TIN MỚI NHẤT

Vẫn còn lắm gian nan để du lịch Bình Thuận trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Bình Thuận là tỉnh có bờ biển trải dài trên 192 km với nhiều bãi tắm đẹp, nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng và có nhiều di tích kiến trúc - lịch sử khá phong phú là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch. Những năm qua, tỉnh luôn quan tâm, tạo điều kiện cho du lịch hoạt động nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Nghị quyết số 09-NQ/TU của Tỉnh ủy đã xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, du lịch Bình Thuận trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại… Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu trên, tỉnh Bình Thuận vẫn còn nhiều việc phải làm. 

Nỗ lực phấn đấu

Hệ thống cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển, chất lượng ngày càng cao. Toàn tỉnh hiện có 473 cơ sở lưu trú với tổng số 14.193 phòng đang hoạt động, ngoài ra còn có 315 biệt thự và 557 căn hộ cùng tham gia hoạt động du lịch. Đến nay, đã xếp hạng 237 cơ sở lưu trú với 9.235 phòng (đạt tiêu chuẩn 5 sao có 3 cơ sở, đạt tiêu chuẩn 4 sao có 29 cơ sở, đạt tiêu chuẩn 3 sao có 18 cơ sở, 2 sao có 34 cơ sở, 1 sao có 39 cơ sở…). Có 51 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành trong đó có 7 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế. Các loại hình dịch vụ về ăn uống, mua sắm, thể thao trên biển… không ngừng nâng chất lượng; một số sản phẩm du lịch mới được đem vào hoạt động như điểm du lịch Bồng lai Tiên cảnh, Công viên tượng cát, sân khấu nhạc nước đã tạo nên những điểm tham quan, giải trí hấp dẫn đáp ứng nhu cầu du khách.

Theo số liệu của Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh, trong 8 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh đón được trên 3 triệu lượt khách, tăng 9,7% (trong đó khách du lịch quốc tế đạt khoảng 330.983 lượt, tăng 16,3%); tổng thu từ khách du lịch đạt 5.760 tỷ đồng, tăng 22% so cùng kỳ năm trước. Ngành du lịch tỉnh đã tập trung phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu UBND tỉnh trình Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch thẩm định và phê duyệt đề cương, nhiệm vụ Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mũi Né, tỉnh Bình Thuận đến năm 2030; ban hành Kế hoạch thực hiện Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Xây dựng Đề án Bổ sung mục tiêu kinh doanh bất động sản nghỉ dưỡng, loại hình biệt thự, căn hộ cao tầng gắn với quyền sử dụng đất lâu dài trong các dự án du lịch, khu du lịch. Tỉnh đã lồng ghép các nguồn vốn ngân sách đầu tư hệ thống hạ tầng tại các điểm du lịch trọng điểm của tỉnh (phân bổ 15 tỷ đồng để đầu tư hệ thống nước sinh hoạt; phân bổ 15,5 tỷ đồng để đầu tư các tuyến đường vào nhà máy xử lý rác thải, các bãi xử lý rác tập trung phục vụ các khu dân cư và các dự án du lịch, bổ sung kế hoạch đầu tư gần 12 tỷ đồng để làm đường Đa Tro đi buôn Tà Mỹ (huyện Hàm Thuận Bắc), làm đường từ Đá Ông Địa đến Khu du lịch Hoàng Ngọc (Phan Thiết); bố trí kinh phí cho Trung tâm Xúc tiến du lịch thực hiện các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch... Trong chuyến công tác của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về thăm và làm việc với tỉnh vừa qua, tỉnh đã đề nghị và đã được Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương triển khai thực hiện nhiều dự án đầu tư hạ tầng tạo điều kiện để du lịch phát triển.

