Để kiểm soát lạm phát, đầu năm đến nay, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) đã tăng lãi suất 3 lần, từ mức 0% (mức được giữ từ tháng 3/2020) lên 1,75%. Qua đó, chi phí vay tăng cao làm giảm nhu cầu chi tiêu của người tiêu dùng và doanh nghiệp, đồng thời để rút bớt đồng USD ra khỏi thị trường, điều này làm cho đồng USD tăng giá, mạnh hơn và tạo áp lực mất giá rất lớn đối với các đồng tiền khác. Cụ thể như tỷ giá đồng tiền chung châu Âu (EUR) so với đồng USD có lúc xuống dưới 1 (1 EUR tương đương 0,9998 USD) vào giữa tháng 7/2022, đây là mức thấp nhất từ năm 2002; trường hợp tương tự, đồng yen của Nhật Bản (JPY) đã mất giá hơn 20% tính từ đầu năm và giảm xuống mức thấp nhất trong 24 năm qua với tỷ giá JPY/USD thời điểm thấp nhất là 138 JPY tương đương 1 USD. Đối phó với tình hình trên, nhiều nước bắt đầu lên lộ trình tăng lãi suất, tại châu Âu, sau 11 năm giữ mức lãi suất huy động âm (-0,5%), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tăng lãi suất thêm 0,5% để nâng mức lãi suất về 0%.
Đối với Việt Nam, tỷ giá liên ngân hàng VND/USD đã tăng liên tục trong thời gian qua, có lúc tăng lên 23.450 VND/USD (trong khi tỷ giá tự do lên mức 24.500 VND/USD). Trước áp lực đó, thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ để kiểm soát lạm phát trong nước và giữ giá đồng nội tệ, Ngân hàng Nhà nước đã khởi động lại kênh hút tiền VND thông qua nghiệp vụ bán tín phiếu, tính từ ngày 21/6/2022 đến nay đã rút về 277.000 tỷ đồng, cùng với đó là bán ra khoảng 12 tỷ USD (chiếm 10% dự trữ ngoại hối là 120 tỷ USD), nâng tổng lượng tiền rút ra khỏi thị trường khoảng 560.000 tỷ đồng (chiếm hơn 4% tổng phương tiện thanh toán là 13 triệu tỷ đồng).
Đồng USD tăng mạnh đang định hình lại dòng vốn đầu tư trên thế giới với tư duy nắm giữ đồng tiền mạnh nhất là an toàn nhất, có thể thấy các nhà đầu tư nước ngoài đã rút 71 tỷ USD ra khỏi các thị trường mới nổi ở châu Á trong 6 tháng đầu năm 2022 (nước ta cũng trong bối cảnh đó). Lãi suất trong nước đã bắt đầu tăng, cá biệt có ngân hàng thương mại tư nhân nâng lãi suất huy động kỳ hạn 18 tháng lên mức 7,6%/năm. Lãi suất tăng đồng nghĩa với việc dòng tiền bị rút bớt ra khỏi thị trường, gây ảnh hưởng mạnh nhất và trực tiếp đến các thị trường đầu cơ tài sản mang tính rủi ro cao, sử dụng nhiều tín dụng, đòn bẩy tài chính như chứng khoán, bất động sản. Đối với doanh nghiệp, chi phí vay tăng, chi phí nhập khẩu trả bằng USD tăng đột biến, trong đó nhóm ngành sản xuất hàng hoá cơ bản chịu ảnh hưởng lớn.
Ngoài ra, lãi suất tăng và đồng USD tăng giá cũng gây áp lực lớn đến nợ công và nợ khu vực tư, nhất là hơn 64.600 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp phải đáo hạn trong quý 3/2022 (tăng 82,7% so với quý trước và tăng 243,8% so với cùng kỳ), trong đó trái phiếu của nhóm ngành bất động sản chiếm tỷ trọng 52% và nhóm ngành tài chính – ngân hàng chiếm tỷ trọng 37%.
Dự kiến 6 tháng cuối năm 2022 và trong năm 2023, FED sẽ tiếp tục các đợt tăng lãi suất nhằm thực hiện mục tiêu đưa lạm phát của Hoa Kỳ về mức 2%. Nhiều khả năng trong cuộc họp định kỳ về chính sách tiền tệ diễn ra vào ngày 26 - 27/7/2022, FED sẽ tăng mạnh lãi suất thêm 0,75% – 1% so với mức hiện nay là 1,75%. Đến cuối năm nay, lãi suất điều hành của Hoa Kỳ có thể lên mức 3,4% – 4%. Nếu điều này xảy ra, các nền kinh tế trên thế giới, đặc biệt là các nền kinh tế mới nổi (trong đó có Việt Nam) sẽ chịu sức ép lớn từ những yếu tố: Lạm phát trong nước và nhập khẩu lạm phát; lãi suất trong nước tăng; đồng USD tăng giá so với đồng nội tệ; tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, nhiều nền kinh tế có nguy cơ suy thoái, vỡ nợ nước ngoài và xa hơn là không loại trừ khả năng có nguy cơ khủng hoảng tài chính.
Trong bối cảnh đó, dự báo chính sách tiền tệ của Việt Nam tiếp tục được thắt chặt, áp dụng linh hoạt đồng bộ các công cụ, kết hợp với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm ưu tiên kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, tăng sức chống chịu của nền kinh tế trước các tác động tiêu cực từ những biến động kinh tế thế giới.