TIN MỚI NHẤT

Thực hiện tốt Quy chế dân chủ cơ sở năm 2023 góp phần tạo sự đồng thuận, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước

Việc xây dựng và tổ chức thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại tỉnh Bình Thuận được cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị  - xã hội các cấp quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ, sáng tạo, từng bước đi vào cuộc sống, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương, tạo sự đồng thuận, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Năm 2023, trong điều kiện tình hình chính trị, kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, kinh tế cả nước tăng trưởng chậm đã ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như công tác triển khai thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; song, các cấp, các ngành trong tỉnh đã tập trung thực hiện công khai, minh bạch theo đúng quy định, cụ thể hóa kịp thời các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước từ đó môi trường dân chủ ngày càng được mở rộng và phát huy. Nổi rõ là:

Công tác cải cách hành chính tiếp tục được chỉ đạo quyết liệt gắn với ứng dụng công nghệ thông tin. Đến nay các cơ quan, đơn vị, địa phương đã triển khai thực hiện tốt các kế hoạch của UBND tỉnh xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số (Kế hoạch số 631/KH-UBND ngày 06/3/2023); tiếp tục triển khai 03 mô hình tại bộ phận “Một cửa” các cấp để đẩy mạnh thực hiện công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh([1]); vận hành thí điểm Trung tâm điều hành đô thị thông minh (IOC) tại thành phố Phan Thiết, đã cập nhật công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia và liên kết Trang thông tin điện tử các cơ quan, địa phương với 1.869/1.869 thủ tục hành chính (TTHC), đạt tỷ lệ 100%([2]); 100% các sở, ngành, UBND cấp huyện đều mở chuyên mục và thực hiện công khai, niêm yết TTHC([3]) để tổ chức, cá nhân tra cứu, thực hiện; công khai kết quả giải quyết TTHC trên Cổng dịch vụ công của tỉnh.

Công tác tiếp công dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân được quan tâm thực hiện. Năm 2023, toàn tỉnh đã tiếp 5.053 lượt/5.290 người/3.909 vụ việc (giảm 760 lượt, giảm 877 người so với cùng kỳ năm 2022); các cấp, các ngành đã tiếp nhận 5.209 đơn (khiếu nại 420; tố cáo 255; phản ánh, kiến nghị 4.534), trong đó có 5.133 đơn đủ điều kiện xử lý/5.003 vụ. Qua công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kiểm điểm, rút kinh nghiệm 23 cá nhân; giải quyết khiếu nại đã kiến nghị xử lý hành chính 03 cá nhân. Đồng thời, công tác đối thoại giữa người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền với nhân dân được tổ chức công khai, minh bạch (Năm 2023 đã tổ chức được 147 cuộc, trong đó: cấp tỉnh 04, cấp huyện 17, cấp xã 126). Qua đó, tinh thần trách nhiệm, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có chuyển biến tốt hơn.

Hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện dân chủ ở cơ sở đã mang lại hiệu quả tích cực. Năm 2023 đã tổ chức 680 cuộc giám sát (cấp tỉnh: 15, cấp huyện: 141, cấp xã: 524), thực hiện 184 hội nghị phản biện xã hội (cấp tỉnh: 04, cấp huyện: 18, cấp xã: 162); nội dung giám sát, phản biện tập trung vào việc ban hành các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với một số đối tượng, việc thực hiện các quy định của pháp luật, đề án phát triển ngành, nghị quyết của HĐND, việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên tại nơi làm việc và các vấn đề nhân dân quan tâm; từ đó, kịp thời khắc phục, chấn chỉnh những khiếm khuyết, hạn chế, tạo được lòng tin vững chắc trong Nhân dân.

Tuy nhiên, việc lãnh đạo, triển khai, thực hiện QCDC ở cơ sở vẫn còn nhiều hạn chế, khuyết điểm, trong đó có một số vấn còn đề kéo dài, chậm khắc phục, đáng chú ý là: công tác quán triệt, phổ biến và nắm bắt chủ trương, quy định về thực hiện QCDC chưa sâu kỹ, việc cụ thể hóa còn chậm, thiếu cập nhật; cải cách thủ tục hành chính có mặt hiệu quả chưa cao; trách nhiệm của người đứng đầu một số cấp ủy, cơ quan, đơn vị trong lãnh đạo, chỉ đạo chưa tốt, thiếu sâu sát; tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ người dân của một số cán bộ, công chức chưa tốt, chưa thực sự lấy người dân làm “trung tâm”, còn xảy ra tiêu cực, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho nhân dân; một số vụ việc bức xúc trong nhân dân chậm được giải quyết; một số doanh nghiệp chưa thực hiện đầy đủ các nội dung thực hiện QCDC tại nơi làm việc. Công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội một số nơi còn hình thức, chất lượng chưa cao. Vai trò của Ban thanh tra nhân dân, Ban chấp hành Công đoàn tham gia xây dựng và thực hiện QCDC còn túng lúng, mờ nhạt.

