Những năm gần đây, tàu cá và ngư dân Việt Nam, trong đó có ngư dân trong tỉnh, xâm phạm vùng biển nước ngoài để khai thác, thu mua hải sản trái phép, bị nước ngoài bắt giữ, xử lý có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Tình trạng này, một mặt gây thiệt hại cho chính ngư dân do tài sản bị tịch thu, đánh chìm, người lao động bị phạt tiền, thậm chí bị phạt tù, ảnh hưởng đời sống, sinh kế của nhiều gia đình lao động biển. Mặt khác, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của quốc gia trên trường quốc tế, tác động xấu đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào thị trường thế giới. Mặc dù, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và cấp ủy, chính quyền địa phương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp để ngăn chặn hoạt động đánh bắt hải sản bất hợp pháp tại vùng biển các nước, song vẫn chưa chấm dứt triệt để tình trạng này. Đặc biệt, ngày 23/10/2017, Ủy ban Châu Âu đã áp dụng biện pháp cảnh báo đối với sản phẩm khai thác của Việt Nam xuất khẩu vào Châu Âu (thẻ vàng), đây là nguy cơ rất lớn có thể dẫn tới đánh mất thị trường xuất khẩu thủy sản của cả nước và của tỉnh.
Nhằm thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 732/CĐ-TTg, ngày 28/5/2017 về ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tàu cá, ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài và Chỉ thị số 45/CT-TTg, ngày 13/12/2017 về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU); Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội và các cơ quan, ban, ngành tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
Nhiệm vụ, giải pháp cấp bách trước mắt
Ban Cán sự đảng UBND tỉnh, các huyện, thị, thành ủy vùng biển khẩn trương tổ chức kiểm điểm đánh giá tình hình kết quả thực hiện Công điện 732/CĐ-TTg, ngày 28/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ, chỉ rõ những kết quả đạt được, những hạn chế yếu kém, đề ra giải pháp khắc phục trong công tác quản lý, ngăn chặn, xử lý tàu cá và ngư dân vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, chú ý kiểm điểm sâu kỹ các địa phương có nhiều tàu cá và ngư dân bị nước ngoài bắt giữ trong thời gian qua như thị xã La Gi và huyện Phú Quý; tổ chức kiểm điểm, phê phán chủ tàu, thuyền trưởng vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp trước cộng đồng ngư dân địa phương, công khai danh sách tàu cá vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Ban Cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh triển khai ngay việc xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện Chỉ thị số 45/CT-TTg, ngày 13/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ theo phương châm huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, gồm cấp ủy, chính quyền địa phương, các ngành chức năng, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân trong tỉnh đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài trước ngày 30/4/2018.
Từng cấp ủy, chính quyền các địa phương vùng biển đưa mục tiêu, nhiệm vụ ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân trong tỉnh khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài vào nghị quyết của cấp ủy, kế hoạch của chính quyền năm 2018; xác định rõ đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, cần tập trung chỉ đạo quyết liệt. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các địa phương, các ngành và các cơ quan chức năng liên quan phải chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh nếu để tình trạng tàu cá, ngư dân trên địa bàn quản lý tiếp tục vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác bất hợp pháp sau ngày 30/4/2018.
Cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành chức năng, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội quán triệt, nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng và tính cấp bách của Công điện số 732/CĐ-TTg, ngày 28/5/2017 và Chỉ thị số 45/CT-TTg, ngày 13/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở đó, đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền giáo dục ngư dân; xác định rõ đối tượng chính của công tác tuyên truyền giáo dục là chủ tàu, thuyền trưởng tàu cá xa bờ để tập trung tuyên truyền, giáo dục bằng nhiều hình thức, tạo sự chuyển biến mạnh về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, cam kết không vi phạm khai thác bất hợp pháp vùng biển nước ngoài. Phải làm cho ngư dân hiểu, việc này trước tiên vì sự an toàn trong sản xuất, đời sống và sinh kế của chính ngư dân, đồng thời cùng cả nước thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu nhằm sớm gỡ bỏ cảnh báo (thẻ vàng) đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
Từ nay trở đi, nếu phát hiện chủ tàu, thuyền trưởng có hành vi đưa tàu cá, ngư dân khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài, các cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật, tước quyền sử dụng giấy phép khai thác vĩnh viễn; kiên quyết điều tra, xử lý hình sự đối với chủ tàu, thuyền trưởng tái phạm.
Đảng ủy Công an tỉnh phối hợp Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo khẩn trương điều tra các trường hợp tàu cá và ngư dân trong tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xác minh làm rõ có hay không các đường dây móc nối đưa tàu cá và ngư dân trong tỉnh sang vùng biển nước ngoài đánh bắt bất hợp pháp; nếu phát hiện phải kịp thời báo cáo, phối hợp các cơ quan Trung ương điều tra, đấu tranh, triệt phá, xử lý truy tố theo pháp luật; đồng thời cảnh báo cho ngư dân biết đề phòng và tố giác các trường hợp móc nối bất hợp pháp.
