Qua 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, hoạt động văn học, nghệ thuật của tỉnh có bước phát triển, đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ; nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của văn học, nghệ thuật trong xây dựng và sự nghiệp phát triển đất nước ngày càng cao; các hoạt động văn học, nghệ thuật chuyên nghiệp có chuyển biến khá. Công tác quản lý nhà nước về văn học, nghệ thuật được tăng cường, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Đội ngũ văn nghệ sĩ không ngừng phát triển về số lượng và chất lượng, từng bước được trẻ hóa, có lòng yêu nước, tự hào dân tộc, tâm huyết với nghề và ngày càng nâng cao tính chuyên nghiệp trong sáng tác văn học, nghệ thuật. Hoạt động sáng tác văn học, nghệ thuật trên địa bàn tỉnh phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu. Công tác sưu tầm, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, nghệ thuật, truyền thống tốt đẹp của các dân tộc được quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện…, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống và văn hóa hiện đại, định hướng phát triển văn học, nghệ thuật đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh: Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng của văn hóa, là nhu cầu thiết yếu thể hiện khát vọng chân - thiện - mỹ của con người, trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam.
Trong thời gian tới để xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật phát triển mạnh mẽ hơn nữa, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị các cấp, các ngành nâng cao nhận thức về vai trò quang trọng của văn học, nghệ thuật. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, hiệu quả quản lý Nhà nước của cơ quan chuyên ngành, chính quyền các cấp đối với hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật. Tiếp tục phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ đáp ứng yêu cầu phát triển hoạt động văn học, nghệ thuật; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, nghệ thuật và đội ngũ cán bộ kế thừa. Đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, nhất là trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật và thiết chế văn hoá, nghệ thuật ở cơ sở. Tiếp tục cải tiến, đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung, hình thức hoạt động của Tạp chí Văn nghệ Bình Thuận và Giải thưởng Dục Thanh. Tạo điều kiện hỗ trợ giới thiệu, quảng bá, xuất bản các tác phẩm văn học, nghệ thuật có chất lượng cao đến với công chúng. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, xây dựng tiêu chuẩn và cơ chế lựa chọn bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý lĩnh vực văn học, nghệ thuật có đủ năng lực, trình độ chuyên môn, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tâm huyết với nghề; đồng thời, tiếp tục kiện toàn tổ chức và hoạt động của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh và các phân hội, chi hội; phát triển hội viên đông về số lượng, vững về chất lượng, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ văn hóa, nghệ thuật, nhất là đội ngũ kế thừa.