Hiện nay, toàn tỉnh có 7.824 tàu cá có chiều dài từ 6 mét trở lên. Trong đó, có 5.940 tàu thực hiện việc đăng ký và được cập nhật vào Sổ đăng ký tàu cá quốc gia (đạt tỷ lệ 75,9%); hiện còn 1.884 tàu chưa đăng ký đang được phân loại, xây dựng phương án quản lý, đăng ký theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Có 1.944 tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên đang hoạt động đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình - VMS theo quy định (đạt tỷ lệ 100%); số tàu cá còn lại chưa lắp đặt VMS do ngừng hoạt động đang được kiểm soát chặt chẽ. Tỉnh đã cấp giấy phép khai thác thủy sản cho 5.178 tàu cá đã đăng ký có chiều dài từ 6 mét trở lên (đạt tỷ lệ 87,2%); còn 762 tàu cá chưa có giấy phép khai thác hoặc giấy phép hết hạn đang được các lực lượng chức năng thông báo cho từng chủ tàu, yêu cầu không cho xuất bến. Việc kiểm soát tàu cá ra vào cảng bốc dỡ sản phẩm, giám sát sản lượng hải sản đánh bắt tại các bến được chú trọng. Từ đầu năm 2023 đến nay, Ban Quản lý các cảng cá của tỉnh đã thống kê được 15.420 lượt tàu cập cảng và 15.846 lượt tàu rời cảng, sản lượng hải sản bốc dỡ được giám sát đạt 45.239 tấn; các thuyền trưởng, chủ tàu đã nộp 6.891 lượt sổ nhật ký khai thác thủy sản (đạt tỷ lệ 66,7%)...
Các lực lượng chức năng (Kiểm ngư, Biên phòng) của tỉnh đã phối hợp chặt chẽ, kịp thời xử lý tàu cá vi phạm Luật Thủy sản 2017 và không theo quy định IUU. Từ đầu năm 2023 đến nay, Chi cục Thủy sản tỉnh đã xử phạt 320 vụ với số tiền gần 3 tỷ đồng. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã xử lý 140 trường hợp với số tiền phạt trên 500 triệu đồng. Bên cạnh đó, mặc dù các lực lượng chức năng của tỉnh thường xuyên theo dõi, giám sát chặt chẽ nhóm tàu cá có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài; đồng thời, tổ chức kiểm điểm, xử lý nghiêm người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương để tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, nhưng trên thực tế tình trạng tàu cá Bình Thuận vi phạm vùng biển nước ngoài, tàu cá mất kết nối trên biển, mất kết nối trong bờ vẫn còn xảy ra. Năm 2022, tỉnh có 04 tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài; trong đó đã xử phạt vi phạm hành chính 02 chủ tàu với số tiền 1 tỷ 800 triệu đồng (900 triệu đồng/tàu); hiện lực lượng chức năng của tỉnh đang điều tra chứng cứ, lập hồ sơ xử lý đối với 02 tàu cá còn lại. Đầu năm 2023, có 01 tàu cá của tỉnh bị Malaysia bắt giữ, qua việc lập hồ sơ xử lý cho thấy tàu cá này có chiều dài 14,85 mét (không lắp đặt thiết bị giám sát VMS) nên hành trình, vị trí tàu cá khi bị Malaysia bắt giữ không được cập nhật theo dõi trên hệ thống Giám sát tàu cá quốc gia; hiện thuyền trưởng, thuyền viên trên tàu đang bị Malaysia bắt giữ. Các trường hợp vi phạm khai thác IUU đã được cập nhật đẩy đủ lên hệ thống Cơ sở dữ liệu của Cục Kiểm ngư.
Ngoài ra, công tác quản lý tàu cá của tỉnh vẫn còn khó khăn. Tình trạng vi phạm quy định Luật Thủy sản 2017 như chủ tàu không đăng ký hoặc không đăng ký lại, không có giấy phép; không khai báo khi ra vào cảng cá, không ghi, không nộp sổ nhật ký khai thác; không duy trì hoạt động thiết bị giám sát trên biển vẫn còn nhiều. Mặt khác, việc giám sát sản lượng hải sản bốc dỡ tại điểm tập kết vùng bãi ngang gặp nhiều khó khăn do điều kiện hạ tầng, thiếu nhân lực theo dõi, thống kê, kiểm soát.