Nhằm phát huy kết quả đã đạt được trong thời gian qua về thực hiện dân chủ ở cơ sở và khắc phục những tồn tại, hạn chế cần thực hiện tốt một số giải pháp trọng tâm sau:

Thứ nhất, Từng tổ chức và cá nhân người đứng đầu theo chức năng, nhiệm vụ phải tổ chức quán triệt, phổ biến sâu kỹ và đầy đủ các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, các văn bản chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh về xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở và xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng thường xuyên để cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân nắm bắt và thực hiện.  

Thứ hai, Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc khắc phục những hạn chế, khuyết điểm qua đánh giá, xếp loại kết quả thực hiện QCDC hàng năm và qua kiểm tra việc triển khai, thực hiện QCDC; thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là việc tự kiểm tra nội bộ theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; quan tâm lãnh đạo, hướng dẫn thực hiện gắn với đánh giá, xếp loại các đơn vị trực thuộc và người đứng đầu các đơn vị trực thuộc sở, ngành.

Thứ ba, Nghiêm túc thực hiện các quy định về công tác tiếp công dân; tăng cường tiếp xúc, đối thoại và giải quyết kịp thời, chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật những kiến nghị, phản ánh của nhân dân ngay từ cơ sở; có kế hoạch giải quyết dứt điểm đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, nhất là những vụ việc gây bức xúc trong nhân dân. Kịp thời xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm dân chủ hoặc lợi dụng dân chủ để lôi kéo, kích động, gây mất an ninh trật tự.

Thứ tư, Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh, Đảng đoàn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Thanh niên lãnh đạo tăng cường giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách liên quan đến các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, nhất là ở các lĩnh vực như quy hoạch, triển khai dự án, quy trình giải quyết hồ sơ về đất đai, chính sách thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho nhân dân khi thu hồi đất... Thực hiện tham vấn, trưng cầu rộng rãi ý kiến nhân dân, tham gia phản biện xã hội có chất lượng trong quá trình xây dựng dự thảo các chủ trương, nghị quyết, chính sách để khi ban hành đảm bảo tính khả thi và sự đồng thuận cao trong nhân dân.  

Thứ năm, Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo thực hiện QCDC các cấp. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về công tác thực hiện QCDC ở cơ sở đối với từng loại hình và lĩnh vực mới; tăng cường, nâng cao chất lượng kiểm tra, phúc tra, giám sát việc thực hiện QCDC, chú ý những lĩnh vực nhạy cảm, liên quan đến tài chính, tài sản và quyền lợi của người dân. Phát huy tốt vai trò của Ban chấp hành Công đoàn và Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng trong thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Với tinh thần giữ vững và phát huy những kết quả đã đạt được, Hy vọng với sự quyết liệt trong chỉ đạo của các cấp ủy, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và đặc biệt là sự tham gia nhiệt tình, có trách nhiệm của Nhân dân, việc thực hiện QCDC tại tỉnh Bình Thuận sẽ tiếp tục đạt được nhiều kết quả tốt, phấn khởi hơn trong thời gian đến..

 


([1]) Công dân không viết; Chuyển giao Bưu điện thực hiện việc tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân trong thực hiện thủ tục hành chính; Hỗ trợ tổ chức, cá nhân hướng dẫn nộp hồ sơ trực tuyến tại Bộ phận “Một cửa” các cấp.

([2]) Tổng số TTHC cấp tỉnh 1.483, cấp huyện 332, cấp xã 165, các cơ quan khác 41.

([3]) Bao gồm công khai danh mục TTHC, quy trình, biểu mẫu; danh mục dịch vụ công trực tuyến và TTHC thực hiện qua dịch vụ bưu chính công ích


Các tin khác

 

TIN NỔI BẬT

SỐ LƯỢT TRUY CẬP