Cùng dự phiên họp, có đồng chí Nguyễn Hoài Anh – Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; đồng chí Đoàn Anh Dũng – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Tiêu Hồng Phúc - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh; đồng chí Phan Văn Đăng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh; đồng chí Phạm Văn Nam - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Phan Thiết; đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Phan Thiết và các sở, ngành liên quan của tỉnh.
Toàn cảnh khu vực Công viên Hùng Vương
Sau khi nghe báo cáo và ý kiến tham gia của các thành viên dự họp; đồng chí Bí thư Tỉnh ủy kết luận:
Quy hoạch chi tiết khu vực Công viên Hùng Vương nhằm tạo mảng xanh, khu vui chơi, giải trí phục vụ cộng đồng, là nơi để nghiên cứu về hệ sinh thái ngập nước gắn với tìm hiểu Bảo tàng tỉnh; tạo điểm nhấn cảnh quan cho thành phố Phan Thiết nói riêng và của tỉnh nói chung. Vì vậy, quy hoạch các hạng mục, công trình của công viên phải mang tính biểu tượng, thẩm mỹ, cần nghiên cứu sử dụng các loại vật liệu mới, thân thiện với môi trường, phù hợp với điều kiện khí hậu của địa phương để đảm bảo tính bền vững của công trình.
Về quy hoạch kè và đường ven sông: Phải gắn với quy hoạch bến thuyền, cần xây dựng đập tràn (để điều tiết, ngăn, giữ nước, đảm bảo nguồn nước ra, vào trong toàn khu vực). Theo đó, bố trí hệ thống đường giao thông đa dạng, gồm các tuyến đường dưới thấp (kết hợp với đường hiện hữu, đường làm mới dưới tán cây) tạo thuận lợi cho việc đi lại, kết nối với đường đi dọc tuyến kè tại các vị trí phù hợp, một số vị trí bố trí đường trên cao để thuận lợi cho du khách ngắm cảnh. Thiết kế hệ thống đường thủy, luồng lạch hợp lý, có thể di chuyển được bằng các loại thuyền nhỏ để du khách có nhiều trải nghiệm khi tham quan, đồng thời lưu ý kết hợp bố trí các cửa lấy nước ra, vào công viên. Bố trí bãi đậu xe phù hợp, phục vụ tốt người dân và du khách.
Về bố trí mặt bằng: Kết hợp giữa mặt bằng tự nhiên và cải tạo một số vị trí có cao độ, hình thù đẹp, tính toán một số khu vực ngập nước, ít có cây sinh sống để cải tạo thành một số hồ nước có hình dáng đặc trưng để tăng tính thẩm mỹ cho mặt bằng tổng thể toàn khu vực, tạo điểm nhấn khi nhìn từ trên cao xuống./.