UBND tỉnh chỉ đạo, bổ sung kiện toàn Tổ công tác tỉnh chống đánh bắt hải sản bất hợp pháp vùng biển nước ngoài với đầy đủ thành phần sở, ngành, lực lượng chức năng, các đoàn thể có liên quan tham gia, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên đảm bảo thực hiện có hiệu lực, hiệu quả nhiệm vụ được giao. Thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo cho Trung ương theo quy định.
Trước ngày 15/7/2018, Ban Cán sự đảng UBND tỉnh, ban thường vụ cấp ủy các địa phương vùng biển báo cáo tình hình triển khai và kết quả thực hiện Chỉ thị số 45/CT-TTg, ngày 13/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về Ban Thường vụ Tỉnh ủy để xem xét, chỉ đạo.
Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách đối với ngư dân khai thác vùng biển xa gắn với tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về tàu cá và ngư dân
UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành chức năng thực hiện có hiệu quả Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg, ngày 13/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ hải sản trên các vùng biển xa và các chính sách hỗ trợ khác có liên quan bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng nhằm động viên, khuyến khích ngư dân an tâm bám biển sản xuất, kết hợp bảo vệ chủ quyền biển đảo; đồng thời, thực hiện nghiêm chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ không vi phạm khai thác bất hợp pháp vùng biển nước ngoài. Chỉ đạo cơ quan chức năng hướng dẫn ngư dân đánh bắt hải sản tại vùng biển chồng lấn với các nước theo khuyến cáo và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Khi có tàu cá và ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Tổ công tác liên ngành 689 của tỉnh kịp thời nắm bắt thông tin chính xác để phối hợp với Tổ công tác liên ngành 689 Trung ương đấu tranh theo đường ngoại giao, bảo hộ quyền công dân Việt Nam theo quy định của luật pháp quốc tế mà nước ta đã ký kết với các nước.
Các cơ quan chức năng phối hợp chính quyền các địa phương tăng cường quản lý chặt chẽ tàu cá và thuyền viên hoạt động trên biển; tổ chức tốt hệ thống thông tin liên lạc giữa tàu và bờ, xử lý kịp thời các thông tin sự cố trên biển; buộc các tàu khai thác xa bờ phải trang bị đủ 100% máy thông tin liên lạc tầm xa có tích hợp thiết bị hệ thống định vị vệ tinh (GPS) để giám sát hành trình trên biển; tiến hành lập danh sách các nhóm tàu cá có nguy cơ cao về vi phạm vùng biển nước ngoài (như tàu làm nghề câu khơi, lặn và thu mua hải sản) để quản lý và theo dõi chặt chẽ khi tàu xuất nhập bến.
UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng kiểm tra, đánh giá tình hình hoạt động và hiệu quả của tàu các được đóng mới và nâng cấp theo chính sách phát triển thủy sản của Chính phủ làm cơ sở điều chỉnh cơ cấu thuyền nghề đóng mới phát triển từ nguồn vốn vay theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, ngày 07/7/2014 của Chính phủ cho phù hợp; chỉ đạo quản lý chặt chẽ hoạt động đóng mới tàu cá theo quy định của pháp luật; thực hiện khuyến cáo của Tổ công tác liên ngành 689 Trung ương, không phát triển thêm tàu cá thuộc nhóm có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài (câu khơi, nghề lặn); không hỗ trợ, cho vay đóng mới tàu dịch vụ chuyên cung ứng nhiên liệu trên biển.
Các ngành chức năng của tỉnh cần chủ động, tích cực phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong đàm phán hợp tác đánh cá với các nước, tạo điều kiện cho ngư dân trong tỉnh khai thác hợp pháp theo chương trình hợp tác được ký kết giữa Việt Nam với các nước.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tiếp tục phối hợp với Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển vùng 3 tổ chức tuyên truyền về biển, đảo cho ngư dân, nhất là các địa phương có biển…
Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Ban Cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch chi tiết thực hiện có hiệu quả Chỉ thị này trong năm 2018 và những năm tiếp theo. Chỉ đạo các ngành chức năng nghiên cứu, tham mưu, đề xuất các chủ trương, cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về tàu cá và ngư dân hoạt động trên biển. Cấp ủy, chính quyền các địa phương có biển, Đảng ủy Công an tỉnh, Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt nội dung Chỉ thị. Mặt trận, các đoàn thể tỉnh, Báo Bình Thuận, Đài Phát thanh Truyền hình, Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh, Đảng ủy khối Doanh nghiệp tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, hội viên, đoàn viên. Ban Nội chính Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh theo dõi, đôn đốc việc tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị này; định kỳ hàng quý, 6 tháng báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo dõi, chỉ đạo. Cuối năm 2018, tổ chức sơ kết, đánh giá việc thực hiện Chỉ thị này.