Trong những năm gần đây, kinh tế - xã hội ở tỉnh Bình Thuận liên tục tăng trưởng khá, đời sống của nhân dân ngày được nâng lên; cùng với đó, các loại dịch vụ, hàng hóa trên thị trường xuất hiện ngày nhiều, đa dạng, phong phú về chất lượng, mẫu mã, xuất xứ, thương hiệu để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng so với trước đây. Bên cạnh đó cũng xuất hiện tình trạng tranh chấp quyền lợi giữa người bán và người mua, việc giải quyết các khiếu nại của doanh nghiệp với người tiêu dùng chưa được quan tâm đúng mức, đa số người tiêu dùng còn tâm lý bỏ qua khi gặp sự cố như mua hàng kém chất lượng, hàng hóa không đúng như quảng cáo và còn e ngại khiếu nại khi quyền lợi của mình bị xâm phạm, chưa thẳng thắn đấu tranh với những hành vi sai trái của các cơ sở, tổ chức kinh doanh vi phạm.
Nhằm cụ thể hóa Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Chỉ thị số 30-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chương trình hành động của Chính phủ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận đã ban hành Kế hoạch số 131-KH/TU, ngày 02/4/2019 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; đồng thời, lãnh đạo các cấp, các ngành trong tỉnh xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” , ngày “Quyền của người tiêu dùng Việt Nam”. Nhờ đó, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có sự chuyển biến tích cực.
Ủy ban nhân dân tỉnh thường xuyên chỉ đạo rà soát, ban hành các chính sách và củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy chuyên trách, có sự phân công, phân cấp trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; ban hành quyết định công bố thủ tục hành chính về việc đăng ký hợp đồng mẫu, điều kiện giao dịch chung nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện đúng quy định của pháp luật; triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm trên địa bàn tỉnh, góp phần bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật và thông tin về chất lượng hàng hóa, dịch vụ và cảnh báo về nguy cơ mất an toàn cho người tiêu dùng được quan tâm thực hiện: Đã tổ chức 22 lớp tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm, thương mại điện tử, nâng cao năng suất, chất lượng theo phương pháp KPL, phương pháp quản lý TPMT, Lean, ISO 12485 cho hơn 1.250 lượt người; có 1.000 tổ chức, cá nhân được phổ biến các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh, ký cam kết thực hiện niêm yết giá và bán hàng theo niêm yết. Ngành công thương đã biên soạn và phát hành tài liệu “Hướng dẫn tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới”, 300 sổ tay thương mại điện tử, 300 sổ tay an toàn thực phẩm. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã tích cực tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, nhân dân thực hiện nghiêm túc Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng gắn với đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và công tác phòng, chống buôn lậu, an toàn thực phẩm. Nhờ đó, các cơ sở sản xuất kinh doanh ngày càng có trách nhiệm hơn với người tiêu dùng.
Công tác thu hồi các sản phẩm hàng hàng bị lỗi, hư hỏng, quá thời hạn sử dụng được thực hiện kịp thời, góp phần ngăn chặn nguy cơ mất an toàn cho người tiêu dùng. Các vụ việc tranh chấp giữa người tiêu dùng với tổ chức, cá nhân kinh doanh được quan tâm giải quyết thỏa đáng; kịp thời kiểm tra thông tin dư luận về những trường hợp gian lận trong mua bán; đã triển khai Tổng đài tư vấn hỗ trợ người tiêu dùng 18006838, thường xuyên đăng tải trên các phương tiện truyền thông để cảnh báo về các sản phẩm hàng hóa kém chất lượng hoặc quảng cáo sản phẩm không đúng công dụng, có nguy cơ gây ngộ độc, ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng, góp phần nâng cao cảnh giác của người tiêu dùng trong việc mua sắm, sử dụng hàng hóa, dịch vụ. Hội Bảo vệ người tiêu dùng tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức hướng dẫn, giải quyết các đơn, thư khiếu nại của người tiêu dùng.
Các ngành chức năng thường xuyên tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra, giám sát, qua đó đã kịp thời chấn chỉnh hoặc xử phạt đối với các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Từ năm 2020 đến nay, các ngành chức năng đã tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với 6.454 cơ sở, doanh nghiệp, qua đó đã xử phạt hành chính hơn 5,2 tỷ đồng. Những hành vi vi phạm chủ yếu rơi vào các trường hợp như hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ, phương tiện đo hết hiệu lực kiểm định, hàng hóa kém chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, chưa niêm yết giá… Ban Quản lý các chợ trên địa bàn tỉnh đã chủ động phối hợp với chính quyền và các cơ quan, đoàn thể địa phương thường xuyên thông tin, phổ biến tình hình kinh tế - xã hội, giá cả thị trường và hướng dẫn các quy định liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để người dân đến chợ mua - bán. Việc kiểm tra nhãn hàng, giá cả, chất lượng hàng hóa, cân, đo các loại hàng hóa tại các chợ, trung tâm mua sắm được các ngành chức năng quan tâm thực hiện.
Tuy nhiên, một thực trạng vẫn còn tồn tại lâu nay, đó là vẫn còn rất nhiều người tiêu dùng chưa nhận biết đầy đủ được quyền lợi của mình khi đi mua sắm hàng hóa, chưa quan tâm đến việc lấy hóa đơn, chứng từ, kiểm tra, xem xét hàng hóa trước khi nhận hàng…Do đó, khi sự cố xảy ra không có cơ sở để giải quyết, nhiều người tiêu dùng bị xâm phạm quyền lợi nhưng chỉ im lặng chấp nhận. Hoạt động tuyên truyền về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có lúc, có nơi còn hạn chế, việc triển khai các văn bản có liên quan đến quyền lợi người tiêu dùng còn chậm, hoạt động của Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn nhiều khó khăn, chưa phát huy tốt chức năng do kinh phí hoạt động còn hạn chế; chưa quản lý tốt các hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội.
Để tiếp tục triển khai có hiệu quả Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thiết nghĩ các cấp, các ngành cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
- Cần nghiên cứu, sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và xu thế hội nhập quốc tế trong giai đoạn mới.
- Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nhân sự liên quan đến công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ tỉnh đến huyện theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ và đạo đức công vụ đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tham gia công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
- Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nhất là hoạt động bán hàng trên website thương mại điện tử. Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho Hội bảo vệ người tiêu dùng các cấp hoạt động hiệu quả. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm hạn chế rủi ro cho người tiêu dùng.
- Thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến kịp thời các quy định, chính sách có liên quan đền quyền lợi của người tiêu dùng cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh và các tầng lớp nhân dân, nâng cao hiệu quả cuộc vận động Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam.
- Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, nâng cao vai trò, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, gắn trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với việc nâng cao lợi thế cạnh tranh và các chính sách, chiến lược phát triển kinh doanh của doanh nghiệp. Kịp thời khen thưởng, tôn vinh các tập thể, cá nhân có đóng góp tích cực cho công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.