TIN MỚI NHẤT

CẦN CÓ CHÍNH SÁCH DI DỜI CƠ SỞ NUÔI CHIM YẾN RA KHỎI KHU ĐÔ THỊ, KHU DÂN CƯ

  • TT
  • /
  • 14.11.2021 - 13:47

Những năm qua, nghề chăn nuôi gia cầm của tỉnh có chuyển biến tích cực, góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động; chăn nuôi đang từng bước dịch chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang chăn nuôi gia trại, trang trại, sản xuất hàng hóa, tăng thêm thu nhập, nhất là nghề nuôi chim yến.

Theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh có khoảng 1.425 cơ sở dẫn dụ và gây nuôi chim yến (trong đó: thành phố Phan Thiết 114 cơ sở, thị xã La Gi 22 cơ sở, các huyện Tuy Phong 84 cơ sở, Bắc Bình 321 cơ sở, Hàm Thuận Bắc 315 cơ sở, Hàm Thuận Nam 72 cơ sở, Hàm Tân 30 cơ sở, Tánh Linh 132 cơ sở và Đức Linh 335 cơ sở), sự tăng nhanh số lượng nhà nuôi chim yến chủ yếu là do nguồn thu nhập lớn, ổn định sau 2- 3 năm đầu tư, có thời điểm giá thành từ 20-30 triệu đồng/kg yến thô, bên cạnh đó lại ít tốn kém chi phí nhân công, không cần đầu tư chăn nuôi, mua thức ăn, chữa bệnh,… và chi phí khác; chỉ bỏ tiền xây nhà dẫn dụ chim yến về. Tuy nhiên, do phát triển tự phát, chủ yếu quy mô nhỏ, nhiều nhà nuôi chim yến nằm trong khu đô thị, hoặc trong khu đông dân cư kết hợp với nhà ở, đã phát sinh tiếng ồn, chưa phù hợp với điều kiện vệ sinh thú y và quy hoạch chăn nuôi gia cầm, dẫn đến những vấn đề bất cập đang đặt ra, như tình trạng ô nhiễm môi trường, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân cư, nhất là những hộ dân sinh sống xung quanh các nhà (cơ sở) chăn nuôi chim yến. Đã có không ít những trường hợp người dân phản đối việc chăn nuôi chim yến trong khu dân cư, gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến tình làng, nghĩa xóm. Được biết, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành quy định tạm thời về quản lý dẫn dụ và nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh nhằm quản lý xây dựng nhà dẫn dụ chim yến tự phát trong khu dân cư gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân trong khu vực; song, chi phí di dời nhà nuôi chim yến, quy hoạch và công khai quy hoạch khu vực được phép nuôi chim yến ổn định, lâu dài,...chưa được quan tâm giải quyết triệt để.

Để khắc phục tình trạng trên và để quản lý, tạo điều kiện cho người dân di dời các nhà nuôi chim yến trong khu đô thị khu dân cư hiện nay rất cần có giải pháp căn bản. Được biết, Ủy ban nhân dân tỉnh đang xây dựng “Quy định khu vực không được phép chăn nuôi; vùng nuôi chim yến và chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”,  sẽ quy định rõ vùng không được phép chăn nuôi, vùng nuôi chim yến và chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi chim yến, hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp khi các cơ sở chăn nuôi chim yến trong khu đô thị, khu dân cư ngừng hoạt động để di dời,…  đây là vấn đề rất cần thiết.  Đồng thời theo chúng tôi, để quy định này sau khi ban hành, sớm đi vào cuộc sống, vai trò của chính quyền, mặt trận và các đoàn thể ở địa phương, cơ sở rất quan trọng, phải có chiến lược tuyên truyền, vận động thường xuyên, liên tục để người chăn nuôi chim yến hiểu rõ tác hại của việc xây dựng nhà nuôi chim yến trong khu đô thị, khu đông dân cư và lợi ích của việc di dời cơ sở nuôi chim yến đến khu vực được phép chăn nuôi, tạo sự đông thuận trong nhân dân và tự giác thực hiện. Đồng thời, ngành nông nghiệp cần tăng cường công tác hội thảo, tập huấn cho người chăn nuôi hiểu rõ đặc tính di cư của loại chim yến, chúng là loài hoang dã, lệ thuộc hoàn toàn vào nguồn thức ăn, nước uống sẳn có trong tự nhiên và chịu ảnh hưởng về thời tiết; khi nguồn thức ăn khan hiếm và khi thời tiết thay đổi, chúng sẽ di cư đi nơi khác; về chu kỳ sinh sản, trưởng thành của chim yến,… từ đó có khuyến cáo giải pháp phát triển nghề nuôi chim yến bền vững và hạn chế thiệt hại cho người nuôi./.


  • TT
  • |
  • 1631
  • |

Các tin khác

 

TIN NỔI BẬT

SỐ LƯỢT TRUY CẬP