PCI là chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, được sử dụng để xếp hạng chính quyền các tỉnh, thành phố trong việc điều hành kinh tế và xây dựng môi trường thuận lợi cho việc phát triển doanh nghiệp tư nhân. Năm 2021, tỉnh Bình Thuận đạt 65,96 điểm, xếp hạng 21/63 tỉnh, thành phố, tăng 13 bậc so với năm 2020. Đây cũng là kết quả cao nhất của địa phương trong 10 năm qua.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Bình Thuận là tỉnh nằm trong vùng duyên hải Nam Trung bộ, có diện tích tự nhiên 7.941,5km2 với dân số 1,2 triệu người, tiếp giáp với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là cửa ngõ ra biển của các tỉnh Nam Tây nguyên, có tiềm năng lớn về phát triển nông nghiệp, năng lượng, du lịch, dịch vụ logistics, có Cảng hàng không Phan Thiết, đường cao tốc Bắc - Nam (phía Đông) đi qua địa bàn tỉnh. Hiện nay, các dự án đầu tư lớn ở các lĩnh vực du lịch, điện khí, điện gió ngoài khơi, các khu công nghiệp… đang có xu hướng chuyển dịch vào tỉnh. Tuy nhiên, tỉnh ta vẫn còn nhiều bất lợi về vị trí địa lý, chưa có sự đồng bộ giữa hạ tầng giao thông đối ngoại và đối nội, quy mô thị trường còn nhỏ, chất lượng lao động chưa cao,… Do đó, việc nỗ lực cải thiện chất lượng điều hành, cải cách thủ tục hành chính để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ rất quan trọng.
Để tiếp tục cải thiện chỉ số PCI trong thời gian tới, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính về đầu tư, xây dựng, hạn chế việc giải quyết trễ hạn các hồ sơ thủ tục hành chính không có lý do chính đáng; khẩn trương xác định giá đất cụ thể đối với các dự án còn tồn đọng. Chú trọng nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tinh thần, thái độ làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là trong các ngành, lĩnh vực trực tiếp cung cấp thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp; chấm dứt tình trạng cố tình gây khó khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; phát huy tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp. Đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, quảng bá du lịch nhằm thu hút các nhà đầu tư có tiềm năng đầu tư vào các lĩnh vực lợi thế của tỉnh, có giá trị gia tăng cao. Khuyến khích các dự án du lịch đa dạng hóa về loại hình, cung cấp nhiều sản phẩm du lịch mới, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ và giữ vững hình ảnh, uy tín của du lịch tỉnh nhà. Song song đó, cần tăng cường công tác đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần tạo lập môi trường đầu tư an toàn, ổn định để nhà đầu tư, doanh nghiệp yên tâm phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Đối với cộng đồng doanh nghiệp, tỉnh Bình Thuận khuyến khích việc sản xuất, kinh doanh theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, áp dụng công nghệ cao, hướng tới các lĩnh vực chế biến sâu, các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển theo hướng bền vững. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tin tưởng rằng, với tâm huyết và sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, sự quyết tâm, trách nhiệm của các cấp chính quyền, môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh sẽ tiếp tục được cải thiện, năng lực cạnh tranh và hoạt động của các doanh nghiệp sẽ ngày càng tăng lên theo hướng hiệu quả và bền vững.