Qua 10 năm thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 48-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cấp ủy, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã có nhiều cố gắng, nỗ lực triển khai thực hiện công tác giám sát và phản biện xã hội, nổi rõ là: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh đã tổ chức 10.887 cuộc giám sát đối với các tổ chức, cá nhân; tổ chức 793 hội nghị phản biện đối với các chương trình, dự án, đề án phát triển kinh tế - xã hội và các chương trình, chính sách do các cơ quan, đơn vị dự thảo trước khi trình cơ quan có thẩm quyền ban hành. Việc xem xét, giải quyết các ý kiến góp ý, kiến nghị sau giám sát được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện; các ý kiến góp ý, phản biện đều được nghiên cứu, tiếp thu hoặc có báo cáo giải trình cụ thể. Các ý kiến, kiến nghị liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân được quan tâm giải quyết, nhờ đó mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân được tăng cường.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh, việc thực hiện giám sát, phản biện xã hội mang lại lợi ích rất lớn cho đối tượng được giám sát, phản biện, cũng như phát huy tốt việc thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội hơn nữa, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục tăng cường công tác giám sát và phản biện xã hội, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp. Việc chọn chủ đề, giao nhiệm vụ và tổ chức thực hiện giám sát, phản biện xã hội phải khoa học, sát với tình hình thực tiễn của đơn vị, địa phương; từ đó, đưa hoạt động giám sát và phản biện xã hội đi vào thực chất, tránh hình thức. Các cơ quan, đơn vị có liên quan cần phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện giám sát, phản biện xã hội. Các cấp ủy, chính quyền, cơ quan chủ quản các cơ quan, đơn vị, địa phương được giám sát quan tâm chỉ đạo, chấn chỉnh kịp thời việc không thực hiện nghiêm túc các kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội sau giám sát và phản biện xã hội; đồng thời, quan tâm bố trí kinh phí để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp thực hiện việc giám sát, phản biện xã hội theo quy định./.