Vẫn còn đó nhiều gian nan, trở ngại

Du lịch của tỉnh hiện nay vẫn chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế; số lượng dự án du lịch chưa triển khai hoặc triển khai cầm chừng còn nhiều. Qua số liệu thống kê cho thấy, hiện toàn tỉnh có 385 dự án du lịch được chấp thuận đầu tư còn hiệu lực với tổng diện tích 6.250 ha và tổng vốn đăng ký 62.380 tỷ đồng (trong đó có 24 dự án đầu tư nước ngoài với tổng diện tích 2.153 ha và tổng vốn đăng ký 21.236 tỷ đồng; 361 dự án đầu tư trong nước với tổng diện tích 4.096 ha và tổng vốn đăng ký là 41.144 tỷ đồng). Song, mới chỉ có 175 dự án đã đi vào hoạt động, chiếm 45,5% số dự án được chấp thuận đầu tư; các dự án còn lại đều có những khó khăn, vướng mắc với nhiều nguyên nhân như do vướng về đền bù, giải phóng mặt bằng, năng lực nhà đầu tư yếu hoặc đang trong quá trình chờ để sang nhượng dự án…

Bên cạnh đó, việc tập trung đầu tư nâng cấp, mở rộng các trục giao thông chính nối các khu du lịch ở tỉnh, các trục đường ven biển còn rất khó khăn. Trong buổi thăm và làm việc của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy với một số cơ sở du lịch trên địa bàn tỉnh, ông Michael Tiplady – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Việt Pháp - D’Ânnam resort & Spa (tại Khu Hòn Lan, xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam) phản ánh: Hiện nay đoạn đường ĐT.719 từ thị xã La Gi về Kê Gà xuống cấp nghiêm trọng đã làm ảnh hưởng rất lớn đến việc thu hút du khách nước ngoài đi từ thành phố Hồ Chí Minh về Công ty. Điều đó không chỉ là khó khăn riêng của D’Ânnam mà là khó khăn chung của nhiều cơ sở du lịch phía nam tỉnh.

Ngoài ra, tình trạng rác thải ven các tuyến đường, rác từ biển tấp vào các bãi tắm nơi có nhiều khu resort cao cấp; việc chồng lấn giữa quy hoạch du lịch với quy hoạch khai thác titan, ô nhiễm môi trường do nước thải, thả lưới bẫy tôm hùm con trên biển, hoạt động chế biến hải sản có mùi đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động du lịch.

Để du lịch phát triển bền vững

Để đạt mục tiêu đến năm 2020 ngành du lịch Bình Thuận trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, thiết nghĩ các cấp, các ngành, các địa phương cần làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục để cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của ngành du lịch; chú trọng xây dựng văn hóa ứng xử lành mạnh, thân thiện của các lực lượng chức năng, của người dân với du khách; thực hiện tốt việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc. Tích cực giải quyết các vướng mắc để các dự án đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng và đưa dự án vào hoạt động; đẩy mạnh phát triển đa dạng về loại hình, sản phẩm du lịch; mở rộng địa bàn du lịch trên cơ sở khai thác tối đa tài nguyên du lịch của từng vùng, miền trong tỉnh. Tăng cường đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng du lịch, nhất là sớm đầu tư nâng cấp, mở rộng trục đường ven biển (làm mới trục ĐT.719B đoạn Phan Thiết – Kê Gà và đầu tư nâng cấp, mở rộng đoạn Kê Gà – Tân Thiện), đường cao tốc đoạn Dầu Giây - Phan Thiết, đoạn Phan Thiết - Nha Trang, sân bay Phan Thiết…nhằm tạo thuận lợi cho việc kết nối Bình Thuận với các trung tâm du lịch lớn trong cả nước.

Hy vọng với những tiềm năng phát triển kinh tế du lịch sẵn có, tỉnh Bình Thuận đã và đang tập trung phát huy những kết quả đạt được trong thời gian qua, khắc phục những hạn chế, đẩy mạnh thu hút đầu tư, mời gọi các nguồn lực mới nhằm đưa du lịch sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.


Các tin khác

 

TIN NỔI BẬT

SỐ LƯỢT TRUY CẬP