TIN MỚI NHẤT

BƯỚC ĐỘT PHÁ CHIẾN LƯỢC VỀ PHÁT TRIỂN NGÀNH NÔNG NGHIỆP THEO HƯỚNG HIỆN ĐẠI, BỀN VỮNG, CÓ GIÁ TRỊ TĂNG CAO

Ngày 10/9/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) đã ban hành Nghị quyết về phát triển ngành nông nghiệp tỉnh Bình Thuận hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao. Đây là một trong những bước đột phá quan trọng trong nhiệm kỳ 2020 – 2025, nhằm thay đổi mạnh mẽ tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp; từ sản xuất nông nghiệp truyền thống lấy sản lượng làm trọng tâm sang sản xuất chế biến, cung cấp dịch vụ nông nghiệp chất lượng, sạch, an toàn, có giá trị kinh tế cao gắn với phát triển thị trường và lợi thế cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp.

Đồng chí Dương Văn An - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy thăm dự án trồng cây có múi tại xã Bình An, huyện Bắc Bình

Thời gian qua, tỉnh đã tập trung dành nhiều nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhất là hệ thống thủy lợi. Trong giai đoạn 2016 - 2020, GRDP nhóm ngành nông - lâm - thủy sản tăng bình quân 2,88%/năm; đến năm 2020, tỷ trọng nông - lâm - thủy sản chiếm 29,49% trong tổng giá trị tăng thêm. Cơ cấu cây trồng được chuyển đổi đúng hướng. Đã hình thành một số mô hình liên kết sản xuất gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ngành chăn nuôi chuyển dần từ quy mô nhỏ lẻ sang quy mô trang trại, ứng dụng khoa học công nghệ, kiểm soát môi trường và dịch bệnh. Công tác trồng, quản lý, bảo vệ rừng được quan tâm thực hiện. Lĩnh vực thủy sản phát triển ổn định, gắn kết giữa khai thác, nuôi trồng với chế biến, xuất khẩu thủy sản, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng. Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ngày càng tăng, thị trường tiêu thụ được mở rộng, góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp của tỉnh phát triển. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp trên cả 03 lĩnh vực: Trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản còn nhiều khó khăn do dịch bệnh, biến đổi khí hậu, hạn hán, nguồn lợi thủy sản bị suy giảm, thị trường, giá cả không ổn định. Kết quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp chưa rõ nét, tăng trưởng ngành nông nghiệp chưa bền vững; ứng dụng khoa học - công nghệ và cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp còn yếu; chất lượng, giá trị và sức cạnh tranh của một số sản phẩm nông nghiệp còn thấp. Kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp chưa đáp ứng tốt yêu cầu. Sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún; liên kết, hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị trong nông nghiệp chưa hiệu quả, thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao còn khó khăn.

Thời gian tới, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xác định phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hữu cơ gắn với liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị và bảo vệ môi trường sinh thái. Chuyển đổi mạnh mẽ tư duy từ sản xuất, chế biển sản phẩm nông nghiệp theo hướng chất lượng, sạch, an toàn, có giá trị kinh tế cao gắn với phát triển thị trường và lợi thế cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Lấy doanh nghiệp, hợp tác xã giữ vai trò nòng cốt, làm cầu nối, dẫn dắt trong xây dựng và phát triển các chuỗi giá trị. Phấn đấu đến năm 2030, ngành nông nghiệp của tỉnh đạt trình độ khá về ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; có hệ sinh thái phát triển bền vững. Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng ngành nông nghiệp đạt bình quân từ 2,8 - 3,3%/năm; năng suất lao động nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng bình quân từ 7 - 8%/năm; giá trị kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng bình quân khoảng 5%/năm. Tỷ trọng nông, lâm, thủy sản chiếm 22 - 23% trong giá trị tăng thêm; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt trên 25%; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 20%; tốc độ tăng giá trị gia tăng công nghiệp chế biến nông sản đạt trên 8%/năm; diện tích đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt khoảng 1,5 - 2% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp; tỷ lệ phân bón hữu cơ đạt trên 15% tổng phân bón được sử dụng trên địa bàn; giữ ổn định tỷ lệ độ che phủ rừng 43% và nâng cao chất lượng rừng. Thu hút số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tăng 50% so với năm 2020; trên 70% hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả; tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo đạt trên 64%. Thu nhập của cư dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020; giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân trên 01 ha đất trồng trọt đạt khoảng 130 triệu đồng.

Để thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu trên, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, quản lý quy hoạch phát triển nông nghiệp tích hợp vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, bảo đảm phát triển bền vững. Mở rộng diện tích và nâng cao hiệu quả sử dụng đất sản xuất nông nghiệp. Đảm bảo ổn định diện tích nuôi trồng thuỷ sản trên đất liền, mở rộng diện tích nuôi trồng trên biển và đảo Phú Quý. Giữ ổn định diện tích quy hoạch rừng tự nhiên, phát triển rừng trồng ở khu vực đất đồi núi chưa sử dụng. Cơ cấu lại sản xuất trên các lĩnh vực phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp và phòng, chống thiên tai. Thúc đẩy ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp và phát triển công nghiệp chế biến; đẩy mạnh việc chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật ở tất cả các khâu của chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp, từng bước hình thành nền sản xuất nông nghiệp thông minh, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường.  Đổi mới mô hình tổ chức sản xuất, nâng cao chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và phát triển thị trường tiêu thụ; đẩy mạnh phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò nòng cốt, hiệp hội, hợp tác xã, tổ hợp tác làm cầu nối, dẫn dắt thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa; kết hợp sản xuất nông nghiệp với hoạt động du lịch ở những nơi đủ điều kiện. Cụ thể hóa, triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp phù hợp thực tế tại địa phương. Nghiên cứu ban hành một số chính sách đặc thù theo thẩm quyền của tỉnh để thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp theo định hướng, mục tiêu đề ra, nhất là các chính sách hỗ trợ về đất đai, tín dụng, đầu tư hạ tầng, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, chuyển đổi số; liên kết sản xuất, phát triển thị trường tiêu thụ, đào tạo nguồn nhân lực, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ phát triển sản phẩm chủ lực của tỉnh và sản phẩm OCOP... Rà soát, cắt giảm, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp; cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao khả năng thu hút dự án đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và chế biến nông, lâm, thủy sản. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ nông nghiệp; xây dựng đội ngũ chuyên gia ngành nông nghiệp, đội ngũ cán bộ dự báo, phân tích thị trường.

Thiết nghĩ để ngành nông nghiệp tỉnh nhà phát triển bền vững, tiếp tục cải thiện, tăng thu nhập cho người nông dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp cần quán triệt sâu sắc, triển khai thực hiện nghiêm túc bằng những hành động thiết thực, những việc làm cụ thể nhằm sớm đưa Nghị quyết của tỉnh ủy (khóa XIV) về phát triển ngành nông nghiệp tỉnh Bình Thuận hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao vào cuộc sống.


Các tin khác

 

TIN NỔI BẬT

SỐ LƯỢT TRUY CẬP