Sau khi nghe báo cáo tình hình thực hiện công tác ứng phó với bão số 4 của các ngành và các địa phương, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Bình Thuận tuy không nằm trong vùng tâm bão đi qua, tuy nhiên nhiều khả năng tỉnh sẽ chịu ảnh hưởng do hoàn lưu sau bão sẽ gây mưa lớn, làm ngập lụt, sạt lở đất là rất lớn, vì vậy các địa phương và các sở, ngành có liên quan tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt công tác ứng phó với bão số 4 theo tinh thần khẩn trương, quyết liệt, không được chủ quan, lơ là. Trong đó, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Công điện số 855/CĐ-TTg, ngày 25/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản chỉ đạo của Trung ương và Ủy ban nhân dân tỉnh; theo dõi sát diễn biến của cơn bão để triển khai các nội dung công việc cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Tăng cường công tác kiểm tra, thông báo, kêu gọi, hướng dẫn ngư dân nhanh chóng đưa tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển vào nơi tránh trú an toàn. Chuẩn bị cụ thể phương án di dời dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, xung yếu, có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn; khẩn trương khắc phục hậu quả khi sự cố sạt lở, sụt lún làm ách tắc giao thông. Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống bão, nhất là chằng, chống nhà cửa, phương tiện trước khi bão đổ bộ vào. Các ngành chức năng thường xuyên theo dõi, tăng cường công tác kiểm tra bảo đảm an toàn hồ, đập, công trình thủy lợi, bãi chứa tro xỉ tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân…; hết sức chú trọng công tác xả lũ ở các hồ chứa để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân.
Đồng chí cũng yêu cầu các lực lượng vũ trang tỉnh (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Công an tỉnh) chủ động chuẩn bị triển khai lực lượng, phương tiện, trang thiết bị hỗ trợ nhân dân ứng phó với bão, sẵn sàng tham gia sơ tán dân, cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra.