TIN MỚI NHẤT

BÌNH THUẬN: TIẾP TỤC NÂNG CAO NĂNG LỰC LÃNH ĐẠO, SỨC CHIẾN ĐẤU CỦA TỔ CHỨC CƠ SỞ ĐẢNG VÀ CHẤT LƯỢNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN

Tính đến tháng 6/2017, toàn Đảng bộ tỉnh Bình Thuận có 515 tổ chức cơ sở đảng, trong đó có 242 đảng bộ và 273 chi bộ cơ sở với tổng số 32.289 đảng viên. Qua 10 năm triển khai thực hiện Chương trình hành động số 15-NQ/TU, ngày 17/4/2008 của Tỉnh ủy (khóa XI) thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 30/01/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về “nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên”; cấp ủy các cấp trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã có nhiều cố gắng, nỗ lực triển khai thực hiện đạt kết quả tích cực.

Đại hội Đảng bộ xã Sông Phan, huyện Hàm Tân, nhiệm kỳ 2010 - 2015 (Ảnh: Minh Hòa)

Kết quả đạt được

Có thể nói, qua 10 năm thực hiện Chương trình hành động số 15-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa XI); nhìn chung, các cấp ủy đã phổ biến đầy đủ, kịp thời các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh; tỷ lệ cán bộ, đảng viên tham gia học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng đạt hơn 95%. Việc cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị của cấp ủy cấp trên sát hơn với tình hình của địa phương, đơn vị. Chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác và lề lối làm việc của cấp ủy ở cơ sở được phân định rõ hơn. Tổ chức đảng đã phát huy tốt vai trò hạt nhân lãnh đạo hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở; qua đó, hoạt động của chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội có chuyển biến tiến bộ, hiệu lực, hiệu quả cao hơn, nhất là trong việc lãnh đạo, cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng.

Chất lượng, trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị của cấp ủy ngày càng được nâng lên. Quá trình lãnh đạo, điều hành, các cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy ngày càng chú ý chỉ đạo giải quyết, khắc phục những tồn tại, hạn chế, những vấn đề phát sinh, thể hiện được trách nhiệm, vai trò gương mẫu trong thực hiện nghị quyết, kế hoạch đề ra. Các mặt công tác xây dựng Đảng về tư tưởng, tổ chức, vận động quần chúng và kiểm tra, giám sát đều được cấp ủy, chi bộ quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện thường xuyên và đạt được những kết quả tích cực trên các mặt.

Công tác quản lý, kiểm tra, giám sát đảng viên ngày càng chặt chẽ hơn; qua đó, kịp thời nhắc nhở, ngăn chặn, xử lý nghiêm các đảng viên có dấu hiệu vi phạm, từng bước nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên trong việc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị; nhiều chi bộ, đảng bộ cơ sở 10 năm liên tục không có đảng viên vi phạm kỷ luật. Các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng tiếp tục được giữ vững.

Công tác tạo nguồn, kết nạp đảng viên mới tiếp tục được quan tâm, vượt mức chỉ tiêu đề ra; bình quân hàng năm kết nạp được 1.576 đảng viên; từ sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020, bình quân đạt 2000 đảng viên mới/năm; chất lượng đảng viên mới được nâng lên, nhất là về trình độ chuyên môn. Nhiều chi bộ, đảng bộ cơ sở sau 10 năm, số đảng viên tăng gấp đôi. Trước khi có Chương trình hành động số 15-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa XI), trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có nhiều cơ sở trường học, trạm y tế, địa bàn dân cư chưa có đảng viên, chưa có tổ chức đảng; đến nay, tình trạng này chỉ còn ở một vài nơi.

Chất lượng sinh hoạt chi bộ được nâng lên; nhiều Đảng bộ đã xây dựng Đề án nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và đã chỉ đạo chặt chẽ, thường xuyên theo dõi việc triển khai thực hiện. Chất lượng tổ chức cơ sở đảng tiếp tục được giữ vững, tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên bình quân chiếm 70%.

Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có chuyển biến; chăm lo đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, kỹ năng công tác cho đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên luôn được các cấp ủy trực thuộc chỉ đạo kịp thời, hiệu quả. Đến nhiệm kỳ 2015 - 2020, đối với cấp ủy cơ sở: Trình độ chuyên môn đại học trở lên có 2.699 người, chiếm 75,28% (tăng 26,67% so nhiệm kỳ 2005 - 2010); trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên có 2.895 người, chiếm 80,75% (tăng 15,81% so nhiệm kỳ 2005 - 2010); đối với cấp ủy trực thuộc tỉnh: Trình độ chuyên môn đại học trở lên có 500 người, chiếm  97,66% (tăng 14,85% so nhiệm kỳ 2005 - 2010), trình độ lý luận chính trị cao cấp có 412 người, chiếm 80,46% (tăng 19,73% so nhiệm kỳ 2005 - 2010).

Từ đó, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên không ngừng được nâng lên, tổ chức đảng ngày càng mạnh hơn, phát huy ngày càng tốt hơn vai trò “hạt nhân chính trị” ở cơ sở.

