TIN MỚI NHẤT

Một số kết quả qua thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII)

Ngày 25/10/2017, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới. Qua 05 năm triển khai thực hiện Nghị quyết về công tác dân số trên địa bàn, tỉnh Bình Thuận đã đạt được một số kết quả tích cực, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Để cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW vào tình hình thực tế của tỉnh, Ban Chấp hành đảng bộ tỉnh Bình Thuận (khóa XII) đã ban hành Chương trình hành động số 41/CTr-TU về thực hiện công tác dân số trong tình hình mới. Trên cơ sở đó, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội căn cứ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền đã ban hành kế hoạch và tổ chức phổ biến, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng trong đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về công tác dân số với nhiều hình thức đa dạng. Qua đó, nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và toàn thể xã hội, trong đó có vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào tôn giáo… về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) được nâng lên, góp phần thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu về công tác DS-KHHGĐ đã đề ra.

Sau 05 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực. Các chương trình mục tiêu quốc gia về DS-KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản triển khai đầy đủ; tốc độ gia tăng dân số tiếp tục được khống chế, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân; quy mô dân số toàn tỉnh ổn định, mức sinh giảm, chất lượng dân số ngày càng nâng cao. Theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, dân số trung bình của tỉnh là 1.232.267 người; tỷ suất sinh là 1,91 con/phụ nữ, nằm trong nhóm 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp; tỷ trọng dân số của tỉnh dưới 15 tuổi chiếm 25%; từ 15 - 64 tuổi chiếm 68,2%; từ 65 tuổi trở lên chiếm 6,8%; tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh hiện nay là 112 bé trai/100 bé gái, đều đạt chỉ tiêu tỉnh giao các năm; tuổi thọ trung bình đạt 74,5 năm, cao hơn mức bình quân cả nước 0,9 năm; tỷ lệ dân số sống ở khu vực thành thị của tỉnh là 38,1%; đến cuối năm 2021, số lượng bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh được 657 ca, tỷ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc là 7,6%.

Hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về DS-KHHGĐ được nâng cao, triển khai hiệu quả chiến lược, chính sách, pháp luật về dân số; kịp thời xây dựng, củng cố, kiện toàn, phát triển mạng lưới và nâng cao chất lượng dịch vụ về DS-KHHGĐ; các dịch vụ tư vấn, chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ ngày càng được đáp ứng kịp thời. Đội ngũ cán bộ y tế, cán bộ chuyên trách và cộng tác viên dân số được quan tâm củng cố. Hệ thống dịch vụ, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản từng bước được đầu tư và nâng cấp; nguồn lực bố trí công tác DS-KHHGĐ được đảm bảo, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh, cải thiện cuộc sống của nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đạt được những kết quả nêu trên là do: Sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền; sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể, đặc biệt việc phối hợp tuyên truyền chủ trương, chính sách, phổ biến kiến thức về dân số, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu dân số; phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ làm công tác y tế - dân số từ tỉnh đến cơ sở; thực hiện tốt các chế độ, chính sách đãi ngộ cho đội ngũ làm công tác dân số; kịp thời khuyến khích, biểu dương, khen thưởng những cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc, nhất là các cặp vợ chồng sinh đủ 02 con, sinh 02 con là gái thực hiện tốt chính sách dân số đã lan tỏa những tấm gương tốt trong công tác dân số đến toàn xã hội.

Để tiếp tục thực hiện đạt được mục tiêu về công tác dân số trong tình hình mới, trong đó, phấn đấu đạt mức sinh thay thế; giảm tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng; thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số, đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần phục vụ tốt yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững của tỉnh, thiết nghĩ cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu như sau:

Một là, cấp ủy, chính quyền các cấp phải xác định công tác DS-KHHGĐ là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội về chuyển trọng tâm từ việc giảm sinh sang sinh đủ 2 con. Thực hiện lồng ghép có hiệu quả các yếu tố dân số trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của địa phương. Tăng cường phối hợp liên ngành, phát huy mạnh mẽ vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân trong công tác dân số. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, phong trào thi đua về công tác dân số của các địa phương, đơn vị.

Hai là, đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến trực tiếp thông qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên của các ngành, các cấp, nhất là đội ngũ cộng tác viên dân số ở thôn, bản, khu phố về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân số; chú trọng chuyển mạnh sang thực hiện chính sách dân số và phát triển. Vận động, phát huy vai trò của các chức sắc tôn giáo, già làng, trưởng bản, người uy tín trong cộng đồng, người có ảnh hưởng đến công chúng trong việc tham gia tuyên truyền, giáo dục người dân thực hiện chính sách dân số.

Ba là, nâng cao trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ y tế. Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi; đẩy mạnh công tác bình đẳng giới, khắc phục tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Thực hiện có hiệu quả chính sách bảo vệ và phát triển các dân tộc thiểu số, nhất là các dân tộc có dân số dưới 10.000 người.

Bốn là, tiếp tục phát triển mạng lưới và nâng cao chất lượng dịch vụ về dân số. Đổi mới phương thức cung cấp dịch vụ KHHGĐ theo hướng mở rộng, đưa dịch vụ tới tận người sử dụng, thúc đẩy cung cấp dịch vụ qua mạng, đáp ứng nhu cầu của từng nhóm đối tượng. Phát triển mạng lưới cung cấp các dịch vụ tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh, sơ sinh, hỗ trợ sinh sản, tư vấn kiểm tra sức khỏe sinh sản trước hôn nhân.

Năm là, bảo đảm nguồn lực triển khai toàn diện công tác dân số. Đẩy mạnh xã hội hóa, kêu gọi thu hút các nguồn vốn từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước để đẩy mạnh đầu tư xây dựng các công trình có liên quan trong lĩnh vực dân số.

Sáu là, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác dân số các cấp theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả; bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương; nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ cộng tác viên dân số ở thôn, khu phố...Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, thực hiện chuẩn hóa đội ngũ cán bộ làm công tác dân số các cấp, các ngành đáp ứng yêu cầu hoạt động. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong quản lý, cung cấp dịch vụ cho người dân.

Với những giải pháp nêu trên, hy vọng rằng trong thời gian tới, tỉnh Bình Thuận sẽ đạt được mục tiêu về công tác dân số trong tình hình mới theo Chương trình hành động số 41/CTr-TU của Tỉnh ủy đề ra, góp phần phục vụ tốt yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.


Các tin khác

TIN NỔI BẬT

SỐ LƯỢT TRUY CẬP