Theo báo cáo của Ban Thường vụ Huyện ủy Tuy Phong, hai năm rưỡi qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện đã nỗ lực, phấn đấu triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đạt được những kết quả tích cực. Kinh tế của huyện phục hồi nhanh sau đại dịch Covid - 19. Cơ cấu kinh tế chuyến dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng giá trị sản xuất ngành công nghiệp. Thu ngân sách hàng năm tăng, vượt chỉ tiêu đề ra (trong đó, năm 2021 thu trên 300 tỷ đồng, vượt 61,8% dự toán; năm 2022 thu gần 370 tỷ đồng, vượt 70,6% dự toán; 9 tháng năm 2023 thu 239 tỷ đồng, đạt 77,1% dự toán). Đến nay, trên địa bàn huyện có 159 dự án công nghiệp, thương mại, du lịch, nông nghiệp đã đi vào hoạt động, 21 dự án đang triển khai và 19 dự án chưa triển khai. Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng, khoáng sản, giám sát môi trường được quan tâm chỉ đạo. Chất lượng giáo dục - đào tạo tiếp tục được nâng lên; công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là dịch Covid-19 đạt kết quả tốt. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đạt kết quả khá toàn diện. Triển khai thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, kết luận của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Kết nạp đảng viên hàng năm đạt chỉ tiêu tỉnh giao. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên tiếp tục được nâng lên; tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức chuyển biến tích cực hơn.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã phân tích, làm rõ thêm những kết quả sau hai năm rưỡi thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ IX, nhiệm kỳ 2020 – 2025 mà huyện Tuy Phong đã làm được. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng chỉ ra những khó khăn, hạn chế cần khắc phục và những tiềm năng mà huyện cần quan tâm đầu tư, phát huy trong thời gian đến.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Dương Văn An - Bí thư Tỉnh ủy cho rằng kinh tế của huyện phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; tiến độ triển khai các dự án công nghiệp trên địa bàn còn chậm. Lĩnh vực nông nghiệp chưa có sự bứt phá. Du lịch, dịch vụ phát triển chưa có sự gia tăng cao, chưa chú trọng gắn với bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch. Tình trạng xả rác bừa bãi tại các khu dân cư, bến cá, cửa sông, cửa biển, khu neo đậu tàu thuyền... còn diễn ra khá phổ biến, gây ô nhiễm môi trường, cảnh quan. An ninh, trật tự có lúc, có nơi chưa tốt, còn tiềm ẩn nguy cơ phức tạp tại địa phương.
Về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Ban Thường vụ Huyện ủy Tuy Phong tập trung lãnh đạo phát huy các tiềm năng, lợi thế để phát triển 3 trụ cột kinh tế về Công nghiệp, Du lịch - dịch vụ, Nông nghiệp. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, các khu dân cư, các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn. Tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các dự án chế biến thủy sản, chế biến sản phẩm nông nghiệp để tạo ra giá trị gia tăng cao. Hỗ trợ tháo gỡ khó khăn các dự án du lịch để sớm đưa vào hoạt động; đồng thời, kiến nghị tỉnh thu hồi các dự án không triển khai hoặc chậm triển khai. Làm tốt công tác vệ sinh môi trường; tăng cường bảo vệ, giữ gìn cảnh quan tại các khu, điểm du lịch, nhất là khu vực Chùa Hang; bãi đá bảy màu, bãi rêu Bình Thạnh; đồi dương Hòa Minh; phối hợp khai thác hiệu quả đảo Cù Lao Câu; đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ các cơ sở lưu trú, đa dạng hóa sản phẩm, các loại hình dịch vụ phục vụ du khách. Giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, di tích lịch sử - văn hóa, lễ hội, làng nghề truyền thống gắn với du lịch văn hóa. Nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, quan tâm đầu tư các thiết chế văn hóa.
Về công tác xây dựng Đảng và công tác dân vận, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị huyện cần tập trung chỉ đạo xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật, khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh làm không đến nơi, đến chốn của một số cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Tăng cường công tác dân vận để xử lý có hiệu quả các vấn đề liên quan đến tôn giáo, dân tộc, ô nhiễm môi trường; không để các đối tượng lợi dụng để kích động tập trung khiếu kiện, khiếu nại đông người, gây rối làm mất an ninh trật tự tại địa phương. Lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội huyện đổi mới nội dung và phương thức hoạt động theo hướng sâu sát cơ sở; đồng thời, thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.