TIN MỚI NHẤT

Bình Thuận: Tăng cường lãnh đạo đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

Trong những năm gần đây, nhu cầu về sử dụng gỗ xây dựng, nội thất gia đình tăng cao nên tình hình khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, phá rừng, lấn chiếm đất rừng, chống người thi hành công vụ diễn biến hết sức phức tạp, gây bức xúc cho nhân dân, nhất là tại các xã vùng cao (Phan Sơn, Phan Lâm, Phan Tiến, La Dạ, Đông Giang…) và các vùng rừng giáp ranh với tỉnh Lâm Đồng. Mặc dù chính quyền địa phương đã nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng nhưng kết quả đạt được còn nhiều vấn đề đáng quan tâm. Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, 5 tháng đầu năm 2017, lực lượng quản lý bảo vệ rừng trên toàn tỉnh đã phát hiện lập hồ sơ vi phạm Luật Bảo vệ phát triển rừng 269 vụ. Cụ thể là vi phạm mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép 85 vụ; vi phạm quy định về khai thác gỗ và lâm sản 36 vụ; vi phạm về chế biến gỗ và lâm sản 3 vụ; vi phạm khai thác khác (truy quét, kiểm tra vắng chủ) 134 vụ và tịch thu 294,28 m3 gỗ các loại và các phương tiện, xe bò kéo... tổng các khoản thu và nộp ngân sách hơn 2 tỷ đồng.

(Tang vật của một vụ vận chuyển lâm sản trái phép)

Những hạn chế, yếu kém nêu trên có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do các nguyên nhân chủ quan: Nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng còn chưa đầy đủ, thiếu thống nhất, vì lợi ích kinh tế trước mắt mà chưa coi trọng sự phát triển bền vững; tình trạng buông lỏng quản lý, tiếp tay cho đối tượng vi phạm còn xảy ra; việc xử lý các vi phạm pháp luật trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng còn chưa nghiêm, thiếu sức răn đe.

Từ tình hình thực tế địa phương, nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XIII) đã ban hành Chương trình hành động số 27-CTr/TU, ngày 29/5/2017 thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, trong đó yêu cầu các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và mọi người dân đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng; đồng thời, giao Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo cơ quan Báo, Đài các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của toàn thể cán bộ đảng viên, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và mọi cá nhân đối với công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các đoàn thể nhân dân, các hội, hiệp hội đẩy mạnh công tác vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các hoạt động quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và giám sát việc thực hiện; triển khai thực hiện tốt cuộc vận động "Toàn dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng'' để nhân dân thấy rõ được vai trò đặc biệt quan trọng của rừng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái.

Nói tóm lại, rừng có giá trị nhiều mặt cho con người. Vì các nhu cầu ngày càng tăng của mình, con người không thể không khai thác rừng. Tuy nhiên, nếu biết khai thác một cách hợp lý và có kế hoạch trồng rừng thích hợp, chúng ta sẽ vẫn vừa thoả mãn được các nhu cầu của mình, vừa không làm tổn hại đến rừng, cũng là không tổn hại đến cuộc sống của chúng ta./.


Các tin khác

 

TIN NỔI BẬT

SỐ LƯỢT TRUY CẬP