TIN MỚI NHẤT

AN TOÀN THỰC PHẨM: CÒN ĐÓ NHỮNG NỖI LO

Sau 01 năm thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg, ngày 09/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 16-CT/TU, ngày 06/10/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về an toàn thực phẩm (ATTP), vấn đề ATTP được các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; nhận thức của các nhà quản lý, người sản xuất kinh doanh, chế biến thực phẩm và người tiêu dùng về bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm từng bước được nâng lên. Công tác thanh tra, kiểm tra được triển khai có chiều sâu, đặc biệt là thanh tra đột xuất đã kịp thời phát hiện, xử lý những cơ sở kinh doanh thực phẩm không bảo đảm ATTP; công tác quản lý, phối hợp giữa các sở, ban, ngành được thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, hạn chế chồng chéo, có chuyển biến tiến bộ trên một số lĩnh vực.

Test nhanh thực phẩm an toàn (Nguồn: Internet)

Bên cạnh những kết quả bước đầu đạt được, công tác quản lý ATTP của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, vẫn còn những nỗi lo, đó là nguy cơ tiềm ẩn về ngộ độc thực phẩm vẫn còn do xuất phát từ nhận thức, chủ quan của người dân trong việc sản xuất, chế biến và sử dụng thực phẩm; vẫn còn tồn tại một số cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng hóa chất, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến không đúng quy định, không rõ nguồn gốc; việc xây dựng chuỗi cung ứng liên kết giữa nông, ngư dân với các cơ sở thu gom, sơ chế, chế biến chưa chặt chẽ, chưa gắn lợi ích và trách nhiệm của các bên tham gia; nguồn kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, lực lượng thanh tra, kiểm tra chuyên ngành còn thiếu; ý thức tự bảo vệ giống nòi của người sản xuất còn kém, số vụ vi phạm phát hiện còn nhiều. Trong lĩnh vực công thương, qua kiểm tra đã phát hiện xử lý 106 vụ vi phạm với tổng số tiền phạt hành chính là 427 triệu đồng, buộc tiêu hủy các tang vật vi phạm gồm dăm bông, thịt cút tươi quá hạn sử dụng, phụ gia thực phẩm, bột tẩy trắng, bột tạo hương không rõ nguồn gốc. Trong lĩnh vực nông nghiệp, đã xử lý 15 cơ sở với tổng số tiền 223 triệu đồng do chưa có giấy chứng nhận bảo đảm điều kiện ATTP, sử dụng hóa chất, phụ gia không rõ nguồn gốc, xuất xứ, sử dụng phụ gia ngoài danh mục cho phép, không có hạn sử dụng và buộc tiêu hủy hóa chất không rõ nguồn gốc. Trong lĩnh vực thu mua, chế biến trái thanh long đã phát hiện và xử lý 24 vụ vi phạm với tổng số tiền phạt hành chính là 387,2 triệu đồng như chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện về ATTP, sử dụng hóa chất, thuốc bảo quản thanh long không rõ nguồn gốc. Trong lĩnh vực y tế, qua thanh tra kiểm tra phát hiện 1.763 cơ sở vi phạm, phạt tiền 21 cơ sở, cảnh cáo 4 cơ sở, nhắc nhở 1.738 cơ sở. Ngoài ra, trong năm 2016 Công an tỉnh phát hiện và xử lý 08 vụ vi phạm pháp luật về ATTP, xử phạt 196 triệu đồng về các hành vi như sử dụng phụ gia, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quy định, vi phạm quy định vệ sinh thú y trong giết mổ động vật.

Những hạn chế, yếu kém nêu trên có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu do không ít cơ sở, hộ sản xuất kinh doanh, chế biến thực phẩm vì lợi nhuận không quan tâm đến đạo đức kinh doanh, sức khỏe người tiêu dùng, vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm; chế tài xử phạt vi phạm hành chính chưa đủ mạnh để răn đe; nhận thức chủ quan của người dân trong việc sử dụng các thực phẩm có chứa các độc tố tự nhiên gây chết người; chưa xây dựng được chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn từ nơi sản xuất, chế biến, chợ đầu mối cho đến các chợ và người tiêu dùng; nguồn nhân lực và trang thiết bị cho công tác ATTP còn thiếu.

Để khắc phục những hạn chế, yếu kém nêu trên, tạo sự chuyển biến rõ nét về bảo đảm an toàn thực phẩm trong thời gian tới; thiết nghĩ các cấp ủy, chính quyền tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg, ngày 09/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 16-CT/TU, ngày 06/10/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về vấn đề ATTP trong tình hình mới; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về bảo đảm ATTP nhằm nâng cao nhận thức của người sản xuất kinh doanh, vận động người dân, doanh nghiệp áp dụng quy trình sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản đảm bảo ATTP; tăng cường công tác thanh tra đột xuất việc thực hiện các quy định của pháp luật liên quan đến vệ sinh ATTP, kiên quyết xử lý nghiêm và có chế tài mạnh, đủ sức răn đe các hành vi sử dụng chất cấm, thuốc bảo vệ thực vật, chất kháng sinh, chất kích thích… không rõ nguồn gốc, không có trong danh mục cho phép sử dụng, sử dụng vượt mức cho phép. Tăng cường công tác lấy mẫu thực phẩm, sản phẩm nông sản, thủy sản kiểm tra, giám sát các chỉ tiêu về ATTP, truy xuất nguồn gốc, ngăn chặn kịp thời các sản phẩm không bảo đảm ATTP đến người tiêu dùng; tiếp tục xây dựng chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn gắn với giám sát, xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; đồng thời, đẩy mạnh hoạt động cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP cho các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, đặc biệt chú ý đến các hộ kinh doanh thức ăn đường phố, ảnh hưởng đến số đông người tiêu dùng.

Hy vọng với sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền và cả cộng đồng, tình trạng vi phạm các quy định về ATTP sẽ được đẩy lùi, người dân không phải lo lắng khi tiêu dùng thực phẩm, góp phần bảo đảm sức khỏe cho người dân và bảo vệ giống nòi cho các thế hệ tương lai.


Các tin khác

SỐ LƯỢT TRUY CẬP