TIN MỚI NHẤT

TĂNG CƯỜNG VÀ ĐỔI MỚI CÔNG TÁC DÂN VẬN CỦA ĐẢNG Ở VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ

Công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, là trách nhiệm của cấp ủy và cả hệ thống chính trị; trong đó, chú trọng đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở vùng đồng bào DTTS.

Từ thực trạng tình hình điểm xuất phát về kinh tế - xã hội tại các vùng đồng bào DTTS thấp, đời sống của đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao đã đặt ra không ít thách thức đối với địa phương trong việc thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững, đặc biệt là chính sách đầu tư ứng trước và trợ cước vận chuyển, giúp đồng bào có đủ giống, vật tư để sản xuất và thực hiện bao tiêu sản phẩm do đồng bào sản xuất với giá phù hợp, hạn chế tình trạng tư thương cho vay lãi nặng, ép giá, thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa tại vùng đồng bào DTTS. Trong những năm qua cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể, Ngân hàng Chính sách xã hội các cấp trong tỉnh đã có nhiều cố gắng, nỗ lực triển khai thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW, ngày 20/10/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (viết tắt là Chỉ thị số 49-CT/TW); Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận đã ban hành Kế hoạch số 04-KH/TU, ngày 05/02/2016 triển khai thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW (viết tắt là Kế hoạch số 04-KH/TU); trong đó xác định 06 nội dung trọng tâm và quy định tiến độ, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, từng ngành, từng cấp triển khai thực hiện. Ngoài ra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Công văn số 186-CV/TU, ngày 30/3/2016 “về việc tổ chức kết nghĩa với các xã thuần, thôn xen ghép đồng bào DTTS”. Đến nay, 100% xã vùng đồng bào DTTS đã có đường ô tô được nhựa hóa thông suốt đến trung tâm xã; 100% xã được phủ sóng truyền hình, phát thanh, có nhà văn hóa; 100% thôn, bản có nhà sinh hoạt cộng đồng; 98% hộ sử dụng điện lưới quốc gia; 88,3% hộ được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh. Chất lượng giáo dục - đào tạo trong vùng đồng bào DTTS từng bước được nâng lên; tỷ lệ mạng lưới trường, lớp được phủ kín ở các thôn, xã; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học được quan tâm đầu tư; tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường ổn định ở mức khá (mầm non đạt 57,55%, tiểu học đạt 99,9%, trung học cơ sở đạt 60,58%); tăng cường dạy tiếng Việt cho trẻ mầm non, tiểu học ở các xã vùng đồng bào DTTS và đưa chương trình tiếng Chăm vào dạy ở các trường tiểu học vùng đồng bào Chăm; chính sách hỗ trợ cho học sinh, sinh viên DTTS tiếp tục được quan tâm, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong vùng đồng bào DTTS. Mạng lưới y tế ở các xã thuần đồng bào DTTS được củng cố, hoàn thiện cả về tổ chức bộ máy, cơ sở vật chất, trang thiết bị, cơ bản đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân; 100% đồng bào DTTS thuộc vùng khó khăn, hộ nghèo, hộ cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, lĩnh vực văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh trong vùng đồng bào DTTS được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm sâu sát, tạo chuyển biến tích cực trong đời sống xã hội; các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào được giữ gìn và phát huy; hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn... Những kết quả trên đã góp phần thực hiện chủ trương giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, nghiêm túc nhìn nhận bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn không ít khó khăn, hạn chế. Khó khăn trước hết, đó là đời sống của đồng bào còn nhiều khó khăn, tập quán sản xuất còn lạc hậu, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo, tái nghèo còn cao; trình độ dân trí, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp. Nguồn lực của tỉnh còn hạn chế nên việc đầu tư cho vùng đồng bào thời gian qua chưa đáp ứng yêu cầu; kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS phát triển còn chậm và chưa đồng bộ. Tác động của biến đổi khí hậu và tình hình dịch bệnh, nhất là dịch bệnh Covid-19 đã gây những khó khăn đến sản xuất, đời sống của các hộ đồng bào DTTS. Mặt khác, một bộ phận đồng bào DTTS vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước, chưa nỗ lực vươn lên trong sản xuất, cải thiện đời sống. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở vùng đồng bào DTTS còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp…

Nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các ngành, cơ quan, đơn vị trong công tác dân tộc, giúp đồng bào DTTS phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, xây dựng đời sống văn hóa ở từng thôn, cộng đồng dân cư thiết nghĩ trong thời gian tới các ngành, các cấp tiếp tục quán triệt sâu kỹ và triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 49-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Kế hoạch số 04-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các văn bản triển khai của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác dân tộc và công tác dân vận vùng đồng bào DTTS. Nâng cao hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách đang triển khai ở vùng đồng bào DTTS; trọng tâm là Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về “Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”, trong đó chú trọng đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở vùng đồng bào DTTS. Huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là các công trình nước sạch, giao thông liên thôn, hệ thống thủy lợi tưới tiêu phục vụ sản xuất, sinh hoạt; giải quyết nhu cầu về đất sản xuất, đất ở cho người dân; ngăn chặn sang nhượng đất đai trái pháp luật. Tăng cường tuyên truyền, vận động, giải thích, thuyết phục tạo sự đồng thuận của đồng bào trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình, dự án ở vùng đồng bào DTTS. Tiếp tục nghiên cứu, xác định rõ điều kiện, thế mạnh, vật nuôi, cây trồng phù hợp với từng vùng đồng bào DTTS để tuyên truyền, vận động và hướng dẫn đồng bào thực hiện gắn với phát triển thị trường hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm. Tiếp tục giao khoán quản lý, bảo vệ rừng đến hộ gia đình để góp phần vào việc bảo vệ rừng có hiệu quả. Nâng cao chất lượng dạy và học, hạn chế tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng. Thực hiện tốt chương trình y tế quốc gia, xây dựng, nâng cấp các cơ sở y tế, bổ sung đội ngũ y, bác sĩ đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh tại chỗ của đồng bào; đảm bảo môi trường, an toàn thực phẩm; giảm thiểu tình trạng tảo hôn; giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc. Nâng cao vai trò của Người có uy tín, cốt cán, già làng, nhân sĩ trí thức, chức sắc tôn giáo trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước; kịp thời chỉ đạo, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, các vấn đề, vụ việc nổi lên ở cơ sở, nhất là các vấn đề liên quan đến dân tộc, tôn giáo ở vùng đồng bào DTTS, không để phát sinh điểm nóng.

Hy vọng với sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền và cả cộng đồng, công tác dân vận vùng đồng bào DTTS của tỉnh Bình Thuận trong thời gian tới sẽ đạt được nhiều kết quả mong đợi theo Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.


Các tin khác

 

TIN NỔI BẬT

SỐ LƯỢT TRUY CẬP