TIN MỚI NHẤT

Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa

  • HMT
  • /
  • 16.5.2023 - 10:10

Mới đây, đồng chí Dương Văn An – Bí thư Tỉnh ủy vừa ký ban hành Chương trình hành động số 61-CTr/TU của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, mục tiêu tổng quát đến năm 2030 là đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; huy động và sử dụng hợp lý, có hiệu quả các nguồn lực; phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy tăng trưởng xanh, trọng tâm là phát triển 03 trụ cột của tỉnh (công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp). Mục tiêu cụ thể của tỉnh đến năm 2030 là tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân thời kỳ 2021 - 2030 đạt từ 7,5 - 8,0%. GRDP bình quân đầu người đạt từ 7.800 – 8.000 USD. Đóng góp của nhân tố tổng hợp TFP vào tăng trưởng kinh tế khoảng 50%; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP của tỉnh đạt từ 18 - 20% và tỷ trọng kinh tế số chiếm khoảng 30% trong GRDP. Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp đạt bình quân từ 11,5 – 13%năm. Tỷ lệ lao động nông nghiệp chiếm dưới 30% trong tổng số lao động xã hội. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 80%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt từ 39 - 40%. Đào tạo kỹ năng số cơ bản cho 50% dân số của tỉnh. Tỷ lệ đô thị hoá đạt khoảng 50,8%... Đến năm 2045, phấn đấu cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, bền vững, thân thiện môi trường.

Chương trình hành động của Tỉnh ủy đề ra 11 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cụ thể, nhiệm vụ và giải pháp về đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức và hành động quyết liệt để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; về tổ chức thực hiện tốt các cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa; về xây dựng ngành công nghiệp vững mạnh; về công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và cơ cấu lại ngành dịch vụ, đẩy mạnh phát triển du lịch; về phát triển khoa học - công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao; về phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thúc đẩy đô thị hóa nhanh và bền vững; về phát triển các thành phần kinh tế (kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân); về đổi mới chính sách tài chính, tín dụng; về quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên gắn với bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và tăng cường hội nhập quốc tế; về phát huy giá trị văn hóa, bản lĩnh, trí tuệ con người Việt Nam, xây dựng giai cấp công nhân, xây dựng đội ngũ trí thức và doanh nhân trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa...

Về tổ chức thực hiện Chương trình hành động, Tỉnh ủy yêu cầu các đảng đoàn, ban cán sự đảng, các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc tỉnh… quán triệt, xây dựng kế hoạch cụ thể phù hợp với tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị, địa phương để tổ chức thực hiện. Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện, thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện; định kỳ hàng năm báo cáo kết quả cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Tỉnh ủy để theo dõi, chỉ đạo.


Các tin khác

TIN NỔI BẬT

SỐ LƯỢT TRUY CẬP