng toàn diện, sâu sát, cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm.

Bốn là, đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải luôn nêu cao ý thức, trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo, gương mẫu, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; đề cao kỷ luật, kỷ cương, tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong thực thi nhiệm vụ; mọi thiếu sót, khuyết điểm phải có người chịu trách nhiệm. Quan tâm chăm lo công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp có bản lĩnh chính trị, có phẩm chất đạo đức, có năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ.

Năm là, phát huy tốt vai trò của cấp ủy, tổ chức đảng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng. Giữ vững các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát.

Sáu là, từng cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu phải quan tâm đúng mức công tác kiểm tra, giám sát; thường xuyên tự kiểm tra để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh kịp thời những khuyết điểm, sai sót, không để khuyết điểm nhỏ không được phát hiện, chấn chỉnh sẽ trở thành vi phạm lớn. Việc xác định phương hướng, nhiệm vụ công tác kiểm tra, giám sát phải thiết thực, toàn diện, đồng bộ, bám sát yêu cầu nhiệm vụ chính trị được giao gắn với giải quyết các vấn đề cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm. Định kỳ tổ chức sơ, tổng kết, biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, đồng thời phê bình, kiểm điểm, xử lý các trường hợp vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ, chức trách được giao.

Bảy là, thực hiện nghiêm túc quan điểm "dân là gốc", đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; kiên quyết đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.


Các tin khác

 

TIN NỔI BẬT

SỐ LƯỢT TRUY CẬP