Chương trình hành động của Tỉnh ủy đề ra mục tiêu tổng quát là tổ chức thực hiện nghiêm Hiến pháp và pháp luật. Xây dựng tổ chức, bộ máy chính quyền ở địa phương và các cơ quan tư pháp các cấp ở tỉnh tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, thực sự chuyên nghiệp, liêm chính; nâng cao năng lực quản lý, điều hành của cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu quản lý xã hội, đưa tỉnh nhà phát triển nhanh, bền vững, góp phần xây dựng nền hành chính, tư pháp chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại; đưa tỉnh nhà phát triển nhanh, bền vững cùng đất nước, góp phần xây dựng nền hành chính, tư pháp chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại và trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045.
Chương trình hành động của Tỉnh ủy đề ra 09 nhóm nhiệm vụ và giải pháp để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, trong đó có một số nội dung trọng tâm như sau: Công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, xử lý, giải quyết, phản hồi ý kiến, kiến nghị, phản ảnh, khiếu nại, tố cáo của nhân dân; thực hiện tốt công tác tiếp dân, đối thoại với nhân dân. Tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp trong tỉnh trên tất cả các lĩnh vực, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, khơi dậy, phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước, của địa phương. Thực hiện tốt các quy định của Trung ương về kiểm soát quyền lực, phòng, chống “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong việc xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương. Khắc phục có hiệu quả việc chậm ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền được giao trên một số lĩnh vực, đặc biệt là đất đai. Tiếp tục sắp xếp lại tổ chức bên trong của các sở, ngành, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh. Thực hiện nguyên tắc một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính, các cơ quan có liên quan phối hợp thực hiện gắn với trách nhiệm người đứng đầu; từng bước xoá bỏ cơ chế phối hợp liên ngành. Tiếp tục đẩy mạnh việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, rà soát, cắt bỏ các thủ tục không cần thiết, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, cản trở cạnh tranh lành mạnh; áp dụng hiệu quả dịch vụ công trực tuyến; xây dựng nền kinh tế số, chính phủ số, xã hội số. Áp dụng hiệu quả thủ tục tố tụng tư pháp rút gọn; kết hợp các phương thức phi tố tụng tư pháp với các phương thức tố tụng tư pháp. Đổi mới và nâng cao hiệu quả cơ chế nhân dân tham gia xét xử tại tòa án; tăng cường công tác hòa giải, đối thoại tại tòa án. Nâng cao chất lượng, hiệu quả thi hành án dân sự, hành chính theo hướng rút ngắn thời gian, giảm thiểu chi phí; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan trong thi hành án hình sự, dân sự và hành chính; thực hiện xã hội hoá một số hoạt động thi hành án dân sự với cơ chế bảo đảm và lộ trình phù hợp. Thực hiện tốt phương châm “Mọi quyền lực phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, phải được ràng buộc bằng trách nhiệm, quyền lực đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền lực càng cao trách nhiệm càng lớn; lạm dụng, lợi dụng quyền lực phải bị truy cứu trách nhiệm và xử lý”. Kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động của nhà nước và cán bộ, công chức, viên chức. Tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân tham gia kiểm soát quyền lực nhà nước; bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, quyền kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo và các quyền khác của công dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.