Qua 02 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU, với sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị đã đạt được những kết quả tích cực. Có 05/14 chỉ tiêu cụ thể theo Nghị quyết số 10-NQ/TU đã đạt và vượt. Hạ tầng số được quan tâm đầu tư; hệ thống truyền dẫn cáp quang, mạng internet băng rộng, di động và cố định đã phủ đến 100% xã, phường, thị trấn; hoàn thành triển khai mở rộng phạm vi kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng đến cấp xã; cơ sở dữ liệu chuyên ngành từng bước được xây dựng, phát triển và đưa vào khai thác sử dụng phát huy hiệu quả; các hệ thống thông tin, nền tảng số được tập trung triển khai thực hiện và vận hành như: Ứng dụng công nghệ viễn thám, sử dụng ảnh vệ tinh phục vụ công tác quản lý, giám sát, khai thác tài nguyên khoáng sản; thông tin quy hoạch sử dụng đất và tra cứu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; hệ thống lưu, truyền hình ảnh y khoa (PACS) và hệ thống kết nối chẩn đoán hình ảnh (RIS) trong Bệnh viện Đa khoa tỉnh; đã triển khai sử dụng hệ thống thông tin quản lý ngành giáo dục (VN-edu) cho 746 trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông (đạt tỷ lệ 100%); số hóa quy trình triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Bình Thuận (OCOP); số hóa trên lĩnh vực văn hóa, du lịch;… Tỉnh cũng đã triển khai Trung tâm Điều hành đô thị thông minh thành phố Phan Thiết (IOC Phan Thiết), thí điểm vận hành Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh Bình Thuận (IOC Bình Thuận), ứng dụng CDS Bình Thuận trên các thiết bị di động thông minh (điện thoại di động, máy tính bảng)… cung cấp nhiều tiện ích cho người dân, tăng cường việc tương tác giữa chính quyền và người dân trên môi trường điện tử.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Hoài Anh, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định chuyển đổi số vừa là thách thức, vừa là cơ hội để tỉnh bứt phá, chuyển đổi toàn diện để vươn lên tầm cao mới trong quá trình tham gia vào cuộc cách mạnh công nghiệp 4.0. Để kịp thời nắm bắt cơ hội đưa tỉnh Bình Thuận tăng tốc, phát triển nhanh, bền vững và góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV cũng như Nghị quyết số 10-NQ/TU đã đề ra, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị các cấp, ngành, địa phương, đơn vị cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chuyển đổi tư duy số, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, người dân và doanh nghiệp về tính cấp thiết của chuyển đổi số. Đặc biệt là phải biết vận động, khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, triển khai kịp thời các cơ chế, chính sách của Chính phủ, của tỉnh nhằm khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp chuyển đổi số. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp, người lao động, người dân về chuyển đổi số. Kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin hiện có; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu để đội ngũ này trở thành các chuyên gia, cán bộ kỹ thuật nòng cốt, tham mưu, giúp cho cấp ủy, chính quyền các cấp về chuyển đổi số.