Trong thời gian tới, để cùng với cả nước nỗ lực gỡ “thẻ vàng” cho ngành thủy sản, tỉnh Bình Thuận sẽ tiếp tục tập trung thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tổ chức thực hiện tốt việc tuần tra, kiểm tra, tăng cường xử lý vi phạm. Một trong những giải pháp căn cơ, đóng vai trò quyết định đó chính là nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành Luật Thủy sản 2017 và quy định về chống khai thác IUU. Kiên quyết ngăn chặn không để tàu cá trong tỉnh vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; thường xuyên rà soát, thống kê đưa vào quản lý, theo dõi đặc biệt các tàu cá có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài và theo dõi, quản lý chặt chẽ thuyền trưởng, ngư dân từng vi phạm khai thác trái phép bị nước ngoài thả về để kịp thời phát hiện, ngăn chặn tái phạm; tiếp tục điều tra, xác minh, xử lý các tàu cá vi phạm bị nước ngoài bắt giữ và các tổ chức, cá nhân có hành vi môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài theo quy định. Tăng cường năng lực của đội tàu kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá. Kiểm soát 24/24 giờ đối với tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên đã lắp đặt thiết bị VMS trên hệ thống giám sát tàu cá; thông báo, nhắc nhở chủ tàu kịp thời khắc phục sự cố mất kết nối tín hiệu VMS khi hoạt động trên biển; giám sát chặt chẽ số tàu cá nằm bờ chưa lắp đặt VMS, cương quyết không cho xuất bến ra khơi hoạt động. Tăng cường kiểm soát IUU tại cảng cá, bến cá; đảm bảo truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác phục vụ chế biến xuất khẩu.
Mới đây, để quyết tâm gỡ “thẻ vàng” tại đợt thanh tra lần thứ 4 của EC diễn ra từ ngày 10 đến ngày 18/10/2023 tại Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã yêu cầu tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm chống khai thác IUU. Theo đó, các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương có biển đảm bảo nguồn lực, kinh phí khẩn trương hoàn thành việc khắc phục các tồn tại, hạn chế; chuẩn bị nội dung và các điều kiện tốt nhất để đón và làm việc với Đoàn Thanh tra EC lần thứ 4. Tuyệt đối không lơ là, chủ quan, không dung túng, kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vì lợi ích riêng cố tình thực hiện hành vi trái phép làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc, hình ảnh của đất nước trên trường quốc tế. Trong quá trình Đoàn Thanh tra EC công tác tại Việt Nam, tận dụng mọi cơ hội giải thích, chứng minh cho Đoàn Thanh tra EC hiểu, nắm được hoàn cảnh, điều kiện của ngành thủy sản Việt Nam, quyết tâm của Chính phủ, nỗ lực của các cơ quan liên quan của Việt Nam trong chống khai thác IUU để trên cơ sở đó Đoàn có ý kiến ủng hộ gỡ cảnh báo “thẻ vàng” tại đợt thanh tra lần này. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc trung ương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đúng quy định pháp luật trong công tác quản lý tàu cá, đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác và thực thi pháp luật, xử lý vi phạm…
Từ khi EC đưa ra cảnh báo “thẻ vàng” đối với thủy sản của Việt Nam, việc xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU bị ảnh hưởng, nếu để chuyển sang “thẻ đỏ” thì nguy cơ mất thị trường EU là rất cao. Thời gian từ nay đến khi Đoàn Thanh tra EC lần thứ 4 vào Việt Nam không còn nhiều, hy vọng với sự quyết tâm của các lực lượng chức năng và sự đồng thuận của bà con ngư dân trên địa bàn tỉnh trong việc thực hiện các giải pháp chống khai thác IUU, Bình Thuận sẽ chung tay cùng với các địa phương trong cả nước tháo gỡ “thẻ vàng” EC để góp phần đưa ngành thủy sản Việt Nam phát triển bền vững.