Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm tại tỉnh Bình Thuận đến năm 2030 với mục tiêu:
Giai đoạn 2023 – 2025 tổ chức thực hiện thí điểm kinh tế ban đêm tại địa bàn thành phố Phan Thiết trên tinh thần vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Khuyến khích trong giai đoạn 2024 - 2025, nghiên cứu tổ chức thí điểm kinh tế ban đêm tại Phú Quý. Trên cơ sở đó, tiến hành sơ kết mô hình thí điểm tại các địa phương thực hiện kinh tế ban đêm trong giai đoạn 2023 - 2025.
Giai đoạn 2026 – 2030, trên cơ sở kết quả thí điểm phát triển kinh tế ban đêm giai đoạn 2023 - 2025, hoàn thành định hướng, mô hình phát triển kinh tế ban đêm của tỉnh, tập trung phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn thành phố Phan Thiết; cho phép các địa phương khác chủ động nghiên cứu, tổ chức triển khai trong giai đoạn 2026 - 2030 hoặc sớm hơn theo nguyên tắc đảm bảo tính khả thi, hiệu quả, đáp ứng đầy đủ các điều kiện để phát triển kinh tế ban đêm và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Trong giai đoạn đến 2025, thực hiện thí điểm phát triển mô hình dịch vụ, sản phẩm phục vụ phát triển kinh tế ban đêm dọc hai bên đường Nguyễn Đình Chiểu (từ Khu du lịch Cà Ty đến Khu du lịch Sài Gòn - Mũi Né), phường Hàm Tiến. Trong đó sẽ tổ chức, sắp xếp các chuỗi hoạt động phục vụ kinh tế ban đêm có sự quản lý của cơ quan nhà nước như: Các loại hình quán ăn đêm, bar, pub, karaoke, điểm biểu diễn văn hóa, văn nghệ, điểm vui chơi về đêm, phố đêm, phố đi bộ… để phục vụ tối đa nhu cầu của du khách, nhất là du khách nước ngoài; đồng thời, quy hoạch các tuyến đường giao thông kết nối, bãi đỗ xe phù hợp và tổ chức các sự kiện văn hóa, nghệ thuật để thu hút du khách. Trước mắt, có thể tổ chức thí điểm mô hình kinh tế ban đêm ở khu vực này vào các ngày cuối tuần (từ tối thứ sáu đến đêm chủ nhật).
Nghiên cứu thí điểm tổ chức các hoạt động kinh tế ban đêm tại một số khu du lịch, nghỉ dưỡng trọng điểm đáp ứng đủ điều kiện trên địa bàn tỉnh như Tổ hợp khu du lịch Thung Lũng Đại Dương (xã Tiến Thành, thành phố Phan Thiết); Tổ hợp du lịch Summer Land (phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết)…
Định hướng về sản phẩm, dịch vụ phục vụ phát triển kinh tế ban đêm bao gồm các hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật; hoạt động thể thao, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp; hoạt động mua sắm, giải trí đêm; hoạt động tham quan du lịch đêm (tham quan, giải trí, các tour tham quan thưởng ngoạn thành phố về đêm, tìm hiểu di tích lịch sử, văn hóa, công trình nghệ thuật, bảo tàng, điểm văn hóa lịch sử,...); hoạt động giới thiệu văn hóa ẩm thực, dịch vụ ăn uống về đêm.
UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan căn cứ những nhiệm vụ được phân công chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện trong quá trình triển khai mô hình thí điểm kinh tế ban đêm.
Được biết, trong quá trình xây dựng Đề án phát triển kinh tế ban đêm tỉnh Bình Thuận đến năm 2030, Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu nội dung Đề án cần có trọng tâm, trọng điểm để các địa phương triển khai thực hiện. Không nhất thiết khu vực phát triển kinh tế ban đêm phải có đầy đủ các dịch vụ vui chơi, giải trí, ăn uống, mua sắm, tham quan du lịch về đêm. Đồng thời, căn cứ tình hình thực tế, các địa phương có thể chọn địa điểm để triển khai mô hình thí điểm phát triển kinh tế ban đêm gắn với tăng cường tổ chức các sự kiện văn hóa để thu hút người dân, du khách đi dự sự kiện kết hợp mua sắm, ăn uống, tham quan. Cần có cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển kinh tế ban đêm tại các cơ sở du lịch có điều kiện, năng lực cùng tham gia triển khai thực hiện…