Dự kiến năm học 2018 – 2019, toàn tỉnh có trên 200 học sinh thuộc đối tượng được hỗ trợ với tổng số trên 27.000 kg gạo (mỗi học sinh được hỗ trợ mỗi tháng 15 kg gạo và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh).
Được biết, điều kiện để học sinh hưởng chính sách hỗ trợ được quy định khá rõ tại Nghị định số 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, đối với học sinh tiểu học và trung học cơ sở phải bảo đảm một trong các điều kiện như: là học sinh bán trú đang học tại trường phổ thông dân tộc bán trú; là học sinh mà bản thân và bố, mẹ hoặc người giám hộ có hộ khẩu thường trú tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn đang học tại các trường tiểu học, trung học cơ sở thuộc xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; là học sinh mà bản thân và bố, mẹ hoặc người giám hộ có hộ khẩu thường trú tại xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi đang học tại các trường tiểu học, trung học cơ sở thuộc xã khu vực II vùng dân tộc và miền núi... Đối với học sinh trung học phổ thông là người dân tộc thiểu số, phải bảo đảm các điều kiện như: đang học tại trường trung học phổ thông; là học sinh mà bản thân và bố, mẹ hoặc người giám hộ có hộ khẩu thường trú tại xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo….
Việc thực hiện chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh ở xã, thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã góp phần giảm bớt một phần gánh nặng về kinh tế cho các gia đình, tạo điều kiện thuận lợi cho các em được tiếp tục học tập, giúp cho các trường học duy trì tỷ lệ học sinh đến lớp. Đồng thời qua đó giúp cho các địa phương thực hiện tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội, ổn định đời sống dân cư vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.