TIN MỚI NHẤT

MỘT SỐ YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN TĂNG TRƯỞNG GDP 9 THÁNG NĂM 2021

Năm 2021, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2021 giảm 6,71% và GDP 9 tháng năm 2021 chỉ tăng 1,42%.

Tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào ba trụ cột: Tiêu dùng, xuất khẩu và đầu tư. Về tiêu dùng, thu nhập của người dân bị giảm mạnh, phải thắt chặt chi tiêu, vì vậy tiêu dùng của hộ gia đình bị giảm, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, điều này còn thể hiện ở tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm gần 30% so với cùng kỳ năm trước. Đối với xuất nhập khẩu, mặc dù cán cân thương mại hàng hóa 9 tháng thâm hụt 2,41 tỷ USD nhưng bắt đầu có dấu hiệu phục hồi khi chỉ riêng tháng 9/2021 xuất siêu đạt 0,5 tỷ USD. Ngoài việc do tác động trực tiếp của đại dịch, cán cân thương mại thâm hụt những tháng đầu năm còn có nguyên nhân là các doanh nghiệp thường ký hợp đồng vào cuối năm trước hoặc đầu năm nay, sau đó nhập khẩu nguyên liệu trong quý I, II và đến quý III, IV tập trung cho sản xuất, xuất khẩu, do vậy có độ trễ giữa nhập khẩu và xuất khẩu trong trường hợp này. Chi tiêu của Chính phủ được phân làm 2 nhóm chính để điều hành: Cắt giảm chi thường xuyên và đẩy mạnh đầu tư công. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của đại dịch nên đầu tư của các doanh nghiệp chiếm tỷ trọng rất thấp so với đầu tư công.

Như vậy, có thể thấy tăng trưởng GDP 9 tháng năm 2021 có động lực chủ yếu là do đầu tư công của Chính phủ và một phần xuất khẩu hàng hóa tăng trưởng trở lại. Tuy nhiên, hai yếu tố này có những vấn đề đang đặt ra cần quan tâm:

- Đầu tư công, nhất là những dự án, công trình trọng điểm hiện là động lực chính của tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh đầu tư công sẽ thúc đẩy, tạo hiệu ứng tăng trưởng trong nhiều ngành, lĩnh vực. Nhưng thực tế việc thực hiện chỉ đạt được kết quả nhất định do khả năng cân đối ngân sách nhà nước đang gặp khó khăn vì thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế.

- Tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa phần lớn là từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), khu vực này không chỉ tăng trưởng xuất khẩu cao mà còn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Điều này cho thấy các doanh nghiệp FDI đang chủ động, thích ứng với tình hình hiện nay, tận dụng các ưu thế từ Hiệp định thương mại tự do (FTA) tốt hơn các doanh nghiệp trong nước.

- Xét về cơ cấu thị trường và mặt hàng xuất nhập khẩu: Thị trường xuất khẩu lớn nhất hiện nay là Hoa Kỳ với kim ngạch đạt 69,8 tỷ USD, tăng 27,6% so với cùng kỳ năm trước và chủ yếu do các doanh nghiệp FDI tạo ra. Một số mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn tập trung ở xuất khẩu và nhập khẩu: Máy móc, thiết bị, sản phẩm điện tử, linh kiện, máy vi tính… Trong khi xuất khẩu sang Mỹ tăng trưởng cao thì Việt Nam nhập siêu lớn từ Trung Quốc với kim ngạch đạt 81,3 tỷ USD, tăng 41,1% so với cùng kỳ năm trước. Thực chất vấn đề này là có những doanh nghiệp FDI vào Việt Nam sản xuất và nhập khẩu từ Trung Quốc chỉ để xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. Đối với các mặt hàng nêu trên, Việt Nam được hưởng giá trị rất ít, chủ yếu là công lao động, phần giá trị rất lớn thuộc về nước ngoài. Điều này phản ánh thực trạng là khi có lợi ích thì các doanh nghiệp FDI hưởng phần lớn nhưng nếu xảy ra rủi ro thì doanh nghiệp trong nước phải gánh chịu nhiều thiệt hại. Mặt khác, giá trị xuất khẩu từ các mặt hàng truyền thống của Việt Nam như: Nông sản, dệt may, da giày,…bị sụt giảm mạnh.

Ngoài những yếu tố trên, CPI bình quân 9 tháng chỉ tăng 1,82% so với cùng kỳ, đây không phải là tín hiệu tích cực vì điều này phản ánh sức mua rất yếu do đời sống người dân đang khó khăn và sự đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng. Việc người lao động rời bỏ các khu công nghiệp vừa gây ra khó khăn cho doanh nghiệp vì thiếu hụt nhân lực vừa tạo ra sự suy giảm cả về cung và cầu hàng hóa, dịch vụ. CPI thấp có thể thấy tỷ lệ lạm phát đang ở mức thấp. Tuy nhiên, khi dịch bệnh được kiểm soát, để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế thì phải bơm thêm tiền vào các thị trường, và lúc đó áp lực lạm phát sẽ gia tăng; qua đây cho thấy CPI hiện tại rất thấp nhưng tiềm ẩn áp lực lạm phát trong thời gian tới. Chính sách lãi suất cũng được triển khai thực hiện nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp đang vay vốn. Nhưng với các khoản vay mới để sản xuất, kinh doanh thì thực tế rất nhiều doanh nghiệp không có nhu cầu vay, đúng hơn là không dám vay trong bối cảnh hiện nay nên việc giảm lãi suất không có tác dụng với nhóm này. Việc giảm lãi suất kéo dài còn ảnh hưởng đến việc huy động tiền gửi trong nền kinh tế, dẫn đến dòng tiền có xu hướng chảy sang các kênh tài sản, tiềm ẩn nhiều rủi ro bong bóng tài sản khi lạm phát tăng.


Các tin khác

 

TIN NỔI BẬT

SỐ LƯỢT TRUY CẬP