Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng lưu ý, việc lập hồ sơ, thủ tục xin chuyển mục đích sử dụng rừng phải đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, việc triển khai thực hiện phương án trồng rừng thay thế phải theo đúng quy định của Luật Lâm nghiệp, ưu tiên trồng cây gỗ lớn tại vùng phụ cận của dự án, nhất là tại các xã Phan Lâm, Phan Sơn thuộc huyện Bắc Bình để góp phần tăng độ che phủ của rừng trong khu vực.
Được biết, sau khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất chủ trương chuyển mục đích sử dụng ha rừng tự nhiên sang mục đích khác, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
Quốc lộ 28B đi qua tỉnh Bình Thuận và tỉnh Lâm Đồng có tổng chiều dài 69 km, đây là tuyến giao thông quan trọng kết nối vùng Tây Nguyên với vùng Duyên hải Nam Trung bộ. Quốc lộ 28B được xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2003 với quy mô đường cấp IV (trước đây là đường chuyên dùng phục vụ thi công xây dựng công trình thủy điện Đại Ninh). Quốc lộ 28B đi qua đèo Đại Ninh khá hiểm trở, nhiều đoạn cua khúc khuỷu, nguy hiểm, năm 2009 đã xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng đối với xe chở du khách Nga từ Đà Lạt về Mũi Né làm 10 người chết và 14 người bị thương. Qua gần 20 năm sử dụng, đến nay nhiều đoạn trên Quốc lộ 28B bị xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông.
Ngày 04/10/2021, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Quyết định số 1754/QĐ-BGTVT phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 28B qua tỉnh Bình Thuận và Lâm Đồng. Ngày 08/7/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cũng phê duyệt Khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để thực hiện dự án. Khi hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 28B sẽ góp phần hạn chế tai nạn giao thông, đáp ứng nhu cầu phục vụ vận chuyển hàng hóa và du khách ngày càng cao giữa tỉnh Bình Thuận và tỉnh Lâm Đồng.