Khó khăn, hạn chế

Thực tiễn 10 năm thực hiện Chương trình hành động số 15-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa XI) trên địa bàn tỉnh Bình Thuận cho thấy bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế: Năng lực của không ít cấp ủy cơ sở còn yếu, nhất là năng lực cụ thể hóa chỉ thị, nghị quyết của cấp trên; một số chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước chậm được triển khai, thực hiện không đầy đủ, chưa đến với đông đảo quần chúng nhân dân. Một số cấp ủy vẫn còn bao biện, làm thay hoặc buông lỏng lãnh đạo đối với hoạt động của chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội cùng cấp. Vai trò lãnh đạo của chi bộ ở nhiều nơi chưa được phát huy đúng mức; chất lượng sinh hoạt chi bộ vẫn là vấn đề đáng quan tâm. Một số nơi vì thành tích nên đã bao che sai phạm hoặc xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm không đúng với tính chất sai phạm. Công tác phát triển đảng viên ở địa bàn dân cư, trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước còn nhiều khó khăn; nhiều chi bộ thôn, khu phố không phát triển được đảng viên mới trong 2 - 3 năm liền; nhiều chi bộ thôn, khu phố số lượng đảng viên ít (dưới 9 đảng viên) và đa số là đảng viên hưu trí; công tác quản lý đảng viên, phân công nhiệm vụ cho đảng viên có nơi còn khó khăn, lúng túng, làm hạn chế vai trò tiền phong, gương mẫu của người đảng viên. Chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên nâng lên chưa đều, vẫn còn tình trạng đào tạo chưa gắn với quy hoạch; hiệu quả đào tạo chưa cao, bố trí sử dụng cán bộ sau đào tạo có trường hợp còn bất cập; một số cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ lãnh đạo, quản lý thiếu tu dưỡng về đạo đức cách mạng, ý thức tổ chức kỷ luật kém dẫn đến vi phạm, phải xử lý kỷ luật.

Nhiệm vụ và giải pháp đặt ra

Trước hết, tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức của cấp ủy các cấp, của đảng viên về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng, việc nâng cao nâng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng; xem đây là trách nhiệm chung của tất cả đảng viên chứ không phải của riêng cấp ủy và bí thư cấp ủy.

Hai là, cấp ủy các cấp bám sát yêu cầu, mục tiêu và giải pháp thực hiện được nêu trong Chương trình hành động số 15-NQ/TU cũng như kế hoạch, chương trình hành động của cấp trên và cấp mình để tập trung triển khai thực hiện đạt hiệu quả; trong đó, cần đặc biệt chú ý các giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 04-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII); xem đây là trọng tâm của công tác xây dựng Đảng; đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào sinh hoạt chi bộ định kỳ, trở thành việc làm thường xuyên của mỗi cán bộ, đảng viên; từ đó không ngừng tu dưỡng đạo đức cách mạng, kiên quyết chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt hơn trong việc đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt chi bộ, nhất là chi bộ thôn, khu phố nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của chi bộ. Thực hiện tốt tự phê bình và phê bình, nâng cao tính chiến đấu trong sinh hoạt đảng, mở rộng dân chủ, phát huy tốt vai trò của đảng bộ, chi bộ và đội ngũ cán bộ, đảng viên trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương, đơn vị. Thực hiện tốt công tác quản lý đảng viên và đổi mới công tác phân công nhiệm vụ cho đảng viên; phối hợp tốt giữa các cấp ủy để quản lý đảng viên ở nơi công tác và nơi cư trú.

Chú trọng công tác phát triển đảng viên mới đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng và góp phần hoàn thành chỉ tiêu hàng năm của toàn Đảng bộ tỉnh (kết nạp 2.000 đảng viên mới); chú ý phát hiện, bồi dưỡng lực lượng quần chúng ưu tú ở địa bàn dân cư và trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước.

Cụ thể hóa các tiêu chí, quy trình, phương pháp đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng, cán bộ, đảng viên hàng năm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng địa phương, đơn vị. Trong đó, đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng phải gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị, sự vững mạnh của các tổ chức trong hệ thống chính trị và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Thực hiện tốt công tác biểu dương, khen thưởng kịp thời những tổ chức đảng, đảng viên điển hình tiêu biểu.

Ba là, tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cấp ủy cơ sở. Chú trọng luân chuyển cán bộ huyện về cơ sở, gắn luân chuyển với điều động, sắp xếp, bố trí cán bộ theo yêu cầu vị trí công tác; thực hiện tốt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cấp ủy cơ sở xã, phường, thị trấn.

Bốn là, cấp ủy các cấp tăng cường công tác theo dõi, đôn đốc kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện, đẩy mạnh công tác tự kiểm tra, công tác giám sát thường xuyên và kiểm tra, giám sát chuyên đề của cấp trên để kịp thời phát hiện, biểu dương, nhân rộng những đơn vị, cá nhân làm tốt, nhắc nhở và chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót, xử lý nghiêm những sai phạm. Tiếp tục quan tâm củng cố, kiện toàn, nâng chất lượng các tổ chức đảng xếp loại yếu kém.

Tổ chức cơ sở đảng có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, trong lãnh đạo sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước thời kỳ hiện nay. Tổ chức cơ sở đảng là cầu nối giữa Đảng với quần chúng nhân dân, là tổ chức gần dân nhất, trực tiếp lãnh đạo nhân dân và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân để phản ánh với Đảng; dân tin Đảng, theo Đảng hay không là nhờ vào vai trò rất quan trọng, trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng, của cán bộ đảng viên tại cơ sở. Do đó, việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên vừa là nhiệm vụ khẩn trương, cấp bách trước mắt, vừa là nhiệm vụ chiến lược lâu dài. Đây là nhiệm vụ của tất cả cấp ủy và đảng viên, tập trung trước hết ở tập thể cấp ủy và bí thư cấp ủy cơ sở.


Các tin khác

TIN NỔI BẬT

SỐ LƯỢT TRUY CẬP